Lối thoát hẹp

Thứ năm, 10/08/2017 10:20

Những nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng biên giới kéo dài 7 tuần giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã vấp phải rào cản lớn, tiếp tục thúc đẩy các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc hùng biện mạnh mẽ về “các biện pháp đối phó không thể tránh khỏi” trên vùng biên giới tranh chấp.

Bắc Kinh đã nhấn mạnh, New Delhi phải đơn phương rút quân khỏi vùng cao nguyên Doklam mà cả Trung Quốc và Bhutan – đồng minh thân cận của Ấn Độ - cùng tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ không đáp ứng, cho rằng,  vấn đề đặt ra là Bắc Kinh đã không đáp lại lời đề nghị của New Delhi trong các cuộc đàm phán rằng, Trung Quốc phải điều quân lùi lại 250m. Nhưng rồi, từ Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ không bao giờ từ bỏ vùng lãnh thổ tuyên bố chủ quyền và ra nhắc lại rằng, Ấn Độ cần phải rút quân vô điều kiện trước.

Quân đội Ấn Độ vào Doklam từ giữa tháng 6 để ngăn chặn việc Trung Quốc xây đường đi ở đây. New Delhi lo ngại Bắc Kinh sẽ giành quyền kiểm soát cao nguyên Doklam, từ đó củng cố các căn cứ quân sự ở vùng đất mới chiếm đóng và đặt hành lang liên kết với vùng đông bắc Ấn Độ trong tầm đạn pháo Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng biên giới đã làm bùng nổ cuộc chiến ngoại giao gay gắt giữa hai gã khổng lồ Châu Á, mặc dù thương mại song phương vẫn tăng trưởng nhanh chóng. Ấn Độ quan tâm đến mối quan hệ của Trung Quốc với đối thủ của họ -  Pakistan -  xem hành lang thương mại của Bắc Kinh trên Kashmir là hành vi vi phạm chủ quyền của họ đối với toàn bộ khu vực.

Trên thực tế, mối quan hệ hai nước trở nên lạnh nhạt hơn hẳn kể từ sau khi Thủ tướng Ấn Độ Modi từ chối tham gia hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình  - vốn được cho là nhằm kết nối các nước Châu Á và xa hơn nữa. Ấn Độ trở thành nước Châu Á duy nhất tẩy chay hội nghị này. Bắc Kinh cảnh báo New Delhi không nên để bị lôi kéo vào một liên minh quân sự phương Tây của Mỹ và Nhật. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Modi tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với cả hai nước này.

Tất cả những điều này khiến nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới lần này càng thêm khó khăn.

THANH VĂN