Lối thoát nào cho hàng trăm hộ dân gần 30 năm sống khổ với dự án "treo"

Thứ tư, 29/11/2023 09:10
Hơn 160 hộ dân, với hơn 600 nhân khẩu khu II đê bao (Tổ dân phố 6, phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi) đã gần 3 thập niên "sống khổ" trong dự án treo vẫn mỏi mòn chờ ngày được tái định cư ở nơi ở mới, ổn định cuộc sống.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh tiếp công dân trong vùng dự án Khu II đê bao thuộc tổ dân phố 6, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi và cam kết chính trị với người dân rằng, dự án Khu công viên cây xanh Thạch Bích sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh tiếp công dân trong vùng dự án Khu II đê bao thuộc tổ dân phố 6, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi và cam kết chính trị với người dân rằng, dự án Khu công viên cây xanh Thạch Bích sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027.

Nhiều lần đổi quy hoạch

Năm 1997, từ đề xuất của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch dự án khu II đê bao thị xã Quảng Ngãi (cũ). Đến năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ký phê duyệt điều chỉnh khu II đê bao quy hoạch trở thành Trung tâm hành chính tỉnh.

Để tái định cư cho người dân sống trong vùng dự án, năm 2015 Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt đầu tư khu đô thị mới phục vụ tái định cư khu II đê bao, đầu tư công trình đường giao thông dọc tuyến đê bao. Dự án được chia làm hai giai đoạn với mức đầu tư 273 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi đất 15 ha. Tuy nhiên, dự án tái định cư cho người dân chỉ thực hiện được một phần do vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng. Dự án được nhiều lần khảo sát, điều chỉnh quy hoạch rồi "để đó".

Đầu năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi đã xây dựng phương án điều chỉnh Quy hoạch diện tích còn lại của khu II đê bao, đồng thời có Quyết định 918 /QĐ-UBND phê duyệt chi tiết 1/500 khu dân cư đê bao trở thành Khu công viên cây xanh Thạch Bích, thành phố Quảng Ngãi.

Nhiều lần quy hoạch rồi thay đổi quy hoạch, đã ngót gần 3 thập niên trôi qua, người dân vùng dự án khu II đê bao phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, đất ở không được tách thửa, nhà hư hỏng, xập xệ không được xây mới. Các tuyến đường giao thông trong khu phố vẫn là đường đất, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi. Vệ sinh môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm.

Ông Mai Quốc Việt, Tổ trưởng Tổ dân phố 6 cho biết, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của bà con trong khu dân cư đã bị thu hồi để thực hiện dự án, tuy nhiên, việc tái định cư cho người dân bị bỏ dở khiến hàng trăm hộ dân trong Tổ dân phố đi không được, ở không xong, lầm lũi sống tạm bợ, hoặc phải đóng cửa nhà đi nơi khác kiếm sống.

Ông Trà Thanh Danh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi cho biết, do nằm trong vùng quy hoạch, các phương án không được thực hiện kịp thời nên từ năm 1997 đến nay quyền lợi của bà con trong vùng dự án không được đảm bảo. Đất không được cấp sổ đỏ, nhà hư hỏng không được xây mới, khu dân cư không được đầu tư hạ tầng nên đời sống, sinh hoạt của bà con cực kỳ khó khăn. Đồng thời, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến Tổ dân phố 6, khiến nơi này đã trở thành vùng "lõm" giữa lòng thành phố. "Nguyên nhân chính khiến Tổ dân phố 6 trở thành vùng quy hoạch treo dai dẳng là do tỉnh thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện quy hoạch và đầu tư dự án", Chủ tịch thành phố Quảng Ngãi nói.

"Sống mòn" trong dự án treo

Giữa những khu đô thị mới, nhà cao tầng đang mọc lên san sát, khu II đê bao Tổ dân phố 6, phường Lê Hồng Phong nằm lọt thỏm, sâu hoắm, thấp hơn mặt đường Tôn Đức Thắng từ 4 đến 5m. Bao phủ hàng trăm ngôi nhà cũ kĩ, dột nát là những lùm cây um tùm, âm u. Là khu dân cư thuộc "tốp" phường trung tâm nhất của thành phố Quảng Ngãi nhưng điều kiện sống của người dân nơi đây còn thua xa vùng nông thôn. Đó là nhận định của nhiều người dân thành phố Quảng Ngãi khi nói về khu II đê bao Tổ dân phố 6, phường Lê Hồng Phong.

Năm nay đã 71 tuổi, ông Trần Quảng đã không còn nhớ đã bao nhiêu lần họp dân, nghe chính quyền địa phương nói về kế hoạch, dự định bố trí tái định cư cho người dân trong vùng dự án. Ông Quảng cho biết, vợ chồng ông có 4 người con, người lớn nhất năm nay đã 47 tuổi, nhỏ nhất 36 tuổi, các thành viên đều phải ở chung trong một gian nhà tạm bợ, dột nát. Gia đình ông muốn tách thửa làm nhà riêng cho mỗi đứa con nhưng vướng quy hoạch không thể thực hiện được. Ngôi nhà cũ kỹ phải ngăn làm nhiều ngách để có nơi cho các con sinh hoạt. Suốt 27 năm qua, ông luôn mong ngóng, hy vọng chính quyền sẽ thực hiện dự án theo quy hoạch, để gia đình được chuyển đến tái định cư ở nơi mới bớt khó khăn, vất vả.

Cơn mưa nặng hạt những ngày cuối tháng 11 khiến gia đình bà Trần Vương Quỳnh Chi lại phập phồng lo sợ trong gian nhà cấp 4 cũ kĩ. Những mảng tường gian chính nhà ở, khu vực bếp bị xé toác, chắp vá vẫn chực chờ đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Chỉ tay về những vết nứt dài bà Chi thở dài "Tôi sinh sống ở khu II đê bao đã 44 năm. Nhà ở của gia đình đã quá cũ, ẩm mốc, tường nhà bị nứt nhiều chỗ không còn chỗ để chắp vá. Lúc nào gia đình cũng nơm nớp lo sợ, nhất là mỗi khi mưa bão, đêm đến chỉ biết ngồi trông trời sáng. Tôi mong chính quyền có hướng giải quyết dứt điểm quy hoạch treo để bà con yên tâm sinh sống".

Còn theo ông Huỳnh Minh Khiết, toàn bộ đất sản xuất của bà con khu II đê bao giao cho Nhà nước làm khu tái định cư năm 2016, nhưng đến nay khu tái định cư vẫn chưa thực hiện được, bà con không có đất sản xuất phải chuyển đổi nghề bán bắp, chạy xe ba gác; nhiều hộ dân đang phải đóng cửa nhà để tha phương, cầu thực.

Cần rốt ráo vì người dân

Theo Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi Trà Thanh Danh, từ năm 2021 sau khi trực tiếp đi kiểm tra hiện trường khu dân cư Tổ dân phố 6, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố rà soát lại các quy hoạch tại khu II đê bao. Tháng 5-2023, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã phê duyệt toàn bộ đồ án quy hoạch Khu công viên cây xanh Thạch Bích tại khu II đê bao với diện tích quy hoạch gồm 8,08ha, thời gian thực hiện từ năm 2024-2027 với nguồn vốn 893 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Khu công viên cây xanh Thạch Bích là một dự án rất lớn, thuộc nhóm B. Do vậy, khi Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua chủ trương đầu tư, thành phố mới có cơ sở hoàn thiện các thủ tục liên quan để phê duyệt dự án trong năm 2024, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo. Địa phương sẽ tập trung giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với 160 hộ sống ở vùng dự án. Sử dụng các lô đất thuộc giai đoạn 2, của khu II đê bao và một số vị trí tái định cư do thành phố quản lý để thực hiện công tác tái định cư.

Trong buổi tiếp công dân ngày 27-11-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chia sẻ những khó khăn, bức xúc mà người dân vùng dự án khu II đê bao phải trải qua trong suốt 27 năm dự án treo. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thành phố Quảng Ngãi khẩn trương phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư trình dự án Khu công viên cây xanh Thạch Bích tại kỳ họp chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh vào tháng 3-2024, để đưa vào danh mục đầu tư công và phê duyệt chủ trương đầu tư, hoàn thành bố trí tái định cư cho người dân trước năm 2025. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, cam kết với người dân trong vùng dự án khu II đê bao thuộc tổ dân phố 6, Phường Lê Hồng Phong là cam kết chính trị, uy tín của tỉnh. Do vậy, Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi và các sở, ngành phải thực hiện nghiêm túc. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý UBND thành phố Quảng Ngãi, đối với thực hiện dự án khu đê bao giai đoạn 1, trong quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng có nhiều sai sót. Thành phố rà soát toàn bộ các hồ sơ đã phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư dự án để xử lý đúng quy định của pháp luật. Nếu bố trí tái định cư không đúng thì phải thu hồi.

Người dân khu II đê bao, Tổ dân phố 6, phường Lê Hồng Phong mong rằng cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ sớm được thực hiện để chấm dứt gần 30 năm đằng đẵng sống khổ vì dự án treo.

Phạm Cường