Lối về yêu thương
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 (BTXHTH 1) tỉnh Quảng Trị (trước đây là Trung tâm Chữa bệnh–Giáo dục–Lao động xã hội) được xây dựng tại xã Cam Hiếu (H.Cam Lộ) trên diện tích 13,6 ha, vốn đầu tư hơn 96 tỷ đồng. Ngày 31–5–2016, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định thành lập Trung tâm với chức năng chính gồm: nuôi dưỡng, chăm sóc người tâm thần kinh và cắt cơn, giải độc, đào tạo nghề cho người nghiện. Đến tháng 4–2017, bộ khung cán bộ của trung tâm mới cơ bản hình thành. Đợt 1, tuyển 5 cán bộ viên chức, đợt 2 vào tháng 6–2017 tuyển thêm 8 cán bộ viên chức và 2 hợp đồng 68. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm cho hay toàn bộ trung tâm hiện có 16 cán bộ, viên chức, nhân viên, vẫn còn khuyết vị trí Phó Giám đốc. So với quy mô của trung tâm, bộ máy còn thiếu hàng chục nhân lực. Tháng 8–2017, trung tâm chính thức hoạt động. Tuy nhiên, để có thể đón người bệnh vào điều trị, chăm sóc, đáp ứng mong mỏi của người dân cần thêm một lộ trình chuẩn bị. Chính vì thế, nhiều người thắc mắc, băn khoăn vì sao dự án xây dựng đã lâu và “không nhúc nhích” từ sau khi thành lập, tưởng bỏ hoang, lãng phí cũng có thể dễ hiểu.
Giám đốc Trần Văn Thành cho biết tháng 4 – 2018 bắt đầu tiếp nhận đợt đầu tiên với 55 đối tượng vào trung tâm chăm sóc và chữa trị. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Thành cho biết sau khi thành lập, dù còn thiếu nhân lực trầm trọng nhưng tập thể đã dốc lực triển khai các hoạt động quan trọng. Từ xây dựng Dự thảo Kế hoạch tổ chức đưa người nghiện ma túy trên địa bàn vào trung tâm giai đoạn 2017–2020 đến việc thực hiện khảo sát, thống kê đưa đối tượng nghiện ma túy và người tâm thần kinh; tổ chức đưa cán bộ đi học tập và trao đổi học tập kinh nghiệm tại một số cơ sở trong nước để đảm bảo chăm sóc tốt nhất, điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh. “Không chỉ học tập tại các đơn vị hoạt động hiệu quả như Cơ sở Bầu Bàng (Đà Nẵng) và Hà Nội, chúng tôi còn tìm hiểu tại cơ sở gặp phải khó khăn để từ đó rút kinh nghiệm cho đơn vị mình”, ông Thành chia sẻ.
Chúng tôi cầm trên tay lá đơn của ông Hồ Văn L. (58 tuổi, xã Hướng Lộc, H. Hướng Hóa) xin Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp 1 (BTXHTH 1) tỉnh Quảng Trị tiếp nhận đứa con trai 31 tuổi bị bệnh tâm thần. Bao năm qua, gia đình đã luôn cố gắng nhưng hiện quá khó khăn, không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con. Căn cứ quy chế phối hợp lập hồ sơ do UBND tỉnh ban hành, UBND xã Hướng Lộc cũng như UBND H. Hướng Hóa đã nhanh chóng thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình trung tâm tiếp nhận. Hay như trường hợp của N.G.C (25 tuổi, trú Tân Thành, H. Hướng Hóa). Qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ, C. đã viết đơn xin cai nghiện ma túy tự nguyện. C. cũng như con trai ông L. sẽ là những học viên đầu tiên vào trung tâm sắp tới. Hiện trên địa bàn Quảng Trị có 1.281 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó độ tuổi từ 16 đến 30 chiếm 75%. Số người bị bệnh tâm thần và bị rối nhiễu tâm trí là hơn 5.500 người. Con số này so với năm 2010 tăng gấp nhiều lần do các nguyên nhân di truyền, bệnh tật, hậu quả chiến tranh, môi trường, tai nạn lao động, TNGT ngày càng tăng nhanh. Hàng trăm gia đình, trường hợp đang có nhu cầu đăng ký cho người bệnh vào trung tâm nhằm được chăm sóc, điều trị để lại thấy ý nghĩa cuộc đời. Chính vì thế, thông tin trung tâm BTXHTH 1 đi vào hoạt động thực sự mở ra cơ hội, là bước ngoặt quan trọng cho nhiều gia đình.
Ngày 17–3–2018 vừa qua, đoàn cán bộ trung tâm cũng vừa trở về từ Quảng Bình, kết thúc đợt học tập, tìm hiểu cuối cùng trước khi đón học viên. Chính từ công tác trao đổi này, một số đơn vị đánh giá cao cũng như học tập trở lại đơn vị Quảng Trị khi đã sớm hoàn thiện hành lang pháp lý vào đầu năm 2018, từ đó góp phần đưa Nghị định 221 của Chính phủ đi vào cuộc sống một cách sâu rộng, chất lượng. Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định số 36 ngày 5–12–2017 về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn, Trung tâm cũng đã phối hợp với Phòng Phòng chống TNXH tham mưu Sở LĐ–TB–XH xây dựng quy chế liên ngành với Sở Y tế và CA tỉnh trong lĩnh vực phòng, chống TNXH; xây dựng quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; quy chế đưa người có dấu hiệu loạn thần đang có hành vi nguy hiểm cho bản thân và gia đình và xã hội vào cơ sở y tế để chữa bệnh; quy chế phối hợp tăng cường công tác, huấn luyện nghiệp vụ, hỗ trợ lực lượng bảo vệ trung tâm, điều tra xử lý người nghiện tại trung tâm có hành vi vi phạm pháp luật. Kết quả trên cho thấy tập thể đơn vị đã phải “lăn xả” về tận cơ sở, thực hiện trong điều kiện thiếu người, khó khăn chồng chất. Khi chúng tôi đến trung tâm càng hiểu được nỗ lực của họ. Khí thế làm việc tại đây không có dấu hiệu là ngày nghỉ cuối tuần, ngược lại rất khẩn trương. Hình ảnh dễ nhận thấy nhất chính là khuôn viên của trung tâm đã được “xanh hóa”, thay đổi hoàn toàn so với ngày mới được bàn giao. “Với mong muốn tạo không gian tươi đẹp, bóng mát, thoải mái cho học viên điều trị nhưng do không có kinh phí bố trí nên anh chị em trung tâm phải bỏ công đi xin cây xanh về, chủ yếu là cây Lộc vừng, rồi trồng thảm hoa, trồng cây tràm, chăm sóc mới có diện mạo như hôm nay”, một cán bộ tâm sự. Hơn 200 cây Lộc vừng sinh trưởng tốt, bắt đầu điểm màu xanh trong khuôn viên cai nghiện lẫn khu vực chăm sóc người tâm thần thực sự ấn tượng.
Trao đổi thêm về đợt học viên đầu tiên sắp vào trung tâm, Giám đốc Trần Văn Thành cho biết có 20/55 người đăng ký cai nghiện tự nguyện. Lầm lỡ dính đến ma túy, họ khánh kiệt cả kinh tế, sức khỏe lẫn tinh thần, dễ dàng trở thành người nghèo nhất. Chính vì thế, trung tâm đã chủ động tìm nguồn hỗ trợ, ưu tiên để có thể giúp đỡ họ phần nào chi phí khi vào chữa trị, xóa dần khoảng cách với người cai nghiện bắt buộc được miễn phí hoàn toàn. Từ những bước chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng, chúng tôi tin tưởng trung tâm BTXHTH 1 Quảng Trị sẽ trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình vốn đang loay hoay đi tìm bình yên cho người thân ốm đau sau chuỗi dài thăng trầm, sóng gió.
Bảo Hà