Lòng dân góp sức làm nên chiến thắng

Thứ bảy, 12/03/2016 10:10

(Cadn.com.vn) - Đêm 9-3, tại đồi Dương Lâm (Hòa Phong, Hòa Vang, TP Đà Nẵng), Ban liên lạc Đoàn Pháo binh 575 Mặt trận 44 Quảng Đà phối hợp với Chùa Hưng Quang tổ chức Lễ Cầu siêu và dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nhà bia ghi danh liệt sĩ của Đoàn Pháo binh. Hơn 100 Cựu chiến binh là cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Pháo binh trước đây đã vượt gần 1.000km từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung về dự, cùng với các cựu du kích, thanh niên xung phong và cán bộ, nhân dân địa phương thắp  nén hương trầm tưởng niệm gần 1.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Đoàn Pháo binh 575 Mặt trận 44 Quảng Đà (Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad-P (ĐKB); pháo phản lực tự hành BM-14 (A12) thành lập ngày 10-3-1966 và đóng quân, hoạt động trên địa bàn thuộc phía Tây Hòa Vang, Đà Nẵng. Nhiệm vụ tác chiến của Đoàn Pháo binh (ĐPB) là bắn phá và tiêu diệt các trận địa pháo, kho, trạm, nơi quân địch đồn trú, đặc biệt là các mục tiêu quan trọng sở chỉ huy địch, sân bay, cảng biển trong thành phố Đà Nẵng. Đóng quân trên địa bàn núi, rừng hiểm trở, công tác vận chuyển các dàn pháo, đạn pháo, khí tài bằng sức người là chính. Sau 8 năm thành lập, ĐPB 575 đã tập kích hàng trăm trận với tinh thần “Đã nổ súng là tiêu diệt mục tiêu địch” góp phần tạo thời cơ cho quân chủ lực, bộ đội địa phương, du kích và nhân dân ta tổ chức các chiến dịch, trận đánh mang tính quyết định thắng lợi từ 1968 đến 1973 trên chiến trường Quảng Đà... Ngày 30-3-1973, ĐPB 575 Mặt trận 44 Quảng Đà được phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Các đồng đội tại buổi gặp mặt truyền thống (10 tháng 3) trước Đài tưởng niệm
của Đoàn Pháo binh 575 Mặt trận 44 Quảng Đà tại đồi Dương Lâm, Hòa Phong.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, nguyên cán bộ đại đội của ĐPB trao đổi với chúng tôi, yếu tố mang tính quyết định thắng lợi trong mỗi trận đánh trong 9 năm (1966 – 1975) của ĐPB là, phát huy hiệu lực vai trò “Đảng lãnh đạo; Chỉ huy tác chiến, tinh thần chiến đấu của bộ đội và mối quan hệ đoàn kết quân với dân trên chiến trường, địa bàn đóng quân”. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân địa phương giúp bộ đội, giúp đơn vị, góp phần tích cực vào thắng lợi chung của ĐPB. Lúc bấy giờ, ban ngày, người dân tăng gia sản xuất, đêm về giúp bộ đội gùi đạn, khênh chuyển các nòng, khí tài; hỗ trợ lương thực, trái ngọt từng mùa cho bộ đội. Nếu nói yếu tố bí mật trong trinh sát địa hình xác định bố trí trận địa, kỹ thuật “chuẩn” tọa độ bắn của người chỉ huy là điều quyết định, thì công tác vận chuyển bảo đảm cơ số đạn cho mỗi trận tập kích của du kích và nhân dân địa phương cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng. Cụ thể, trận tập kích vào ngày 27-2-1967 ta đã bất ngờ bắn 15 loạt với trên 140 quả đạn ĐKB vào mục tiêu là sân bay Đà Nẵng phá hủy 94 máy bay, hơn 150 xe quân sự và tiêu diệt làm bị thương nhiều tên địch. Đây là trận đánh đầu tiên giành thắng lợi của đơn vị, trong đó có công góp sức không nhỏ của cán bộ, nhân dân, du kích địa phương.

Ông Phạm Văn Dưỡng, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 5 - ĐPB, minh chứng về lòng dân trên chiến trường như, có lần đơn vị bố trí trận địa trên triền đồi (tại Điện Sơn) thuận lợi cho hướng tác chiến về Đà Nẵng, nhưng trận địa lại nằm dưới tầm quan sát của quân địch từ núi Bồ Bồ. Khi đơn vị đang tìm cách, tính kế giữ bí mật không để địch phát hiện thì được cán bộ, nhân dân địa phương sáng kiến giúp sức, “chất rơm rạ thành nhiều đống nhỏ và đốt tỏa khói khắp cánh đồng để che mắt địch” từ hướng Bồ Bồ. Vì thế, trận đánh diễn ra ngày 3-9-1968, quân ta đã bất ngờ nổ súng cấp tập xuống sân sân bay Đà Nẵng, sân vận động Chi Lăng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm nên chiến thắng vang dội lần thứ 2 của Đoàn Pháo binh 575...

Chiến tranh đã kết thúc 41 năm nhưng cán bộ, nhân dân Đà Nẵng luôn quan tâm sâu sắc với ĐPB 575 Quảng Đà. Cụ thể, năm từ 1998 đến 2006 đã quan tâm cấp đất trên đồi Dương Lâm, Hòa Phong để xây dựng cụm Tượng đài và nhà Bia ghi danh liệt sĩ (Khu di tích của ĐPB) với kinh phí 2 tỷ đồng của UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ, Tổng công ty Giao thông 5, cán bộ, nhân dân địa phương và các hội viên CCB của Ban liên lạc truyền thống ĐPB đóng góp và xây dựng. Hằng năm cứ đến 10-3 ngày Truyền thống của đơn vị, không chỉ các hội viên trong Ban Liên lạc có nơi đến viếng, thắp hương tưởng niệm liệt sĩ, mà mồng 1 ngày rằm hàng tháng, hội viên CCB, học sinh, nhân dân địa phương đều đến thắp hương, quét dọn làm sạch đẹp khu di tích của ĐPB. Đây là thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương và việc làm ý nghĩa đáng được trân trọng của hội viên CCB, học sinh, nhân dân địa phương với các hương hồn liệt sĩ của ĐPB Mặt trận 44 Quảng Đà trước đây.

Nhân Mùi