Lòng dân Hòa Xuân với Trung đoàn Ba Gia

Thứ năm, 01/03/2018 14:00

Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn Ba Gia với cán bộ và CCB phường Hòa Xuân.

Kỷ niệm 50 năm tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968, Hội CCB P. Hòa Xuân (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã phối hợp với ban liên lạc Trung đoàn 1- Ba Gia (Sư đoàn 2) tổ chức buổi tuyên truyền những trận đánh ở Hòa Xuân đặc biệt là chiến công của Trung đoàn Ba Gia trên mảnh đất này. Theo ông Phạm Thế Phương, Chủ tịch Hội CCB phường thì có một điều trùng hợp thú vị đó là khi các anh đang làm kế hoạch giáo dục truyền thống thì Ban liên lạc CCB Trung đoàn Ba Gia đã về thăm chiến trường xưa. Hai ý tưởng gặp nhau, vậy là ngày 27-2-2018, buổi gặp mặt nói chuyện của các nhân chứng lịch sử đã được diễn ra tại hội trường UBND phường. Trước đó, đoàn CCB Trung đoàn 1 với 10 CCB cùng các ban ngành đã dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Hòa Xuân, nơi đây có hàng trăm liệt sĩ ngã xuống trong Tết Mậu Thân. 316 CCB và học sinh trường THCS của phường đã được tự hào về quê hương rất đỗi hào hùng của mình từ người thật, việc thật. Nhiều sự kiện mới mẻ mà trong sách sử của địa phương chưa lột tả hết nay được kể lại sống động, chi tiết. CCB Trần Văn Tần, nguyên trung đội phó đại đội phòng không trực thuộc Trung đoàn và CCB Trần Như Tiếp đã đưa mọi người về những ngày lịch sử không thể nào quên...

Để hỗ trợ cho Đà Nẵng trong Tổng tấn công Mậu Thân, từ Duy Xuyên, Trung đoàn 1 đã hành quân ra Điện Nam (Điện Bàn) làm heo lấy ruốc thịt cùng cơm nắm rùng rùng vào trận. Đêm 7-2-1968 (mồng 7 tết), các tiểu đoàn đã có mặt ở Hòa Quý, chuẩn bị vượt sông tiến công Hòa Xuân (tức Hòa Đa). Suốt cả ngày mồng 8, bộ đội Trung đoàn đã  truy kích địch từ Quá Giáng xuống Liêm Lạc, Cổ Mân, Lỗ Giáng, Tùng Lâm khiến các đồn bót địch, nơi đóng quân của Trung đoàn 51 và Trung đoàn 7 lính thủy đánh bộ Mỹ lần lượt tan rã. Đặc biệt trưa  mồng 8, hai đại đội Mỹ từ quốc lộ 1 chia làm 3 mũi đánh vào chính diện tiểu đoàn 90. Lợi dụng lũy tre xanh và những ruộng lúa, đơn vị bình tĩnh đón đợi. Khi vào đến xóm giữa của thôn Lỗ Giáng, tiểu đoàn chia làm 2 mũi đánh vào hai bên sườn địch. Bị bất ngờ, chúng quay đầu tháo chạy. Tiểu đoàn đã hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt  1 đại đội, 1 trung đội Mỹ, tiêu hao một đại đội khác và bắt sống 2 tù binh Mỹ (sau này đã bàn giao cho binh vận Quảng Đà). Cũng chiều ngày 8-2, một cánh quân Mỹ tiến vào hướng đại đội vận tải. Trung đoàn đã bắn mạnh vào đội hình của chúng. Thừa thắng, đại đội 2, Tiểu đoàn 40 tấn công san phẳng 2 lô cốt còn lại trên cứ điểm Lỗ Gáng. Ngày hôm sau, Trung đoàn tiếp tục chặn đánh cánh quân Mỹ tiến vào Mân Quang, Thị An và sau đó cơ động về phía sau để sẵn sàng cho nhiệm vụ mới. Đây là chiến công lớn của Trung đoàn 1 cũng là của Sư đoàn 2 khi thời cơ phối hợp giữa các chiến trường không diễn ra như kế hoạch do chênh lệch giờ toàn miền.

Bồi hồi kể lại trận đánh oai hùng năm nào, các CCB Trung đoàn 1 nhiều lần nhắc lại lòng biết ơn đối với lòng dân Hòa Xuân đã che giấu đơn vị, chặt chuối cho bộ đội làm công sự; mang cơm, bánh tét tiếp tế, băng bó thương binh, cáng thương liệt sĩ, đặc biệt là chịu nhiều hy sinh khi Mỹ- ngụy đàn áp. Trong câu chuyện của mình, CCB Trần Văn Tần nhớ đến ấp trưởng Hồ Điệu, người đã tận tình giúp đỡ bộ đội khi đặt chân lên đất Hòa Xuân. Có một điều thú vị là người CCB mong muốn gặp lại anh nông dân đã huy động hơn 45 chiếc ghe chở bộ đội sang sông hôm nào thì ngay sau đó ông đã "cầu được ước thấy". Đó là thương binh Đặng Văn Minh, người đang có mặt trong hội trường. Ngày đó, nhà ông Minh có chiếc ghe sắm từ trận lụt năm Thìn giấu dưới bùn để phòng cơ sự. Khi được vận động chở bộ đội sang sông, ông đi kêu gọi các hộ khác dùng ghe thuyền của mình liên tục qua lại từ Hòa Quý sang Hòa Xuân để đưa tất cả lực lượng Trung đoàn Ba Gia về tập kết ở Liêm Lạc. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ sang sông ngay sát mũi địch vậy mà tuyệt đối bí mật, khiến chúng hoàn toàn bất ngờ.

Cô cán bộ xã dũng cảm dẫn đường cho Trung đoàn mà người CCB nhắc đến đầy xúc động đó chính là bà Lê Thị Toan, nguyên Chủ tịch hội phụ nữ Hòa Xuân năm 1968. Bây giờ ở tuổi 75, bà vẫn nhớ như in những ngày sôi động ấy. Gửi con nhỏ hơn 1 tuổi cho mẹ già, bà như con thoi đi về giữa các thôn vận động nhân dân đón bộ đội về làng. Có gì ngon ngày tết, bà con cũng dành hết cho anh em. Khi Trung đoàn tiến công các đồn bốt, người dân đi sơ tán lánh đạn. Bộ đội tận dụng nhà dân bắn ra các đợt phản công của địch. Vì thế không có gì lạ, nhiều nhà đã bị chúng pháo kích bắn cháy hoặc đốt trụi. Sau trận đánh, bà con tay trắng trở về tạo dựng lại cơ nghiệp trên nền đất cũ. Nhiều cán bộ, đảng viên được phân công ở lại, không quản hy sinh, theo bước chân bộ đội tiếp tế cơm nước, tải thương. Thuốc men bông băng không đủ, chị em hái lá cây cầm máu, lấy quần áo băng bó thương binh rồi chuyển đến bãi cát bên bờ sông, giao cho đội phẫu Trung đoàn. Hai ngày sau, giữa đạn bom ác liệt, bất chấp nguy hiểm, nhân dân lại tiếp tục chèo ghe đưa bộ đội sang sông và rút về phía sau an toàn.

Xúc động với tình cảm của Ban liên lạc Trung đoàn 1, đồng chí Nguyễn Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy phường đã cảm ơn các CCB đã về góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân dân và đặc biệt là học sinh của phường. Hòa Xuân hôm nay đã phát triển vượt bậc về kinh tế, nhưng người dân địa phương vẫn luôn ghi nhớ những tháng năm oai hùng của quê hương, nguyện xứng đáng với máu xương của thế hệ đi trước, xây dựng Hòa Xuân ngày càng giàu đẹp.

                                 HỒNG VÂN