Long đong làng mộc Văn Hà
(Cadn.com.vn) - Làng mộc Văn Hà thuộc thôn Văn Hà (xã Tam Thành, H. Phú Ninh) là làng mộc nổi tiếng lâu đời ở Quảng
Ký ức vàng son
Tôi về thăm làng mộc Văn Hà, ở đây không ai không biết nghệ nhân mộc nổi tiếng, đó là cụ Thẩm, năm nay 86 tuổi. Khi được hỏi về gốc gác làng nghề, cụ kể: “Người thợ Văn Hà ngày xưa dựng làng trên một gò đồi, xen kẽ bàu nước, đất ruộng nhỏ hẹp lại xa xôi, hẻo lánh. Hơn nữa, hồi đó ở miền quê dân dã, nghề làm nhà rường rất “kén” bởi ít gia đình đủ giàu có để cất dựng. Hằng năm, khoảng rằm tháng Giêng, trai tráng lại rời làng đi khắp nơi trong tỉnh để làm ăn: từ phía bắc Thăng Bình đến phía nam Tam Kỳ (H. Núi Thành ngày nay), ngược lên các vùng miền núi như Tiên Phước, Quế Sơn và các vùng cận tỉnh Quảng Ngãi. Công cụ lao động của họ là những chiếc cưa, rìu, đục, chàng, khoan... các loại, khoảng độ từ 20 - 30 chiếc, tất cả được xếp gọn gàng vào chiếc thùng gỗ nhỏ (gọi là thùng đục) xách đi, có khi vài người góp lại để gánh. Cứ thế, họ len lỏi vào tận hang cùng ngõ nhỏ theo yêu cầu của gia chủ hoặc những tộc họ, làng bản để dựng những ngôi nhà gỗ, hoặc đóng giường, tủ, bàn, ghế... Đây là dịp để những người thợ phô diễn tài nghệ khắc chạm trên những chiếc tránh (trính), xà gỗ trên những ngôi đình, nhà thờ, hay những hoa văn trang trí, kiểu dáng cầu kỳ nhưng vẫn mang vẻ dân dã, đồng quê. Đôi khi kiểu dáng do chính người thợ nghĩ ra. Đến cuối tháng Chạp, những người thợ lại lục tục trở về quê, sắm sửa, giỗ chạp tiền nhân... Công việc cứ thế, năm này qua năm khác, nhiều thế hệ nối tiếp nhau, người lớn tuổi truyền thụ cho lớp hậu sinh trong một gia đình, dòng họ...”.
Ở làng Văn Hà ai cũng biết giai thoại về một cuộc đấu xảo làm trụ đèn tại kinh đô Huế thời vua Thành Thái giữa hai phường thợ Văn Hà và Kim Bồng vẫn còn lưu truyền. Thợ Văn Hà đã thắng với biển vàng vì không những chạm được hình rồng chung quanh thân đèn mà còn có công chạm lộng phần bên trong. Trong từ đường họ Đinh còn giấy sắc phong 27 nghệ nhân của làng Văn Hà.
Nhưng trong thời kỳ hội nhập hiện nay, chỉ có làng mộc Kim Bồng (Hội An) tồn tại và ngày càng phát triển. Còn Văn Hà - làng mộc có truyền thống gần 300 năm giờ đây đang dần tàn lụi, chỉ những tác phẩm chạm khắc còn lưu lại như một minh chứng của một thời vàng son đã xa. Điều đáng buồn là làng Văn Hà hiện nay có khoảng 200 hộ dân, đều là hậu duệ của những thợ mộc danh tiếng một thuở, nhưng chẳng ai còn tha thiết với nghề.
![]() |
Gia đình anh Tuấn là một trong số ít người ở Văn Hà |
Quảng
Nét hấp dẫn của làng mộc Văn Hà còn được biết đến qua chiếc bàn xoay. Theo lời của những nghệ nhân mộc lão làng thì chỉ có người thợ Văn Hà mới làm được những chiếc bàn tự xoay bí ẩn như thế. Chúng tôi đến gia đình anh Tuấn - người được dân làng Văn Hà yêu mến và gọi là “truyền nhân” của các bậc tiền bối. Anh rất giỏi điêu khắc, chạm trổ. Ai được anh làm cho bộ bàn là nhớ mãi không bao giờ quên đôi bàn tay khéo léo đến kỳ lạ này. Khách hàng đến đặt anh làm bàn ghế Tứ Linh, 12 con giáp, lịch treo tường bằng gỗ, điêu khắc tượng Phật, thần tài... Tất cả những sản phẩm anh làm đều rất tinh xảo, tinh tế và rất “có hồn”. Anh nói: “Ông cha để lại cho cái nghề này hái ra tiền, nhưng chỉ vì ở quê nghèo không có vốn mở xưởng làm nghề, không biết hướng làm ăn nên ai thuê làm gì thì làm nấy thôi. Tôi luôn ước ao mở được xưởng mộc trên quê hương để lưu giữ nghề của cha ông”. Không chỉ anh Tuấn mong muốn làng nghề mộc Văn Hà được khôi phục mà nhiều nghệ nhân làng Văn Hà có cùng mơ ước khôi phục nghề mộc như xưa. Ví như cụ Thẩm vẫn luôn băn khoăn, trăn trở về nguy cơ lụi tàn của làng nghề cũ, bởi lớp hậu sinh không mấy người có tâm nguyện kế thừa.
Trăn trở giải pháp khôi phục làng nghề
Vừa qua, UBND H. Phú Ninh đã có quyết định khôi phục nghề mộc Văn Hà, UBND xã đã giao cho hợp tác xã Tam Thành 2 đứng ra lập đề án để tìm ra hướng đi cho làng nghề. HTX Tam Thành 2 đã mở lớp tập huấn do Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ kinh phí, đào tạo 30 học viên tham gia học làm mộc. Bước đầu mở lớp học nhưng thiếu kinh phí và sự hỗ trợ của các cấp, vì thế nghề mộc cũng không thay đổi vị trí mấy so với trước. Hiện nay, trong thôn Văn Hà chỉ còn chưa tới 10 hộ làm mộc. Như gia đình anh Trần Văn Công mở xưởng mộc nhưng chủ yếu là đóng quạt lúa cho nông dân, mỗi cái tiền công 300 ngàn đồng. Anh tâm sự: “Tui đầu tư ban đầu vào xưởng mộc hết gần 30 triệu đồng, cứ nghĩ làm rồi sẽ có hàng nhưng ở nông thôn để có người dân đến đóng cái bàn, cái ghế thì khó lắm, lâu lâu mới có người đến đặt hàng, chủ yếu đóng quạt lúa cho bà con. Không có đầu ra nên tui làm cầm chừng, ai đặt gì đóng nấy! Tôi tha thiết mong lãnh đạo các cấp có biện pháp thiết thực khôi phục lại nghề mộc để mọi người biết đến thương hiệu mộc Văn Hà nổi tiếng, khi đó những người làm nghề như chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn”.
Ông Võ Ngọc Đức, Chủ tịch UBND xã Tam Thành cho biết: “Xã rất muốn khôi phục lại làng nghề nhưng không có kinh phí, nên đành phải chấp nhận để làng mộc Văn Hà ngày càng mai một dần. Chúng tôi rất cần có sự góp sức của các ban, ngành các cấp mới hy vọng khôi phục được làng nghề”.
Bài, ảnh: Hải Yến