Long đong "vàng trắng" Tây Nguyên
(Cadn.com.vn) - Do giá mủ cao su xuống thấp chưa từng có, nhiều hộ nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên chấp nhận chặt bỏ cao su đang cho thu hoạch để trồng hồ tiêu, chanh leo, cà phê.., Thực trạng này dự báo kéo theo nhiều hệ lụy khó lường.
Chưa kịp thu hoạch đã chặt bỏ
"Lúc trước, nếu biết cao su mất giá thê thảm thế này, chắc chắn tôi không dại đổ xô trồng cao su để giờ phải chặt bỏ, rồi mang nợ ngân hàng thế này đâu", ông Vũ Đức Thuấn (xã Ea Tam, H. Krông Năng, Đắc Lắc) chua xót nói. Năm 2005, thấy cao su có giá, bạn bè bỗng chốc giàu có nhờ trồng "vàng trắng", ông Thuấn vay mượn tiền bạc để đầu tư trồng 1 ha cao su. Đến đầu năm 2014, khi cao su bắt đầu cho thu hoạch, ông Thuấn chặt bỏ 7 sào đầu tiên, qua tháng 7-2014 thì đốn hạ thêm 3 sào cao su nằm liền kề. Số diện tích cao su chặt bỏ, ông Thuấn chuyển sang trồng cà-phê.
Nói về lý do, ông Thuấn cho biết:"Bây giờ tiểu thương thu mua 1 kg mủ tươi giá 7.000 đồng đến 9.000 đồng/kg. Mỗi ngày, nếu tôi cạo mủ ở phần diện tích đó bán cũng lỗ bởi nếu có bán cũng chỉ được hơn 150 nghìn đồng, trong khi tiền công cạo mủ đã mất 200 nghìn đồng/ngày. Cứ đà này, nếu tôi tiếp tục "đeo" theo cây cao su thì gia đình chỉ có chết đói, nên chấp nhận mất trắng tiền đầu tư cao su để phá trồng lại cà-phê".
Vườn tiêu rộng gần 2,3 ha của ông Hà Tư Lệnh (thôn 8, xã Nhân Đạo, H. Đắc R'lấp, Đắc Nông) trồng từ cuối năm 2013 giờ mới lên hơn một gang tay, lá xanh rờn. Khoảng 10 năm trước, mảnh đất này được ông Lệnh trồng hoa màu. Thấy cao su được giá, gia đình dốc hết tiền bạc đầu tư trồng cao su. Cuối năm 2013, sau mấy mùa thu hoạch nhưng mủ ít, giá lại xuống thấp nên ông Lệnh "bấm bụng" chặt bỏ số diện tích trồng cao su trên. "Chưa thu hồi lại 1/4 vốn mà gia đình phải chặt bỏ tôi cũng tiếc lắm chứ. Thế nhưng, nếu duy trì rẫy cao su này thì gia đình tôi sớm muộn gì cũng "phá sản", ông Lệnh nói.
Thống kê của ngành chức năng, tại Đắc Nông, đã có khoảng 360 ha cao su bị người dân chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây cà- phê, hồ tiêu, chanh leo..., tập trung nhiều nhất tại H. Đắc R'lấp: 212ha, H. Đắc Song: 83ha, H. Tuy Đức: 32ha, H. Krông Nô: 23,5ha... Tại Đắc Lắc, tình trạng này cũng đã bắt đầu manh nha xuất hiện ở H. Krông Năng.
Tại đây, hiện có khoảng 7,3 ha cao su đang bắt đầu cho thu hoạch đã được người dân chặt bỏ và rong cành, chặt trụi nhánh, chỉ còn trơ phần ngọn để trồng cà-phê, hồ tiêu. Việc rong cành nhằm mục kích kìm hãm sự phát triển của cây cao su, để chờ cao su lên giá sẽ thu hoạch cùng với cà-phê. Có hộ dân do trước đó đã trồng xen canh giữa cao su và cà-phê chè nên giờ họ chấp nhận "hi sinh" cây cao su để dành không gian cho cây cà-phê phát triển. Khảo sát của chúng tôi tại các huyện ở Đắc Lắc, hiện có rất nhiều hộ dân hiện đang "ngấp nghé" sẽ tiếp tục chặt bỏ vườn cao su để trồng cây khác có giá trị kinh tế hơn. Nhiều hộ dân khác, họ biết cao su mất giá, nhưng do hết vốn đầu tư nên không dám chặt bỏ, mà ngày đêm "cầu trời" cho mủ cao su tăng giá để họ cạo mủ bán để trả nợ.
Từ chặt bỏ, rong cành cao su đến cày xới đất để trồng các loại cây khác. |
Nông dân vẫn khổ
Chủ vườn ươm "méo mặt" Khảo sát tại điểm bán cây giống nổi tiếng ở xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), nhiều chủ vườn ươm cho biết hiện cây cao su giống đang ế hàng. 3-4 năm trước, người dân dồn dập kéo đến mua cao su giống với giá khoảng 15 nghìn đồng/bầu, hiện giá còn 1/3 so với trước nhưng số người mua rất ít. |
Ông Hồ Gấm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đắc Nông cho biết, trước thực trạng nông dân trên địa bàn chặt bỏ cao su đang cho thu hoạch, Sở đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không chạy theo thị trường, yên tâm chăm sóc cây cao su, ổn định diện tích đang có. Trường hợp một số vườn cao su hết chu kỳ khai thác, năng suất mủ thấp... thì có thể tái canh, chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Tại tỉnh Đắc Lắc, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi các huyện tăng cường khuyến cáo bà con không được rong, tỉa cành cao su để trồng xen cà-phê, tiêu... Tiếp tục duy trì chăm sóc vườn cao su... đến khi giá ổn định sẽ thâm canh trở lại...
Theo ông Lê Rế, Trưởng phòng NN&PTNT H. Krông Năng, việc rong cành cao su để trồng tiêu, cà- phê sẽ gây nhiều rủi ro bởi việc rong cành sẽ khiến sức sinh trưởng của cao su yếu, cao su mất khả năng quang hợp sẽ khiến cây chết. Cao su và hồ tiêu vốn dễ mắc loại bệnh do nấm Phytopthora gây ra. Nếu cây cao su đã nhiễm bệnh nấm, khi người dân rong cành cao su để làm trụ sống cho tiêu leo lên, thì dù cây tiêu không mắc bệnh thì cũng sẽ bị lây bệnh từ cây cao su, lúc đó tiêu cũng sẽ chết, dẫn đến thiệt hại đôi đường.
Thời gian để trồng 1 héc-ta cao su cho đến kỳ thu hoạch phải mất trung bình 7 năm với số tiền đầu tư hơn 100 triệu đồng. Việc cao su rớt giá đã khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần. Để "tự cứu" mình, họ "đau đớn" chặt bỏ vườn cao su, loại cây mà nông dân hi vọng sẽ giúp họ đổi đời, để trồng cây cà-phê, tiêu... Đến khi trồng mới, nông dân lại tốn thêm khoản kinh phí trồng, chăm sóc, rồi chờ đợi 3-4 năm mới cho thu hoạch. Đó là chưa kể những rủi ro như dịch bệnh, mất mùa, trượt giá... lại xảy ra. Rốt cuộc nông dân vẫn khổ.
Hữu Phúc