"Lòng tin và tiền" hậu COP21
(Cadn.com.vn) - Các cuộc đàm phán về tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu (COP21) đã bước vào tuần thứ hai và cũng là tuần cuối cùng, trong đó bàn về mảng rộng lớn và phức tạp các vấn đề chính trị, kinh tế và pháp lý, với hy vọng sẽ đạt đến một thỏa thuận lịch sử quan trọng thay thế Nghị định thư Kyoto. Nhưng đó là mặt ngoài của cuộc đàm phán. Ở bên trong, các bên đang sục sôi 2 vấn đề: niềm tin và tiền bạc.
Trên diễn đàn toàn cầu này, không ai đặt câu hỏi về những chứng minh khoa học về các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính là do việc đốt các nhiên liệu hóa thạch - hoặc liệu các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển cuối cùng có nhất trí cắt giảm lượng khí thải để tránh tương lai tàn phá trái đất hay không.
Tuy nhiên, trong bước đột phá lớn về kinh tế, 184 chính phủ đệ trình kế hoạch chi tiết về cách họ sẽ làm thế nào để cắt giảm lượng khí thải ở trong nước sau năm 2020. Những cam kết này dự kiến sẽ tạo nên cốt lõi của một thỏa thuận mới, vốn hy vọng được ký kết vào cuối tuần này. Thỏa thuận này cũng sẽ yêu cầu các nước phải quay trở lại bàn đàm phán ít nhất 10 năm/1 lần, thậm chí với những cam kết giảm khí thải nghiêm ngặt hơn.
Nhưng vấn đề đặt ra là liệu chính phủ các nước có thể "nói đi đôi với làm" hay không? Mỹ đang tích cực thúc đẩy các quy định ràng buộc pháp lý, yêu cầu chính phủ các nước theo dõi, kiểm tra và báo cáo về lượng giảm khí thải cho một cơ quan quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nước vẫn ngần ngại quy định như vậy. Vấn đề này nổi lên như một điểm căng thẳng giữa Mỹ-Trung, sau khi 2 nước tổ chức bước đột phá về chính sách khí hậu, công bố một kế hoạch chung để giảm lượng khí thải trong tương lai, hồi năm ngoái.
Một phương pháp để xác định thay đổi lượng khí thải toàn cầu có thể là sử dụng các vệ tinh giám sát rừng ở các nước như Brazil và Indonesia, hai quốc gia vốn cam kết giảm nạn phá rừng hàng loạt, nguồn gốc gây ô nhiễm khí nhà kính. Tuy nhiên, điều khó khăn đối với nhiều quốc gia là họ không có đủ nguồn lực tài chính để theo dõi và giám sát ô nhiễm carbon. Nhiều nước tuyên bố "đồng ý trên nguyên tắc" về các biện pháp chống biến đổi khí hậu nhưng tất nhiên họ cần hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ con người để làm được đúng theo yêu cầu đề ra.
Hiện đã có đề xuất về việc các nước phát triển sẽ vừa giám sát vừa cung cấp chuyên môn để giúp các nước nghèo đo lường và theo dõi lượng khí thải. Các nước phát triển cũng sẽ huy động số vốn 100 tỷ USD hàng năm để giúp các nước nghèo chuyển đổi hệ thống năng lượng từ phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch sang nguồn năng lượng sạch, và giúp các nước nghèo thích ứng với sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Nhưng các nước giàu như Mỹ nhấn mạnh, hầu hết số tiền này là lấy từ túi đầu tư tư nhân, chứ không phải là tiền thuế.
Và trên thực tế, cho đến lúc này, đây vẫn là những đề xuất gây tranh cãi mạnh mẽ, động thái làm người ta dự đoán về một "cuộc chiến tiền bạc" sẽ bùng nổ giữa các nước hậu COP 21.
Thanh Văn