Lớp học đặc biệt…
Chúng tôi gọi là đặc biệt bởi lớp học được thành lập dành riêng cho các em kém may mắn, bị khiếm khuyết một phần về thể chất, thần kinh; các thầy cô giáo đứng lớp là những người không được đào tạo chuyên ngành sư phạm. Và một điều nữa, bao giờ ở lớp học này, chúng ta cũng thấu cảm được tình yêu thương bao la, chân thành mà các thầy cô giáo dành cho những học trò bất hạnh.
Các thầy cô giáo cầm tay nắn từng nét chữ cho các em học sinh kém may mắn. |
Lớp học được tổ chức trong một căn phòng nhỏ tại Đồn Biên phòng Bình Minh (xã Bình Minh, H. Thăng Bình, Quảng Nam) vào các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 6 hàng tuần. "Đây không chỉ là lớp học tình thương dạy các em biết đọc viết thông thường mà còn là nơi để các em giao lưu, vui đùa, quên đi những nỗi đau về thể xác mình đang gánh chịu", anh Lê Văn Chính, Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Bình Minh bộc bạch. Anh Chính là người đã nghĩ ra ý tưởng rồi tham mưu các cấp lãnh đạo mở lớp học. Theo anh Chính, nhiều lần nhìn thấy các em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương, lại phải mang trong mình những căn bệnh bại liệt, hội chứng Down… ở nhà không được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác khiến anh không thể kiềm lòng. Thế là, anh muốn tự mình đón nhận, dạy các em đọc viết. "Ngay sau ý tưởng đó, tháng 11-2018, Đồn Biên phòng Bình Minh đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã thành lập lớp học. Vì đặc thù việc dạy các em kém may mắn có phần khó khăn hơn những em nhỏ bình thường nên chúng tôi chỉ nhận dạy và chăm sóc 9 em. Mỗi buổi học sẽ có từ 2-3 giáo viên là cán bộ Biên phòng và hội viên Hội phụ nữ xã phụ trách", anh Chính cho hay.
Mục đích của lớp học là dạy các em biết đọc viết và xa hơn nữa là có thể tính toán, làm văn… "Đây là một thử thách không hề nhỏ bởi các em có khả năng tiếp nhận rất kém. Nhiều em dạy hôm nay nhưng ngày mai lại quên hết. Tuy vậy, sau mỗi giờ đến lớp, chúng tôi vận động bố mẹ quan tâm ôn bài cho các em nên bây giờ nhiều em có thể đánh vần được các chữ cái hay đếm được các con số. Điều đó thật sự khiến chúng tôi hạnh phúc", chị Trương Thị Lâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh vui mừng. Chị Lâm tâm sự, học sinh của lớp đa số ở độ tuổi 10-11 tuổi, ngoài ra có em năm nay đã 31 tuổi nhưng mắc hội chứng bệnh Down nên thể trạng, trí lực rất kém. "Dạy các em chủ yếu là mang đến niềm vui, sự sẻ chia chân thành để các em không cảm thấy mình bị bỏ rơi vì kém may mắn. Khi chúng tôi có ý định mở lớp, nhiều phụ huynh nhiệt tình ủng hộ bởi vì điều kiện gia đình họ ít có thời gian quan tâm đến các em. Nhiều khi trong lúc dạy học chúng tôi lại kiêm luôn vai trò của bác sĩ, áp dụng các bài vật lý trị liệu, đấm bóp cho các em", chị Lâm nói.
Có mặt tại lớp học chúng tôi mới cảm nhận những tình cảm chân thành, ấm áp mà thầy cô giáo dành cho các em. Để duy trì lớp học, ngoài thời gian làm công tác chuyên môn, họ thay nhau tranh thủ đứng lớp cầm tay, nắn từng nét chữ, con số cho các học trò rồi hướng dẫn các em vui chơi, ca hát, nhảy múa… Biết được học trò của mình kém may mắn các thầy cô giáo không ngần ngại dùng những lời hay để khen ngợi, động viên các em. Hoàn cảnh nhiều em vô cùng éo le, bất hạnh như em Trần Nguyễn Văn Thành (2005), mắc chứng bại liệt nhưng mẹ lại bị thần kinh, cha là trụ cột gia đình nhưng sức khỏe yếu, làm thuê qua ngày nên thu nhập bấp bênh. Hay như em Trần Thị Hoa (2008), bản thân đã bị khiếm khuyết một phần về thần kinh nhưng anh trai lại mắc bệnh tâm thần nặng. Bà Nguyễn Thị Cúc, mẹ em Hoa vô cùng biết ơn các thầy cô giáo đã nhận dạy miễn phí cho con bà. Từ ngày vào lớp học, em Hoa cùng nhiều em khác trở nên ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ, có tiến triển tốt về sức khỏe và dần biết mặt con chữ. "Chúng tôi thành lập lớp học còn với mong muốn kêu gọi mọi người cùng chung tay hưởng ứng, nhân rộng mô hình lớp học này ra để nhiều trẻ em kém may mắn có cơ hội được đến lớp, phát triển, vượt lên bệnh tật. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc dạy học, đồng thời lồng ghép những phương pháp mới, sáng tạo hơn để thu hút các em", chị Lâm thông tin.
Thiếu tá Lê Văn Nam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Minh chia sẻ, ngay khi lớp học tình thương được khai giảng, Đồn Biên phòng Bình Minh đã vận động kêu gọi cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị xây dựng "Hũ gạo tình thương", tiết kiệm mỗi tháng 300 nghìn đồng hỗ trợ các em trong việc học tập. Bên cạnh đó, phối hợp với Hội LHPN xã phân công cán bộ đứng lớp giảng dạy mỗi tuần và tổ chức đưa đón các em trong trường hợp không có người thân. Đồn Biên phòng Bình Minh sẽ phối hợp với UBND, Hội LHPN xã tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả và sẽ giới thiệu mô hình lớp học rộng ra trong cộng đồng, xã hội.
Phi Nông