Lớp học đêm vùng cao

Thứ năm, 17/04/2014 11:46

(Cadn.com.vn) - Ở xã miền núi Sơn Tân (Sơn Tây, Quảng Ngãi) có một lớp học ban đêm khá đặc biệt. Bởi lớp học không chỉ nhằm phụ đạo kiến thức, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh (HS) đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn trang bị cho phụ huynh học sinh biết cách tổ chức, xây dựng thời gian, không gian góc học tập cho con em mình.

Lớp học không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục,...

Đều đặn cứ vào tối thứ tư hằng tuần, những giáo viên (GV) Trường tiểu học Sơn Tân lại lặn lội đến các thôn bản để dạy phụ đạo cho HS yếu và tăng cường dạy tiếng Việt cho HS người dân tộc thiểu số. Thầy Nguyễn Văn Giàu-Hiệu trưởng Trường TH Sơn Tân cho biết: "Toàn trường hiện có 6 điểm dạy học với tổng số hơn 370 HS, trong đó có hơn 95% HS là con em đồng bào dân tộc Ca Dong và dân tộc H'rê.

Trăn trở trước những thiệt thòi của HS vùng cao sau nhiều năm "cắm bản" dạy học, tôi đã quyết định xây dựng các lớp học đêm tại các làng, điểm dân cư. Theo đó, GV tham gia giảng dạy tại các lớp học này có nhiệm vụ dạy phụ đạo cho HS yếu kém và dạy tăng cường tiếng Việt cho HS. Ngoài ra, GV còn phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình có thời gian học bài tại nhà".

Lâu nay HS miền núi, nhất là HS người đồng bào dân tộc thiểu số chưa có thói quen học bài cũ ở nhà, còn phụ huynh HS hầu như không quan tâm đến việc học của con em mình, mọi việc đều khoán trắng cho nhà trường. Vì thế, khi triển khai mô hình lớp học này, công việc của GV khá vất vả, bị người nhà HS phản đối.

Mặc dù gặp không ít khó khăn  trở ngại nhưng tất cả vẫn kiên trì thuyết phục, "bám lớp, bám dân", đồng thời phối hợp với hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, cán bộ mặt trận, nhất là ban đại diện hội cha mẹ HS vận động, giải thích cho người dân hiểu và nắm bắt được lợi ích của lớp học. Cuối cùng các GV đã nhận được sự hưởng ứng của phụ huynh HS.

Phương pháp dạy được thống nhất chung là tạo sự thoải mái, vui vẻ, rút ngắn khoảng cách giữa người dạy và người học. Đối với những em học sinh yếu, kém hoặc yếu tiếng Việt sẽ được quan tâm đặc biệt hơn. Trong gần 1 năm qua Trường TH Sơn Tân đã xây dựng được 12 điểm học tập tại các thôn, bản trong toàn xã.

Việc làm này không chỉ tạo được sự phấn khích, động lực học tập đối với HS, được chính quyền và các tổ chức, đoàn thể địa phương ủng hộ, mà còn dần dần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh.

Ông Nguyễn Đức Hùng - Chi hội trưởng Hội phụ huynh nhà trường vui mừng nói: "Nhờ có mô hình lớp học này mà người dân biết tắt các thiết bị thu thanh, thu hình khi con cái ngồi vào bàn học, xây dựng góc học tập và tạo điều kiện cho con em mình học bài ở nhà, còn học sinh dần dần hình thành được nếp học bài, ôn bài ở nhà. Lớp học cũng là cơ hội tạo sự gắn bó giữa giáo viên với cộng đồng thôn, bản".

... mà còn tạo sự gắn kết giữa GV với HS, GV với dân bản.

Để lớp học mang lại hiệu quả thiết thực, giáo viên không chỉ căn cứ vào thời khóa biểu dạy học trên lớp để sắp xếp giờ học phù hợp, mà còn biết phân loại đối tượng học sinh, giúp học sinh vượt qua mặc cảm để lấy lại kiến thức. Để đánh giá cũng như theo dõi hoạt động dạy và học tại 12 điểm lớp, nhà trường đã phân công mỗi cán bộ trong ban giám hiệu theo dõi, nắm bắt tình hình dạy học tại các điểm mà mình phụ trách.

Sau đó, theo từng kỳ, tổ trưởng tổ khối các lớp phối hợp cùng với trưởng thôn, bản, cùng đại diện các tổ chức đoàn thể đánh giá hoạt động dạy học của các lớp, rút kinh nghiệm để công tác phụ đạo, dạy kèm HS đạt kết quả cao hơn. Ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng phòng GD&ĐT H. Sơn Tây đánh giá: Lớp học đặc biệt này là sáng kiến kinh nghiệm mà thầy Nguyễn Văn Giàu tự đúc rút được sau nhiều năm công tác, dạy học ở các vùng miền núi, vùng HS dân tộc thiểu số.

Lớp học đã được nhà trường khởi xướng từ đầu năm học 2013-2014, đến nay giáo viên nhà trường vẫn tiếp tục duy trì và được lãnh đạo ngành GD&ĐT H. Sơn Tây xem đây là mô hình điểm để tiếp tục nhân rộng trong toàn huyện trong năm học tới. Cách làm hay này không chỉ tạo thói quen học tập ở nhà cho học sinh đồng bào dân tộc, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, mang niềm vui sưởi ấm học trò vùng cao vốn chịu nhiều thiệt thòi.

Từ những hiệu quả thiết thực mà mô hình lớp học tại thôn, bản mang lại, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện duy trì mô hình này trong thời gian đến. Đồng thời, chỉ đạo, huy động các hội, đoàn thể cùng tham gia vào cuộc mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, nhận thức của đồng bào về việc học của con em mình.

T.D-Đ.T