Lớp xóa mù chữ đặc biệt trên dãy Trường Sơn

Thứ ba, 05/03/2019 14:00

Bộ đội Đồn Biên phòng dạy chữ cho đồng bào.  Ảnh: Trọng Đức 

Giữa rừng núi xa xôi, trùng điệp xã Trường Sơn, H. Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), lớp học chữ của bà con đồng bào Bru - Vân Kiều vẫn ngày ngày vang vọng. Dù cuộc sống còn lắm khó khăn, thiếu thốn nhưng người dân nơi đây đã ý thức hơn về việc học con chữ, phép tính, để đổi thay, nâng cao cuộc sống cho chính bản thân mình. Đóng góp vào hành trình ấy có những thầy giáo mang quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Làng Mô (BCH BĐBP tỉnh Quảng Bình). Theo Thiếu tá Đinh Như Triêm - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn cho biết, Đồn được giao nhiệm vụ phụ trách, quản lý đường biên giới dài hơn 43km đường biên, 16 cột mốc và phụ trách địa bàn xã Trường Sơn, một xã vùng cao, biên giới của tỉnh Quảng Bình. Toàn xã có 19 thôn, bản với trên 1.100 hộ/hơn 4.600 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm hơn 60%. Điều kiện địa hình hiểm trở với nhiều sông suối, vách đá cheo leo hiểm trở, địa bàn dân cư sinh sống cách xa trung tâm huyện hàng chục   ki-lô-mét. Người dân sinh sống thành từng bản làng tách biệt, cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp và tận thu sản phẩm từ rừng nên gặp muôn vàn khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo trên 61%. Để góp phần củng cố, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, từng bước nâng cao dân trí, đời sống kinh tế-xã hội cho người dân vùng biên giới, CBCS Đồn Biên phòng Làng Mô không chỉ vững chắc tay súng bảo vệ đất biên cương mà còn chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện các chương trình, đề án, phong trào, trong đó công tác xóa mù chữ, nâng cao dân trí được đơn vị đặc biệt quan tâm.

Năm 2015, thực hiện Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, Đồn Biên phòng Làng Mô, Phòng GD-ĐT và Hội LHPN H.Quảng Ninh đã cùng phối hợp triển khai các lớp xóa mù chữ mức 1, 2 và 3 cho đồng bào bản Dốc Mây, xã Trường Sơn. Lớp học đặc biệt này do Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô đảm nhận, với hơn 30 học viên tham gia. Gọi là lớp học đặc biệt bởi đối tượng học ở nhiều độ tuổi, đó có thể là các bà, các cao niên trong bản hay các mẹ, các chị, các anh. Với họ, từ bé đến giờ hầu như chỉ biết đi rừng, phát rẫy, làm nương... chứ không quen cầm bút. Lớp học đơn sơ với phòng học tạm bợ mượn của điểm trường giữa đại ngàn Dốc Mây xa thẳm. Và đặc biệt hơn bởi người đứng lớp giảng dạy chính là người lính Biên phòng mang áo xanh màu lá.

Đại úy Hồ Manh, Đội trưởng đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô cho biết: Do đặc thù học viên ở nhiều độ tuổi, phần lớn đều lớn tuổi và đã có gia đình nên có sự e dè, ngại ngùng, công việc vận động người dân đến lớp vì thế cũng gặp không ít trở ngại. Học viên chủ yếu là phụ nữ và người lao động trụ cột trong gia đình nên việc đảm bảo sĩ số rất khó khăn, nhất là khi người dân vào mùa nương rẫy... Tuy vậy, dù các bác các chị lớn tuổi nhưng mọi người rất hiếu học, muốn biết cái chữ, thích học phép tính. Đây chính là động lực để các CBCS kiên trì, quyết tâm xóa mù chữ cho đồng bào, đồng hành cùng đồng bào dân tộc trên hành trình vươn tới tri thức. “Trong quá trình tham gia giảng dạy, chúng tôi phải chọn những phương pháp dạy làm sao phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, lồng ghép các hoạt động văn hóa văn nghệ, kết hợp với tuyên truyền chính sách pháp luật, bài bỏ các hủ tục lạc hậu, nếp sống văn minh... Từ đó, tạo hứng khởi giúp học viên chuyên cần đến lớp hơn”, Đại úy Hồ Manh cho hay. Bên cạnh đó, để duy trì lớp học, các thầy giáo quân hàm xanh của đồn phải luân phiên nhau cắt rừng trèo đèo, lội suối đến với lớp học. Đường xa, núi rừng hiểm trở, các anh phải gùi cả lương thực, thực phẩm và cắm bản dài ngày để dạy chữ. Với sự chủ động, linh hoạt, kiên nhẫn và quyết tâm cao của CBCS, lớp học xóa mù chữ dần đi vào ổn định, hàng chục người dân biết đọc, viết khá thông thạo và làm được các phép tính đơn giản, có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và kỹ năng sống...

Sau mỗi buổi chiều lên nương làm rẫy, trở về nhà khi nắng đã tắt, các mẹ, các chị lại tất tả lo việc gia đình để đến lớp đúng giờ. Tiếng kẻng gọi học của thầy giáo Đại úy Hồ Manh lại vang lên giữa núi rừng đều đặn hai buổi/tuần. Ngày mới bắt đầu, người dân bản Chân Trôộng lại cùng nhau lên rẫy lo cái ăn cái mặc. Hành trang hôm nay của họ không chỉ có cái cày cái cuốc mà những tập sách, từng con chữ cũng theo họ lên nương. Những lúc nghỉ giải lao, bà con lại tranh thủ đem bài ra ôn. Nhìn các chị, các mẹ nắn nót, tỉ mẩn tập viết từng nét chữ, đọc tròn vành rõ chữ, điều đó như minh chứng rõ hơn của tình cảm sâu nặng, keo sơn của tình quân – dân nơi biên cương của Tổ quốc.

VÕ DUNG