Lũ chồng lũ tàn phá miền Trung

Thứ ba, 13/10/2020 15:05

* Hàng chục người chết và mất tích trong lũ 

* Xác minh thông tin thủy điện sạt lở, vùi lấp 10 công nhân 

* Áp thấp nhiệt đới mạnh thành bão trên biển đông

Trong khi đợt mưa lũ đi qua để lại ngổn ngang thiệt hại về người và tài sản chưa kịp khắc phục thì các tỉnh miền Trung đang đối mặt với một đợt mưa lũ lớn khác do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh thành bão số 7, có tên quốc tế là Nangka.

Đà Nẵng: Vẫn còn hơn 4.000 nhà bị ngập

Rạng sáng 12-10, mực nước trên các sông Yên, Túy Loan (H. Hòa Vang) dâng cao trở lại do các hồ thủy điện đầu nguồn đồng loạt xả lũ trong đêm. Các khu dân cư ven sông tiếp tục chìm trong biển nước; người dân trong khu vực muốn di chuyển phải bơi ghe thuyền, hoặc lội nước ngang ngực. Nhiều tuyến giao thông nông thôn còn ngập sâu, các lực lượng chức năng phải tổ chức chốt chặn, nghiêm cấm người dân qua lại để đảm bảo an toàn. Theo thống kê, vùng nông thôn Hòa Vang hiện còn 4.597 hộ nhà bị ngập, các địa phương cũng đã di dời 901 hộ dân với 3.036 người ở vùng trũng thấp trũng, ven sông suối, đồi núi... đến nơi an toàn. Đến 10 giờ sáng nay, các lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể nạn nhân N.V.N. (tạm trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) bị nước lũ cuốn trôi tại xã Hòa Ninh, riêng thi thể nạn nhân T.B.T. (trú thôn 5, xã Hòa Khương) vẫn chưa tìm thấy. Về sản xuất nông nghiệp: hơn 81ha hoa màu bị dập nát, hư hỏng; 30ha nuôi trồng thủy sản bị nước lũ băng bờ; nhiều nhà vườn trồng hoa ở các xã Hòa Châu, Hòa Phong, Hòa Liên bị thiệt hại nặng...

Người dân thôn An Trạch (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) muốn di chuyển phải lội nước ngang ngực.

Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND H. Hòa Vang tiếp tục yêu cầu, ngoài việc các địa phương phải thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ", trong đó chú ý về phương tiện vận chuyển dân an toàn, cần chuẩn bị nước sạch và lương thực để cung cấp cho người dân ở những nơi bị lũ cô lập dài ngày; Ban Chỉ huy Quân sự, Công an huyện còn phải bố trí đủ lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm như đập ba-ra An Trạch và 2 hồ chứa nước Hòa Trung, Đồng Nghệ...

Trong đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn thành phố có 4 người chết và mất tích, hiện 1 người vẫn chưa đươc tìm thấy.

Quảng Nam: Thêm 4 người tử vong do mưa lũ

Chiều 12-10, sau nhiều giờ huy động lực lượng tìm kiếm, thi thể 2 em Hứa Đại C. (2005, học sinh lớp 10) và Hứa Thị Kiều V. (2007, học sinh lớp 8, trú xã Duy Phước, H. Duy Xuyên) đã được tìm thấy. Trước đó sáng cùng ngày, hai em trên khi đi chơi ở khu vực đường ĐH3 trong xã không may bị trượt chân xuống vùng nước sâu bị cuốn trôi mất tích. Nhận được thông tin, sau một giờ đồng hồ nỗ lực tìm kiếm, đến 11 giờ 30 cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể em Hứa Thị Tường V.; đến 13 giờ cùng ngày thi thể em Hứa Đại C. cũng đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình lo mai táng. Tại H. Duy Xuyên trong ngày 12- 10 cũng xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 2 mẹ con tử vong. Theo thông tin ban đầu, tối 11-10, nước lũ đổ về làm một số nơi trên địa bàn TT Nam Phước bị ngập. Đến sáng 12-10, nước bắt đầu rút nên bà Tôn Nữ Thị Minh H. (1964) cùng con trai là anh Nguyễn Thanh T. (1993, trú khối phố Mỹ Hòa, TT Nam Phước) tiến hành dọn đồ đạc, bùn non trong nhà thì không may bị điện giật. Dù được người dân địa phương phát hiện và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng hai mẹ con bà H. đã không qua khỏi. Sau khi xảy ra vụ việc, chính quyền TT Nam Phước và H. Duy Xuyên đã đến thăm hỏi, hỗ trợ cho gia đình nạn nhân để lo hậu sự.

Người dân đến thăm hỏi, chia buồn với một gia đình có người chết vì lũ lụt tại Quảng Nam.

Chiều 12-10, Trung tá Nguyễn Duy Phương- Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt CA tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 3 ngày bị nước lũ chia cắt nhiều đoạn trên tuyến QL1A, đến chiều cùng ngày tuyến QL1A qua địa phận tỉnh Quảng Nam đã được thông tuyến trở lại. Theo đó, các chốt chặn cấm phương tiện giao thông qua lại trên địa bàn tỉnh đã được tháo dỡ, các phương tiện giao thông có thể qua lại bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo trật tự ATGT trên tuyến, lực lượng CSGT vẫn tiếp tục bám trụ hiện trường hướng dẫn, phân luồng giao thông và xử lý các tình huống phát sinh xảy ra...

TT-HUẾ: Xác minh thông tin sạt lở thủy điện, 10 công nhân nghi bị vùi lấp

Tối 12-10, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế và Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu 4 vẫn chưa thể vào đến thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên tuyến đường hiểm trở thuộc xã Phong Xuân (H.Phong Điền, TT-Huế) để xác minh thông tin thủy điện này bị sạt lở khiến 10 công nhân đang làm việc tại đây bị vùi lấp. Trao đổi với P.V qua điện thoại, ông Phan Ngọc Thọ cho biết, do mưa lũ phức tạp trong những ngày qua khiến tuyến đường 71 - là tuyến đường duy nhất để đến với thủy điện Rào Trăng 3 hiện đang bị sạt lở rất nghiêm trọng tại hàng chục điểm trên đoạn đường dài hàng chục ki-lô-mét. Có khả năng, trong đêm nay, đoàn công tác không thể đến được thủy điện này.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh TTHuế, chiều cùng ngày, lãnh đạo tỉnh nhận được một cuộc điện thoại của người dân gọi về báo sự cố sạt lở nói trên. Người này nói được lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Rào Trăng 3 nhờ leo lên đỉnh núi cao để gọi về báo cho lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh do ở trên đó mất sóng điện thoại. Tuy nhiên cuộc gọi này giữa chừng thì bị gián đoạn nghi do mất sóng hoặc điện thoại hết pin. Nhận được tin báo, UBND tỉnh TT-Huế đã cử lực lượng ứng cứu lập tức leo rừng về phía thủy điện để xác minh thông tin. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng đoàn cứu nạn lên thủy điện Rào Trăng 3 và tiếp cận hiện trường từ lúc 14 giờ ngày 12- 10. Tuy nhiên, tại hiện trường địa hình hiểm trở, không có sóng điện thoại nên không liên lạc được với bên ngoài. Đến cuối giờ chiều cùng ngày lực lượng tiếp cận vẫn chưa có thông tin báo về.

Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết, đến 19 giờ vẫn chưa có thông tin chính thức về việc sạt lở thủy điện khiến 10 công nhân bị vùi lấp. Mọi thông tin liên lạc ở khu vực thủy điện cũng như các vùng lân cận đều bị cắt đứt do mưa lũ trong những ngày qua. Trong tối cùng ngày, lực lượng cứu hộ cứu nạn của tỉnh cũng đang nỗ lực tìm cách tiếp tế lương thực, cứu trợ cho Đoàn công tác Quân khu 4 leo rừng vào thủy điện. Hiện, hệ thống dây sóng di động cũng đang được rải để cố gắng liên lạc thông tin trong thời gian sớm nhất. Được biết, thủy điện Rào Trăng 3 được cấp phép vào đầu tháng 11-2008. Công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha; trong đó diện tích khu vực lòng hồ 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.

Quảng Trị: Nguy cơ lũ chồng lũ lịch sử

Ngày 12-10, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết thi thể nạn nhân trôi vào bờ biển xã Hải An, H.Hải Lăng vào ngày 11 - 10 đã được xác định là thuyền viên Nguyễn Văn Chiến, tàu Vietship 01. Như vậy, sau cuộc giải cứu 9 thuyền viên và ngư dân mắc kẹt trên tàu Vietship 01 vào sáng 11 - 10 có thông tin còn 1 thuyền viên của tàu mất tích đã được làm rõ. Tính đến chiều 12 - 10, Quảng Trị đã có 7 trường hợp thiệt mạng do lũ. Trong đó, vào sáng 12 - 10, đã tìm thấy thi thể nạn nhân Trần Văn Hiệu (1976, quê Nghệ An, tạm trú tại xã Vĩnh Lâm, H.Vĩnh Linh) bị nước lũ cuốn vào chập tối 9 - 10 khi vận chuyển máy móc hồ tôm. Nạn nhân Hồ Văn Phơi, bản Cu Dong, xã Húc (H.Hướng Hóa) bị nước lũ cuốn vào rạng sáng 8 - 10 cũng đã được tìm thấy thi thể. 6 trường hợp mất tích khác đang được tìm kiếm, trong đó có thuyền viên Lê Quốc Cường, tàu Vietship TK 12 gặp nạn ở Cửa Việt. Đã có 3 người (H.Hải Lăng, H.Hướng Hóa, H.Triệu Phong) bị chấn thương nặng trong quá trình di dời tài sản, sửa mái nhà, trượt ngã, hiện đang được cứu chữa tại Bệnh viện Trung ương Huế.

CAH Triệu Phong, Quảng Trị tiếp cận, cứu hộ thành công trường hợp chạy thận nhân tạo cần cấp cứu tại xã Triệu Phước. 

Hiện tại, nguy cơ về một đợt lũ kép đang gây nỗi lo lắng cho nhân dân Quảng Trị. Ngày 12 - 10, mưa lớn tiếp tục phủ rộng địa bàn, nước lũ lên lại rất nhanh, đặc biệt trên sông Hiếu, Bến Hải, Thạch Hãn, Ô Lâu, sông Sê Pôn. Mực nước các sông đều vượt mức báo động 3. Lụt chồng lũ, hàng ngàn nhà dân vẫn ngập sâu trong nước đã nhiều ngày. Ghi nhận ở địa bàn TX Quảng Trị, TP Đông Hà, huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Đakrông, Gio Linh nước đã mênh mông sau 1 ngày tạm rút. Trong khi đó, ở địa bàn miền núi, lực lượng CA, Biên phòng đã chốt sẵn địa bàn để sơ tán dân ở nơi nguy cơ sạt lở cao, lũ ống, lũ quét. Riêng xã Tân Thành (H.Hướng Hóa), ghi nhận sạt lở đất với chiều dài 36m nghiêm trọng ở khu vực thôn Bích La Trung, đoạn giáp Sông Sê Pôn, đe dọa đến nhiều nhà dân ở đây. Mưa lũ cũng đã khiến QL9 nhiều đoạn bị sạt lở nặng, ách tắc giao thông vào sáng 12-10. Nhiều tuyến đường bị sạt lở với khối lượng lớn như: tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây (sạt lở tại Km252, Km255, Km267, Km273); tuyến 15D; tuyến đường vào trung tâm xã Ba Nang; tuyến đường giao thông thôn Ra Ró xã A Vao; tuyến đường tuần tra biên giới thuộc xã Ba Nang. Tuyến đường 588 bị ngập sâu, chia cắt nhiều điểm (xã Triệu Nguyên 3 điểm, Ba Lòng 2 điểm, Mò Ó 2 điểm). Đường vào trung tâm xã A Vao (cầu Tràn Tà rụt - A Vao), Ba Nang bị chia cắt nhiều vị trí như cầu Đá Đỏ, Ra Lây, Tà Rẹc. Mưa lũ gây ngập lụt thôn Đá Nổi xã Ba Lòng và một số vị trí của thôn Na Nẫm xã Triệu Nguyên. Một số tuyến đường liên thôn A Bung, xã A Bung - thôn A Rồng trên xã A Ngo, đường nội thôn Gia Giã xã Hướng Hiệp, nội thôn Húc Nghì xã Húc Nghì, thôn Ly Tôn xã Tà Long bị chia cắt do các tràn và ngầm tràn mực nước ngập sâu 1-2m; mố cầu tràn tuyến đường liên thôn Xi Pa - Tà Pao xã Tà Long bị đứt; tràn A Đeng xã A Ngo bị lũ cuốn trôi, hư hỏng hoàn toàn...

Chiến sĩ CAH Vĩnh Linh, Quảng Trị về giúp dân thu hoạch sắn chạy cơn lũ kép.

Trước diễn biến thời tiết phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục ra công điện khẩn triển khai phương án ứng phó với mưa lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể, trước 15 giờ ngày 12 - 10 hoàn thành công tác sơ tán dân ở vùng ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Đảm bảo ANTT, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc y tế tại các điểm sơ tán dân đến. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh trong tất cả các trường hợp phải đảm bảo người dân có nơi cư trú tạm thời, không để người dân bị đói rét.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Bão số 7 khả năng gây mưa lớn, diện rộng ở miền Trung

Chiều 12-10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh thành bão số 7, có tên quốc tế là Nangka. Dự báo chiều 13-10, tâm bão ở phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-100 km/h), giật cấp 12. Sau đó, bão giữ nguyên hướng đi và vận tốc, tiến vào vùng biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta chiều 14-10. Lúc này, bão có thể đạt cường độ cực đại là cấp 10, giật cấp 12. Vùng ảnh hưởng của bão trải rộng toàn Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và tỉnh Quảng Bình. Cơ quan khí tượng cảnh báo vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới nằm từ vĩ tuyến 16 đến 20 độ vĩ bắc và từ 110 đến 117,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Khi bão số 7 gần bờ, mưa tập trung ở Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhưng khi vào bờ, bão có thể khiến mưa lớn quay trở lại các tỉnh Trung Bộ ngày 15 và 16-10.

Dự báo, trong 2 ngày tới, Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị tiếp tục là trọng tâm của mưa lớn khiến mực lũ trên các sông dao động. Lũ trên sông Kiến Giang, Thạch Hãn khả năng lên lại; trong khi các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum xuống dần. Ngày 12 và 13-10, lượng mưa ghi nhận được ở Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế dao động 200-400 mm, có nơi trên 500 mm. Các tỉnh, thành phố như Quảng Bình, Đà Nẵng có mưa lớn 100-200 mm. Ngoài ra, mưa cũng mở rộng ra Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi với lượng 80-150 mm.