Lũ dữ uy hiếp miền Trung

Thứ năm, 03/10/2013 00:43

(Cadn.com.vn) - Trong khi công tác khắc phục hậu quả bão số 10 còn hết sức ngổn ngang thì các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Bắc Trung Bộ tiếp tục đối mặt với lũ dữ tràn về trên toàn khu vực. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, lũ trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum đang lên nhanh.

* Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung và Tây Nguyên, đến nay bão số 10 đã làm 5 người chết (đều tại Quảng Bình), 2 người mất tích (cũng tại Quảng Bình), 159 người bị thương (trong đó Quảng Bình có 140 người, Quảng Trị 17 người, TT-Huế 2 người), 365 nhà bị sập, tốc mái 161.086 nhà và ngập 3.581 ngôi nhà. Diện tích lúa bị úng, ngập, đổ là 238 ha; 8.289 ha ngô, sắn, hoa màu bị ảnh hưởng. Ước tính tổng thiệt hại do bão số 10 gây ra là 4.915 tỷ đồng.

Ngày 2-10, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được phổ biến từ 50-80mm, riêng khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 100-150mm, một số nơi mưa đặc biệt lớn như: Hương Khê (Hà Tĩnh): 206mm, Tuyên Hóa (Quảng Bình): 222mm, Trà My (Quảng Nam): 302mm, Khâm Đức (Quảng Nam): 230mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi): 234mm.

Dự báo đêm 2-10 và sáng nay (3-10), lũ thượng nguồn sông La (Hà Tĩnh), các sông ở Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động (BĐ) 2 -BĐ3; hạ lưu sông La, các sông ở Quảng Trị, TT-Huế, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai lên mức BĐ1-BĐ2.

Nhiều nơi bị cô lập

Từ đêm 1-10, đến ngày 2-10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn khiến nhiều địa phương bị ngập cục bộ, cô lập nhiều xã vùng cao. Theo UBND H. Phước Sơn cho biết, có 5 xã vùng cao của huyện bị cô lập bao gồm: Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Công với khoảng 4.000 hộ dân.

Bên cạnh đó, do lượng nước mưa về đập lớn nên thủy điện Đăk Mi 4 đã tiến hành xả lũ ở 5 cửa đập khiến nước dâng cao đột biến. Theo ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch UBND H. Phước Sơn: Đây là đợt mưa ngắn nhưng nước lũ lên nhanh bất thường do thủy điện Đăk Mi 4 chặn dòng. Ngay khi phát hiện, UBND huyện đã yêu cầu nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 dừng xả phát điện, thay vào đó là xả qua cửa tràn của đập thủy điện. Được biết, lượng nước đổ vào hồ thủy điện khoảng 2.300 m3/s, thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với lưu lượng 2.000m3/s. Trước tình hình đó, UBND huyện đã yêu cầu các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học trong ngày 2-10.

Tại H. Bắc Trà My, mưa lớn đã làm nước lũ dâng lên nhanh, hầu hết các địa phương trong huyện đều xảy ra ngập lụt cục bộ, các cánh đồng đều bị ngập sâu, nhiều diện tích hoa màu chưa kịp thu hoạch đã bị nước lũ nhấn chìm. Các tuyến giao thông nội bộ tại trung tâm huyện và về các xã đều bị tê liệt do nước lũ chia cắt.

Đặc biệt khoảng 5 giờ ngày 2-10, thấy mưa lớn, sợ lũ làm trôi mất trâu nên anh Nguyễn Văn Chính (1992, trú tổ 1, thôn Định Yên, xã Trà Đông, H. Bắc Trà My) đã băng qua khu vực giao thủy của Sông Trạm để dời trâu đang cột lên chỗ cao hơn nhưng bị lũ cuốn trôi. Chính quyền xã và thôn đã huy động lực lượng xung kích và hàng trăm người dân địa phương tổ chức tìm kiếm, nhưng do mưa lớn, nước lũ Sông Trạm dâng cao, chảy xiết nên đến trưa cùng ngày vẫn chưa tìm thấy anh Chính.

Ngoài ra trên địa bàn H. Nam Trà My trời mưa rất lớn khiến đất đá trên tuyến đường Tây Tắc Pỏ đang thi công sạt lở xuống nhà cửa của 5 hộ gia đình gồm Hồ Tấn Sinh, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Văn Chiều, Nguyễn Văn Danh và Nguyễn Văn Diện. Trước đó UBND xã Trà Mai đã đến tổ chức di dời nhưng các hộ này không chịu đi và đòi bồi thường. Đến sáng 2-10, do tình trạng sạt lở quá nghiêm trọng nên các hộ mới đồng ý cho di dời.

Nhiều người dân ở Nghệ An đang sống chung với lũ.

Tai họa hồ Vực Mấu

Lượng nước dâng quá cao so với mức báo động nên Xí nghiệp thủy lợi H. Quỳnh Lưu đã xả lũ khẩn cấp 5 cửa tràn hồ Vực Mấu. Do lượng nước ở khu vực hạ du quá lớn cộng với mực nước biển dâng cao khiến hàng nghìn hộ dân TX Hoàng Mai (Nghệ An) chìm trong biển nước. Hiện tại, một số địa điểm nước lũ đã rút nhưng trận lũ lịch sử của hơn 40 năm nay đã cuốn trôi toàn bộ tài sản của người dân, cảnh tượng tại vùng quê nghèo tan hoang sau trận lũ.

* Tổng Cty Điện lực miền Trung cho biết, dến 7 giờ ngày 2-10-2013, lưới điện 110kV ở các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp đã vận hành bình thường. Từ ngày 29-9 đến nay, Lãnh đạo Tổng Cty đã túc trực tại Cty Điện lực Quảng Bình để điều phối và chỉ huy đơn vị nhanh chóng khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất.

Sau hơn 1 ngày cơn “đại hồng thủy” lịch sử đi qua, cảnh tượng miền quê nghèo tại các xã ở huyện Quỳnh Lưu và TX Hoàng Mai khiến nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay. Sáng 2-10, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có mặt tại H. Quỳnh Lưu cũng như tại TX Hoàng Mai để ghi nhận những hình ảnh tiêu điều, xơ xác tại các xã Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Mai Hùng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Tân... nơi hàng ngàn nhà dân vừa bị nước lũ nhấn chìm.

Bà Văn Thị Quế ở xóm 10, xã Quỳnh Trang, H. Quỳnh Lưu với đôi mắt đỏ ngầu nhìn ra dòng nước xoáy nhớ lại: Khoảng 3 giờ ngày 1- 10, khi gia đình tôi đang ngủ thì nghe thấy tiếng nước chảy ầm ầm, tràn vào sân, sau đó tràn vào cả nhà. Lúc đó tôi như người bấn loạn không kịp mang theo cái gì nữa. Nhìn quanh nhìn quất thì cả làng đều bị ngập hết, sau đó chúng tôi được một chiếc thuyền cứu hộ đưa đi sơ tán. Nhà tôi có 3 tấn thóc, 10 con lợn, 5 con bò, 2 tấn lạc mới thu hoạch cùng tivi, tủ lạnh, xe máy,... nhưng giờ đây lợn bò thì đã chết hết, thóc gạo ướt sạch trơn, tivi, tủ lạnh thì hư hỏng hết, mất tất cả rồi chú ơi!

Ngồi thẫn thờ trong trụ sở UBND xã Quỳnh Trang, cụ bà Nguyễn Thị Viễn (80 tuổi) ở xóm 10 Quỳnh Trang kể lại: Hôm đó, tôi có nghe thông báo của xã về việc di dời người và tài sản lên vùng cao để chuẩn bị xả lũ nhưng không ai ngờ nước lũ vào nhanh quá, tôi không kịp trở tay, sống một mình lại già yếu rồi, lũ lại đột ngột kéo về giữa đêm khuya, đang lúc không biết xoay xở thế nào thì may mắn có các chú cứu hộ kịp chèo thuyền đến cứu, không thì tôi cũng đã bị nước lũ nhấn chìm rồi.

Ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND TX Hoàng Mai cho biết: đến hết ngày 1-10, toàn thị xã có khoảng 20.000 hộ bị ngập, trong đó có 600 hộ phải di dời, 20 hộ đang trong tình thế nguy hiểm, phải di dời khẩn cấp trong đêm. Tình trạng ngập sâu vẫn đang xảy ra tại các xã vùng thượng lưu như Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Tân và các xã vùng hạ du như Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Mai Hùng, Quỳnh Phương và các phường trung tâm như Quỳnh Xuân, Quỳnh Thiện... còn TX Hoàng Mai hiện nước lũ đã rút dần.

Ngày 2-10, tại các xã Nghĩa Thuận, Đông Hiếu, phường Hòa Hiếu (TX Thái Hòa) và các xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Long (H. Nghĩa Đàn) đang có mưa rất lớn. Ông Nguyễn Văn Hồng, 82 tuổi  người dân xã Nghĩa Long nói: “Từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến nay tôi mới chứng kiến cảnh nhà cửa bị nước ngập chìm sâu như thế này”.

Xả lũ tại hồ Vực Mấu gây ngập úng trên diện rộng tại thị xã Hoàng Mai.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lũ cuốn

Sáng 2-10, theo thông tin từ phía gia đình nạn nhân chị Nguyễn Thị Huyền (1978, trú đội 5, xã Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai) cho biết, đã tìm thấy thi thể chị Huyền cách vị trí bị nạn khoảng 300m.

Trước đó, vào khoảng 11 giờ ngày 1-10, khi đang cùng chồng di chuyển tránh lũ bất ngờ bị nước lũ cuốn trôi. Anh Lê Văn Hào (1977, chồng chị Huyền) chưa hết bàng hoàng, kể lại: Nước lũ tràn rất nhanh. Vợ chồng tôi chỉ kịp bồng 2 con để đưa đi gửi ở nhà hàng xóm. Tiếc vì tất cả tài sản trong nhà sẽ bị nước lũ trôi hết nên 2 vợ chồng bàn nhau quay về. Tuy nhiên, khi đến khu vực cổng nhà thì mực nước đã ngập đến cổ, do dòng nước chảy xiết, phía trước lại là cánh đồng nên...”.

Cũng trong ngày 2-10, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cùng chiếc xe bị lũ cuốn trôi đêm 1-10, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy, trục vớt thành công được chiếc xe và thi thể nạn nhân vào sáng 2-10.

Nhóm PV-CTV