Từ TT-Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên chủ động ứng phó với mưa lũ:

Lũ khẩn cấp ở Phú Yên và Khánh Hòa

Thứ năm, 02/11/2017 11:07

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cảnh báo ven biển Trung và Nam Trung Bộ, Nam Bộ tiếp tục có mưa dông, lũ khẩn cấp ở Phú Yên và Khánh Hòa. Trong 6 - 12 giờ tới, lũ trên các sông từ TT-Huế đến Ninh Thuận và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên; riêng các sông ở Quảng Ngãi, sông Dinh dao động ở mức đỉnh sau xuống. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ TT-Huế đến Bình Thuận và Bắc Tây Nguyên. Từ ngày 3 đến 8-11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng cao tiếp tục xuất hiện một đợt lũ, nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt.

Một số tuyến đường ở H. Nông Sơn bị chia cắt do nước lũ.

Mưa lớn kéo dài, nhiều nơi ở Quảng Nam sạt lở, lũ chia cắt

Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua làm cho một số địa phương ở Quảng Nam xảy ra tình trạng sạt lở núi, mực nước sông đang dâng cao đã xảy ra tình trạng ngập lụt chia cắt. Từ chiều 31-10, tại Km92 nằm trên tuyến Q40B thuộc tuyến đường từ TP Tam Kỳ lên H. Nam Trà My, hàng chục khối lượng đất đá tràn xuống nền mặt đường, khiến cho giao thông đi lại nơi đây rất khó khăn. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, H. Nam Trà My đã chỉ đạo ngành chức năng huy động máy móc, thiết bị san gạt, nhanh chóng thông tuyến, khôi phục giao thông. Đến 8 giờ ngày 1-11, các phương tiện giao thông qua lại tại khu vực này đã được lưu thông.

Tại H. Nông Sơn, tuyến ĐT610 đoạn đèo Hòn Ngang sạt lở 50m3 đất đá. Một số tuyến kênh bị bồi lấp, sạt lở khối lượng 40m3 đất. Diện tích rau màu trên toàn huyện thiệt hại khoảng 5ha. Sáng 1-11, các nhánh sông suối trên toàn H. Nông Sơn nước từ các hồ đổ về rất lớn, chảy xiết, gây ngập và chia cắt nhiều tuyến đường giao thông liên xã. Ghi nhận tại cầu Khe Le trên tuyến ĐT610 (thuộc thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung), mực nước dâng cao hơn 2m so với mặt cầu. Ở cầu Khe Rinh (xã Phước Ninh) cũng bị ngập sâu 2m so với mặt cầu và kéo dài hơn 40m. Ngoài ra, tất cả các tuyến đường từ huyện đi các xã Quế Phước, Phước Ninh, Quế Lâm bị chia cắt; các cầu: Khe Phốc, Khe Sé, Nà Manh, Khe Con... ngập 1,5-2m.

Mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn trong ngày 1-11 lên nhanh khiến nhiều khu vực bị ngập nước, một số tuyến đường bị nước lũ chia cắt. Tại H. Núi Thành, một số khu vực thấp trũng, ruộng đồng bị ngập sâu do mưa lớn, nước sông ở khu vực này cũng dâng cao. Nhiều ao nuôi tôm của người dân ở xã Tam Xuân 1 (H. Núi Thành) bị nước sông Trường Giang tràn vào, người dân phải dùng lưới rào xung quanh để bảo vệ ao tôm. Những địa phương khác như H. Thăng Bình, H. Duy Xuyên nước cũng đang dâng lên nhanh, nhiều nơi bị ngập sâu.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động phòng chống thiên tai, mưa lũ.

Sạt lở tại tuyến đường ĐT610.

Đường Bạch Đằng (TP Hội An) ngập lũ do mưa lớn.

Đường ĐT601 ngập sâu trong nước, đoạn qua gầm cầu dự án đường La Sơn-Túy Loan, gần Trung tâm xã Hòa Bắc.

Đường lên thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, Hòa Vang,  Đà Nẵng) tê liệt

Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, nước sông Cu Đê dâng cao, từ sáng 1-11, tuyến đường ĐT601 từ Trung tâm xã Hòa Bắc, thôn Nam Yên, lên các thôn Tà Lang, Giàn Bí hầu như tê liệt… Cách UBND xã Hòa Bắc khoảng 1km, đoạn qua gầm cầu tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn-Túy Loan), do trước đây đơn vị thi công cầu đào móng trụ cầu đã khoét sâu xuống lòng đường ĐT601, nhưng chưa hoàn trả lại mặt bằng đường như cũ, nước từ sông Cu Đê tràn lên khiến đường bị ngập sâu gần 1m, người và các phương tiện giao thông không thể qua lại được, khiến giao thông tê liệt hoàn toàn…

Theo người dân, hơn 2 năm qua,  từ khi thi công tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan) qua xã Hòa Bắc, đường ĐT 601 qua xã Hòa Bắc mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở vật liệu xây dựng. Xe tải chở nặng, đường lại không được duy tu, sửa chữa, nhiều đoạn đường sạt lở, đất, đá rơi vãi biến thành những vũng bùn lầy, nước đọng vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

HOÀNG ANH-HỒNG THANH

Năm 2017, đúng 20 năm sau khi bão Linda tàn phá Nam Bộ, áp thấp nhiệt đới đã quay trở lại vùng biển Cà Mau. Theo báo cáo của Giám đốc Đài Khí tượng Thủy Văn tỉnh Cà Mau, hồi 7 giờ ngày 1-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,7 độ Vĩ Bắc, 117,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 -7 (40 - 60 km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km, Đến 7 giờ ngày 2-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc, 104,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 -60 km/giờ), giật cấp 9. Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn và vùng biển Cà Mau, nước biển có thể dâng cao từ 1,6-2,2m. Rút kinh nghiệm ''xương máu'' từ sau cơn bão Linda, ngư dân ở vùng biển Cà Mau đã nâng cao nhận thức, chú ý theo dõi thông tin dự báo áp thấp nhiệt đới hoặc các cơn bão, không còn chủ quan như trước đây. Tỉnh Cà Mau dự kiến tổ chức Lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào tử nạn trong cơn bão số 5 (bão Linda) tại xã Khánh Hội, H. U Minh, TT Sông Đốc, H. Trần Văn Thời và TT Cái Đôi Vàm, H. Phú Tân vào ngày 3-1.