Lựa chọn hình thức nhượng quyền thương mại phù hợp
Nhượng quyền thương mại (NQTM) được phân loại theo các hình thức khác nhau, có thể được phân loại theo phạm vi quyền được cấp cho bên nhận quyền (NQTM độc quyền, NQTM riêng lẻ, NQTM phát triển khu vực); theo khu vực (NQTM trong nước, NQTM từ người ngoài vào Việt Nam, NQTM từ Việt Nam ra nước ngoài); hoặc theo đối tượng NQTM. Dựa trên đối tượng NQTM, các bên có thể lựa chọn một trong các hình thức nhượng quyền dưới đây:
Một là, nhượng quyền phân phối sản phẩm (product distribution franchise). Hình thức này có phần khá giống với hoạt động đại lý thương mại. Theo đó, bên nhượng quyền vẫn là bên sản xuất các sản phẩm còn bên nhận quyền sẽ đóng vai trò phân phối sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, đương nhiên việc phân phối vẫn dưới tên thương hiệu của bên nhận quyền. Đây là hình thức mà bên nhận quyền sẽ không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ bên nhượng quyền ngoại trừ quyền sử dụng nhãn hiệu, biểu tượng và một số đối tượng khác tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên trong việc phân phối sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ trong một khu vực và khoảng thời gian nhất định. Loại hình NQTM này phổ biến nhất đối với các mặt hàng như : xăng dầu, ô-tô, khi mà chủ thương hiệu chỉ quan tâm đến việc mở rộng phân phối sản phẩm mà không đặt nặng về tiêu chuẩn hay hình thức của các cơ sở nhận nhượng quyền.
Hai là, nhượng quyền mô hình kinh doanh mẫu (mô hình kinh doanh toàn diện) hay còn gọi là NQTM sử dụng công thức kinh doanh (business format franchise/full business format franchise). Đây là hình thức nhượng quyền bao gồm hoạt động chuyển giao quy trình kinh doanh và cả phương thức điều hành, quản lý. Khác với nhượng quyền phân phối sản phẩm, trong hình thức này, bên nhượng quyền có trách nhiệm phải chuyển giao đầy đủ các kỹ thuật, mô hình kinh doanh, kể cả công thức điều hành quản lý và huấn luyện nhân viên. Các tiêu chuẩn của mô hình kinh doanh phải luôn được duy trì một cách đúng đắn. Mối quan hệ giữa các bên trong hình thức này hết sức chặt chẽ và liên tục. Ngoài ra, bên nhượng quyền còn có thể tham gia quản lý hoặc không bằng việc cung cấp người điều hành và quản lý doanh nghiệp nhận quyền. Mô hình nhượng quyền này thường được áp dụng trong các lĩnh vực như: nhà hàng, khách sạn, giáo dục và đang được áp dụng bởi nhiều thương hiệu nổi tiếng hiện nay như chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s, gà rán KFC...
Ba là, nhượng quyền sản xuất (manufacturing or processing arrangement). Trong hình thức nhượng quyền này, bên nhượng quyền sẽ chuyển giao cho bên nhận quyền một công thức hoặc một quy trình để sản xuất ra sản phẩm và tiếp thị nó theo tiêu chuẩn của bên nhượng quyền đưa ra. Loại hình nhượng quyền này thường dễ bắt gặp trong các lĩnh vực sản xuất nước đóng chai, thực phẩm và dược phẩm. Trong đó, bên nhượng quyền cung cấp các bí quyết sản xuất, sáng chế cho bên nhận quyền và cũng có thể là nhà cung cấp chủ yếu các nguyên liệu cho bên nhận quyền.
Mỗi hình thức NQTM đều có những đặc điểm riêng, do đó, tùy vào mục đích kinh doanh, ngân sách hay các tiêu chí hoạt động mà các bên nên đánh giá và đưa ra hình thức nhượng quyền phù hợp. Nếu bạn đang có ý định NQTM, dù ở vai trò nhận quyền hay nhượng quyền, đều cần phải có sự nghiên cứu và tham khảo kỹ các hình thức nhượng quyền trước khi thực hiện.
Chuyên mục này có sự cộng tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng.
Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456, 0903573138