Lựa chọn khó khăn

Thứ sáu, 30/10/2015 09:13

(Cadn.com.vn) - Những ưu điểm vang dội của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang khiến Thái Lan đứng trước lựa chọn khó khăn: chuyển hướng tham gia TPP hay tiếp tục theo đuổi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Trên thực tế, TPP hiện đang trở thành một từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất ở Thái Lan với 82 triệu kết quả trong khi RCEP chỉ có 80.000 kết quả. Những con số này nói lên điều gì? Thứ nhất, rõ ràng, nó phản ánh tầm quan trọng của TPP, hiện bao gồm 12 quốc gia tham gia và chiếm 40% thương mại toàn cầu. Thứ hai, việc người Thái quan tâm TPP cũng có thể bắt nguồn từ việc thỏa thuận này do Mỹ dẫn đầu. Lý do thứ hai có vẻ là câu trả lời hoàn hảo. Thái Lan đặc biệt chú ý TPP, nhất là khi Nhà Trắng quyết định “loại trừ” Trung Quốc ra khỏi thỏa thuận này bất chấp sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh và quyết tâm để trở thành một siêu cường toàn cầu mới.

Đáp lại, Trung Quốc cũng đang làm việc chăm chỉ để “khai sinh” RCEP – với sự tham gia của 10 quốc gia ASEAN và 5 quốc gia khác trong nhóm ASEAN+6 gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, New Zealand và Hàn Quốc. Mỹ cũng bị gạt khỏi thỏa thuận thương mại này. Vào tháng tới, bàn đàm phán về RCEP sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia, sau khi các cuộc đàm phán chính thức mở màn vào năm 2012, 7 năm sau TPP.   Nếu được ký kết, hiệp định thương mại tự do khu vực này sẽ tạo ra khối kinh tế lớn chiếm gần 30% thương mại thế giới với tổng dân số khoảng 3,4 tỷ người.

Thái Lan không tham gia TPP mà chỉ theo đuổi RCEP. Nhưng sức ảnh hưởng lan tỏa của TPP đang khiến Bangkok đứng trước ngã ba đường. Trên thực tế, hồi tháng 11-2013, chính phủ Thủ tướng Yingluck lúc đó đã công bố ý định tham gia TPP. Tuy nhiên, khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền sau khi lật đổ bà Yingluck, việc này dường như đi vào quên lãng. Thủ tướng Prayut mới đây tuyên bố, Thái Lan sẽ quyết định có nên tham gia TPP hay không vào cuối năm 2017.

Ông Prayut đã đúng khi tuyên bố như vậy. Bởi tất cả các nước thành viên TPP cũng cần hơn 1 năm để phê chuẩn thỏa thuận này. Tuy nhiên, các điều khoản theo thỏa thuận TPP đã được ký kết và Bangkok khó có thể bổ sung thêm theo yêu cầu. Vấn đề đặt ra là nếu tham gia TPP, Thái Lan phải cải thiện các biện pháp bảo vệ Sở hữu trí tuệ (IP) cho các loại dược phẩm, trong đó có thể làm tăng chi phí hoạt động cho các Cty dược trong nước. Đây là bài toán khó.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực tăng tốc các cuộc đàm phán RCEP. Điều gì xảy ra nếu RCEP được ký kết vào năm 2016? Nếu Thái Lan ký kết RCEP trước và sau đó áp dụng các cơ chế đó để gia nhập TPP, Bangkok có thể phải đối mặt với một số hình thức trả đũa từ Washington và các đồng minh. Khi hai người khổng lồ “vờn nhau”, một quốc gia nhỏ bé như Thái Lan không đủ khả năng chống đỡ. Và điều tốt nhất Bangkok có thể làm bây giờ là nghiên cứu tác động của cả hai thỏa thuận này để sớm đi đến quyết định cuối cùng.

Thanh Văn