Lừa đặt phòng khách sạn qua mạng xã hội: Chiêu cũ, mánh khóe mới

Thứ năm, 10/08/2023 16:28
Nắm bắt nhu cầu nghỉ dưỡng của nhiều du khách vào dịp hè, các đối tượng tội phạm đã lập ra những hội nhóm giả mạo những resort, khách sạn nổi tiếng, công ty lữ hành, phòng bán vé máy bay... với "chiêu" bán, thanh lý combo nghỉ dưỡng hay cho thuê phòng giá rẻ, nhưng thực chất là lừa đảo.
Nội dung trao đổi đặt phòng của chủ trang Villa resort Nha Trang giả mạo với chị L.
Du khách cẩn thận khi đặt phòng qua mạng

Những vụ mất tiền lãng xẹt

Ngày 29/7, chị Nguyễn Thị L. (trú phường Vĩnh Phước, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết đã bị kẻ xấu lừa đảo khi đặt phòng nghỉ dưỡng ở một resort ở Bãi Dài. Trước đó, qua giới thiệu của bạn bè, chị liên hệ với fanpage Villa resort Nha Trang đặt 3 phòng khách sạn ở khu resort C.R với tổng tiền 18 triệu đồng (lưu trú 2 đêm). Sau khi thỏa thuận, chồng chị đã chuyển khoản 9 triệu đồng (50%) vào tài khoản Nguyễn Thị Kim Sang ở Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) theo yêu cầu của chủ trang fanpage Villa resort Nha Trang. Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển tiền thành công, chị liên hệ lại thì người này không bắt máy và khóa luôn trang fanpage. "Tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, tìm ra kẻ xấu để xử lý nghiêm hành vi lừa đảo của chủ trang fanpage Villa resort Nha Trang giả mạo", chị L. bức xúc.

Trước đó, một số khách du lịch cũng phản ánh tình trạng bị kẻ xấu lừa đảo khi đặt phòng, mua vé máy bay qua mạng để đi du lịch ở TP.Nha Trang. Đồng thời, một số người ở tại TP.Nha Trang cũng đã bị lừa khi đặt phòng khi du lịch ở các địa phương khác. Cụ thể, du khách Võ Thị N. (trú Khánh Hòa) đăng tải lên mạng xã hội về nhu cầu nghỉ dưỡng ở Khánh Hòa. Một người xưng tên Lê Nguyễn Minh Huy đã liên hệ và tư vấn cho chị N. nghỉ dưỡng ở một resort ở Bãi Dài giá 12 triệu đồng cho 4 phòng, 2 đêm nghỉ. Lý giải về giá rẻ như vậy, Huy bảo rằng do khách hủy phòng phút cuối nên thanh lý. Để chắc ăn, chị N. liền gọi đến đường dây nóng của khu resort này để xác nhận thông tin về việc Huy đã đặt phòng và thanh toán hết. Sau khi được xác nhận, chị N. chuyển cho Huy 12 triệu đồng...

Tuy nhiên, khi gia đình chị N. đến nhận phòng thì resort lại xác nhận phòng booking chưa thanh toán. Chị N. buộc phải mua trực tiếp tại resort phòng mới với giá hơn 13,5 triệu đồng cho 3 phòng/đêm. Qua điều tra, cơ quan công an xác minh Lê Nguyễn Minh Huy đã lừa đảo nhận tiền đặt phòng khách sạn tại các khu nghỉ dưỡng trên địa bàn Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt... Thủ đoạn của đối tượng này là chuyển một số tiền nhỏ đến tài khoản của các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, sau đó chỉnh sửa hình ảnh báo giao dịch chuyển tiền để khách sạn và cả khách du lịch nhầm tưởng Huy đã chuyển đủ tiền đặt phòng, yêu cầu khách chuyển tiền cho Huy.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Vi H. (trú TP.Nha Trang) cũng mất 4,5 triệu đồng khi đặt phải phòng "ảo" ở Đà Lạt. Tìm trên Facebook thấy trang Booking Villa Dalat với 40.000 lượt thích nên chị tin tưởng đặt biệt thự cho cả nhóm bạn đi du lịch. Trước khi chuyển tiền cọc phòng nghỉ, chị cẩn thận yêu cầu chủ Facebook đưa chứng minh nhân dân để kiểm chứng. Thấy tên ở chứng minh dân dân trùng với tên chủ tài khoản ngân hàng Lê Công Hậu nên chị H. tin tưởng, không hề hay biết giấy tờ trên là giả. Sau khi chuyển tiền cọc xong, chị H. không liên hệ được với Hậu nên gọi điện tới villa, lúc đó mới biết mình bị lừa.

Du khách cần kiểm chứng thông tin

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, chỉ cần vài thao tác, khách hàng sẽ nhanh chóng có được hàng loạt địa điểm khách sạn, hình ảnh lẫn giá cả dịch vụ liên quan. Tận dụng lợi thế này, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng nhu cầu thuê phòng tăng cao dịp hè, lễ, Tết để đăng bài giới thiệu cho thuê khách sạn, villa, homestay giá rẻ.

Tinh vi hơn, khi khách du lịch có nhu cầu thuê, các đối tượng sẽ liên hệ qua tin nhắn Messenger, Zalo để giới thiệu về các dịch vụ đi kèm mà khách du lịch quan tâm. Thủ đoạn này khiến du khách nhầm tưởng đối tượng là chủ của khách sạn, villa, homestay. Để tăng thêm sự tin tưởng cho khách du lịch, các đối tượng còn chụp hình, quay video, thậm chí livestream khu nghỉ cho khách xem. Khi đồng ý với giá thuê phòng, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền cọc từ 30-50% giá trị thuê phòng.

Thực tế cho thấy, tình trạng lừa đảo đặt phòng trên mạng đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính là người dân nhẹ dạ, cả tin, không nắm rõ thông tin về trang web, tài khoản Facebook, thông tin về địa chỉ liên hệ của công ty du lịch, lữ hành trước khi tiến hành giao dịch; không kiểm tra xem các công ty đã đăng ký hoạt động kinh doanh hay chưa. Khi đặt phòng trực tuyến khách hàng cũng không tìm hiểu kỹ thông tin về số lượng, loại phòng, địa chỉ khách sạn...

Nội dung trao đổi đặt phòng của chủ trang Villa resort Nha Trang giả mạo với chị L.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo lại thường thay đổi liên tục các phương thức, thủ đoạn như dành nhiều thời gian nghiên cứu, trao đổi và tư vấn nhiệt tình nhằm tạo lòng tin với khách hàng; tự nhận mình là chủ khách sạn lớn và do khách hàng quá đông trong khi nhân viên tư vấn đang rất bận nên tư vấn trực tiếp và sẵn sàng giảm giá 50%, khuyến mãi thêm nhiều phần quà hấp dẫn nếu đặt phòng sớm.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lừa đảo này người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ. Chỉ nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân và uy tín. Đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ; chọn các trang mạng có dấu tích xanh, có uy tín và biết rõ thông tin người bán. Ngoài ra, du khách cần tự bảo vệ

mình bằng cách kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, tra cứu trên hệ thống, lấy số điện thoại có đăng ký Zalo gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc. Cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn 30% đến 50% so với giá chung của thị trường.

Theo CATP