Lửa nhiệt tâm của cô giáo đa tài

Thứ năm, 28/04/2016 10:12

(Cadn.com.vn) - "Nhỏ mà có võ", "Bé hạt tiêu", "Không phải dạng vừa đâu",  "Cô biết tuốt", "Vua đầu bếp"… là những biệt danh, cách gọi đầy tình cảm mà đồng nghiệp và học trò dành cho cô Hoàng Thị Quỳnh Giao (33 tuổi), GV môn Ngữ văn Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Đa năng

23 tuổi tốt nghiệp ĐHSP Đà Nẵng, cô Quỳnh Giao về công tác tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn, ngôi trường vùng ven và có nhiều học sinh cá biệt. Lúc đó nhiều người e ngại, lo lắng cho cô Giao bởi với ngoại hình nhỏ nhắn như học sinh, việc đứng lớp dạy cấp 3 sẽ là một khó khăn chứ đừng nói là làm chủ nhiệm tụi học trò lớn tướng và ngỗ nghịch. Thế nhưng bằng bản lĩnh "nhỏ mà có võ", cô Giao đã nhanh chóng xua tan mọi e ngại, khiến đồng nghiệp và học trò khâm phục, yêu mến. Theo lời nhiều đồng nghiệp, lớp nào cô Giao chủ nhiệm cũng ngon lành hết. Có những lớp trước đây bết bát, cá biệt, luôn ở vị trí bét bảng, nhưng khi cô Giao ngồi vào ghế chủ nhiệm lớp đã vươn lên tốp đầu bảng xếp hạng thi đua. "Chưa kết thúc năm học mà lớp 10/4 (niên khóa 2006-2009) đã kéo lên gặp Ban giám hiệu "đặt hàng" xin cô Giao chủ nhiệm tiếp 2 năm lớp 11 và 12. Điều đó cho thấy sự thành công, sự yêu mến của học trò dành cho cô giáo trẻ Quỳnh Giao",  Phó hiệu trưởng Huỳnh Thị Minh Nguyệt nhớ lại.

Bày tỏ về cô Quỳnh Giao, em Văn Thị Khánh Linh (lớp 10/1) nói một cách say sưa: "Ấn tượng đầu tiên của chúng em về cô Giao là dáng người nhỏ nhắn, đặc biệt là chất giọng to, rõ. Không giống như bao giáo viên dạy văn khác, phương pháp dạy của cô rất thoải mái, hài hước khiến cho chúng em không còn xem môn văn là một liều thuốc ngủ kinh niên. Với môn văn, cô không ép chúng em đến việc học thuộc khô khan, thậm chí còn khuyến khích học sinh dùng sách giải, tài liệu tham khảo nhưng mục tiêu quan trọng là phải hiểu sâu, hiểu rộng, biết xử lý các dạng bài tập và biết vận dụng kiến thức, kỹ năng cho những nhận xét, đánh giá của mình. Vì vậy mà cách ra đề và chấm bài của cô rất đặc biệt, không lẫn vào đâu được. Trong mắt chúng em, cô Giao còn là một người bạn gần gũi, vui vẻ. Từ những vấn đề nóng hổi như chụp ảnh "tự sướng" đăng Facebook, những hình tượng "soái ca", đến những cuốn ngôn tình... đều được cô bình luận một cách thú vị, sâu sắc, nhưng đầy tính định hướng giáo dục. Mọi lúc mọi nơi, cô đều có khả năng mang đến nụ cười cho học trò, khi là thơ ca, khi là những bài hát, khi là câu chuyện hài... giúp học trò xả tress và tiếp thêm năng lượng".

Còn với học trò chủ nhiệm được học, được tiếp xúc nhiều hơn thì coi cô Giao như "thần tượng", bởi sự đa năng, đa tài mà lại gần gũi, thân thiện và... chịu chơi. Từ hát, múa, dẫn chương trình, cắm hoa, nấu ăn, đạo diễn kịch, tiểu phẩm... cô đều biết tuốt.  Trong mọi hoạt động, nhất là hội trại, ngày hội văn hóa dân gian, văn nghệ, ngoại khóa, cô đều lăn xả, chơi hết mình chẳng khác nào... một học sinh. Chính điều này khiến học sinh thích thú và yêu mến. Nhờ vậy có chuyện gì học sinh cũng tin tưởng, tâm sự với cô, nhất là lớp chủ nhiệm.

Em Minh Ánh (học lớp 12/9) bày tỏ: "Dù không phải lúc cũng có mặt ở trường nhưng chuyện gì của lớp cô Giao cũng đều biết. Từ thông tin trong lớp như mất trật tự, đi trễ, trốn tiết, nói chuyện riêng, không học bài cũ đến những thông tin diễn ra bên ngoài cũng được cô biết tường tận. Tùy từng trường hợp mà cô dùng  "chiêu" để xử lý, và chiêu nào cũng nhận được sự tâm phục khẩu phục của cả lớp".

Cô Quỳnh Giao (ngoài cùng bên trái) cùng tham gia văn nghệ ngoại khóa với học sinh.

Lửa nhiệt tâm

Dù được học sinh, đồng nghiệp đánh giá là một giáo viên chủ nhiệm (GVCN) giỏi nhưng cô Giao chỉ thừa nhận mình là giáo viên được nhiều học sinh quý mến. Chia sẻ về kinh nghiệm làm tốt công tác chủ nhiệm, cô Giao cho biết: "Điều quan trọng nhất của người GVCN là sự nhiệt tâm. Bởi trong cuộc sống còn bộn bề lo toan, nhiều giáo viên thường chỉ làm hết nhiệm vụ được giao chứ không có sự lăn xả, hòa đồng cùng các em. Thực tế cho thấy, để đạt được sự thành công nhất định trong bất kì hoạt động nào, GVCN cũng phải theo sát các em. Đặc biệt, với các tập thể còn yếu kém, không có hạt nhân, thì sự nỗ lực của GVCN lại nhiều hơn gấp bội. Còn trong việc uốn nắn, giáo dục các em thì phải chịu khó đi sâu với đời sống tâm tư tình cảm của các em, lắng nghe tiếng nói của các em, thường là "vừa dạy vừa dỗ". Khi mình quan tâm, sâu sát và tận tình với lớp thì học sinh sẽ tin tưởng tâm sự khi gặp khó khăn hay báo cáo vụ việc mâu thuẫn nhờ giải quyết... Nói chung là vất vả nhưng rất vui. Một khi không nhiệt tâm, bạn sẽ không thể nào làm được điều đó".

Theo cô Giao, để làm tốt công tác chủ nhiệm, giáo viên cũng cần có các kỹ năng sinh hoạt tập thể. Thường thì ở trường ĐHSP, sinh viên chỉ được học về kiến thức chuyên môn, ít có cơ hôi tham gia vào việc rèn luyện kĩ năng. "Vì thế, bạn cần tham gia tích cực các hoạt động Đoàn, CLB Đội nhóm, để có thể học hỏi những kỹ năng mà theo tôi rất cần thiết cho công tác chủ nhiệm lớp sau này. Ngày còn là sinh viên, tôi từng là thành viên rất tích cực của Đội Công tác xã hội sinh viên trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng. Bây giờ, khi làm công tác chủ nhiệm, tôi lại đem những "chiêu" ngày ấy để truyền lửa cho các em", cô Giao chia sẻ.

Hoài Thuận