Luật Báo chí 2016 xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động báo chí trong giai đoạn mới

Thứ bảy, 29/10/2016 09:18

(Cadn.com.vn) - Ngày 28-10, tại TP Cần Thơ, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Báo chí 2016 cho lãnh đạo các Sở TT&TT, các cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào). Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ và hơn 200 đại biểu của các tỉnh thành.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhận xét, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua đã phát sinh nhiều vấn đề vượt ra ngoài các quy định của pháp luật hiện hành. Cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề kinh tế báo chí. Quy định về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, quyền và nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, các hành vi bị cấm, cung cấp thông tin cho báo chí, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí... chưa điều chỉnh kịp thời... Hơn nữa, các quy phạm về báo chí được quy định trong nhiều văn bản, phân tán, chồng chéo cần được pháp điển hóa đưa vào luật để nâng cao tính pháp lý và thuận lợi cho việc thực hiện.

Đại biểu tham dự hội nghị trao đổi một số vấn đề còn vướng mắc trong Luật Báo chí 2016
với lãnh đạo Cục Báo chí.

Để khắc phục những vấn đề trên, đáp ứng yêu cầu phát triển và quản lý hoạt động báo chí trong tình hình mới, Quốc hội đã thông qua Luật Báo chí năm 2016 với 6 chương 61 điều (tăng 25 điều); trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi bổ sung các quy định của luật báo chí hiện hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017.

Hội nghị đã tập trung giới thiệu về những điểm mới của Luật Báo chí 2016, trong đó tập trung phân tích sâu những quy định mới của luật và việc xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành sắp tới, như: Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận của công dân; Đối tượng thành lập cơ quan báo chí; Liên kết trong hoạt động báo chí; Quyền tác nghiệp của báo chí; Quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo; Hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; Cải chính và xử lý vi phạm; Pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí.

Q.Phúc