Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo bắt đầu có hiệu lực: Giảm chồng chéo trong quản lý tài nguyên biển, hải đảo

Thứ bảy, 02/07/2016 10:33

(Cadn.com.vn) - Kể từ ngày 1-7, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo bắt đầu có hiệu lực. Từ đây, việc quản lý tài nguyên và môi trường biển và hải đảo theo hướng tổng hợp, thống nhất chính thức được luật hóa và kỳ vọng mang lại hiệu quả cao trong sử dụng tài nguyên và quản lý môi trường biển, đảo của nước ta.

Cơ sở pháp lý quan trọng

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: Sự ra đời của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ tạo cơ sở pháp lý quy định cụ thể về cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động... giúp các địa phương ven biển xác định phương hướng, mục tiêu và định hướng sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đảo và khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đảo. Từ đó giúp cho công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo của các địa phương ven biển có nhiều chuyển biến tích cực, giảm thiểu được sự chồng chéo, tranh chấp quyền lợi giữa các bên liên quan trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển, hải đảo, góp phần định hướng phát triển kinh tế biển theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 10 chương, 81 điều. Đây là công cụ hữu ích về quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan và cá nhân trong quản lý sử dụng tài nguyên, môi trường biển. Nội dung cơ bản của Luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc các nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp biển và hải đảo; quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển...

Lý giải về tính tổng hợp trong quản lý tài nguyên biển và hải đảo trong nội dung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Sĩ Tuấn cho rằng: Việc quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo với phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò định hướng, điều phối các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực; giúp khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển, hải đảo; thống nhất các hoạt động quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo phát triển bền vững biển và hải đảo.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, sự ra đời của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ góp phần định hướng phát triển kinh tế biển theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong ảnh: Một góc Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam).

Tăng cường quản lý vùng bờ

Ngay từ năm 2000, TP Đà Nẵng đã thực hiện dự án thí điểm quản lý tổng hợp vùng bờ. Cũng từ năm 2000, Chính phủ Hà Lan đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện dự án quản lý tổng hợp vùng bờ thí điểm tại Nam Định, Thừa Thiên - Huế và Bà Rịa - Vũng Tàu. Công tác này tiếp tục được triển khai trên diện rộng theo Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 từ năm 2007. Nguyên tắc quản lý tổng hợp biển, hải đảo được Luật Tài nguyên, môi trường biển, hải đảo bám sát mục tiêu nhằm quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo trên các vùng biển của nước ta bằng phương thức quản lý tổng hợp. Do vậy, Luật chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể. Điều đó sẽ tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng với các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo các chuyên gia, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định các nguyên tắc, chế định rất mới như quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo phải dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, quyền tiếp cận của người dân với biển, nghiêm cấm các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn. Bởi việc quản lý tổng hợp không phải là thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò định hướng, điều phối các hoạt động quản lý ngành nên xét về trách nhiệm, Luật chỉ rõ: “Trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành trong quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển và hải đảo đối với các loại tài nguyên cụ thể đã được quy định và thực hiện theo pháp luật chuyên ngành (như pháp luật về thủy sản, khoáng sản, dầu khí, du lịch...); trách nhiệm bảo vệ môi trường biển cũng được quy định trong pháp luật bảo vệ môi trường”.

Luật chỉ tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Đồng thời, Luật chỉ rõ: Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, để bảo đảm yêu cầu của công tác quản lý tổng hợp theo hướng bền vững.

Biên Thùy – V.H