Lùi một bước, tiến ba bước !
(Cadn.com.vn) - Việc Trung Quốc bất ngờ tuyên bố sẽ sớm hoàn thành việc cải tạo đất ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông vẫn đang đặt ra nhiều dấu hỏi lớn, dù ai cũng hiểu, ngụ ý của Bắc Kinh là "chúng tôi đang tiến gần tới việc thiết lập các tiền đồn mới tại vùng biển trung tâm ở Đông Nam Á".
Nhiều người nghi ngờ đây có phải là một sự thỏa hiệp ngầm nào đó giữa Mỹ và Trung Quốc hay chỉ là chiến lược mới của Bắc Kinh. Thực tế cho thấy, Bắc Kinh đã thách thức Mỹ - quốc gia tuyên bố tái tập trung ưu tiên Châu Á-Thái Bình Dương - khi liên tiếp tăng cường cải tạo đất tại các hòn đảo nhỏ ở biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vô lý gần như 90%. Trung Quốc hiện bổ sung được hơn 2.000 mẫu đất, một số trong đó được nhắm mục tiêu làm bãi đáp máy bay quân sự.
Đây là nguyên nhân khiến Lầu Năm Góc mới đây tuyên bố có kế hoạch điều tàu chiến và máy bay đến khu vực này, động thái rõ ràng nhằm cảnh báo Trung Quốc. Vì vậy, nhiều người cho rằng, việc Bắc Kinh tuyên bố sẽ ngừng xây dựng đảo mới tại các vùng biển tranh chấp ở biển Đông là nỗ lực rõ ràng để trấn an các nước láng giềng và Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại đây chỉ là chiến lược "lùi một bước, tiến ba bước" của Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 17-6 cũng cho rằng, mặc dù họ biết Trung Quốc có kế hoạch hoàn tất một số hạng mục xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông trong những ngày tới, song vẫn quan ngại về kế hoạch xây dựng tiếp theo của Bắc Kinh, trong đó có các công trình dành cho mục đích phòng thủ quân sự. "Tuyên bố lần này của Trung Quốc không góp phần làm giảm căng thẳng, hỗ trợ các giải pháp hòa bình và ngoại giao, hay giúp củng cố những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Bắc Kinh", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Trong khi đó, tờ WSJ cũng cho rằng, việc xây dựng trên những hòn đảo của Trung Quốc có thể báo hiệu sẵn sàng tìm kiếm sự thỏa hiệp với Washington và các bên tranh chấp ở biển Đông trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến trong tháng 9 tới. "Đây là một bước để Bắc Kinh tiến đến việc ngừng cải tạo đất như Mỹ đã yêu cầu, đồng thời, Trung Quốc có thể mạnh miệng tuyên bố "đã hoàn thành được những gì họ muốn làm", Huang Jing, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Singapore cho biết. Theo ông, đó là "một công đôi việc".
Theo giới phân tích, mặc dù Trung Quốc sẽ tạm ngừng việc xây dựng trên các đảo và đá ngầm, Washington vẫn nghi ngờ hành động của Bắc Kinh như là cố gắng thiết lập một hiện trạng mới, mà Mỹ không có ý định chấp nhận. Và thực tế, căng thẳng ở biển Đông vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thanh Văn