Lùi một bước, tiến hai bước
(Cadn.com.vn) - Là người “kiến tạo” bất ổn đáng kể trong khu vực Đông Á với các chính sách dân tộc của mình, Thủ tướng Abe dường như đang nỗ lực để giảm bớt căng thẳng với các nước láng giềng.
Hồi tháng trước, ông Abe cam kết duy trì “Tuyên bố Kono 1993”, trong đó Nhật Bản thừa nhận tội và xin lỗi các “phụ nữ mua vui” trong Thế chiến II. Tokyo cũng khẳng định không sửa đổi “Tuyên bố Murayama 1995”, trong đó cựu Thủ tướng Murayama xin lỗi về hành động xâm lược Châu Á của đế quốc Nhật Bản trong chiến tranh.
Những nhượng bộ này mở đường cho ông Abe có cuộc hội đàm chính thức đầu tiên với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye kể từ khi hai nhà lãnh đạo lên nắm quyền. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân ở The Hague hôm 25-3.
Sự đảo chiều trong chính sách ngoại giao của ông Abe dường như là chính sách lặp lại của việc “xoay lập trường hiếu chiến” trong thời gian đầu tiên làm thủ tướng (2006-2007). Ông Abe bước vào nhiệm kỳ đầu tiên với chương trình nghị sự bảo thủ, kêu gọi “một sự khởi đầu từ chế độ sau chiến tranh”.
Nhưng cũng giống như hiện nay, ông giảm bớt tính chủ nghĩa dân tộc. Năm 2007, hy vọng sửa chữa mối quan hệ với Bắc Kinh và Seoul, vốn đạt mức thấp nhất dưới người tiền nhiệm Junichiro Koizumi, ông Abe không đến thăm đền chiến tranh Yasukuni gây tranh cãi trong dịp kỷ niệm kết thúc Thế chiến II. Tuy nhiên, thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 năm đó buộc ông bỏ lại những mục tiêu đang ấp ủ.
Nhưng không điều gì là dễ dàng. Ông Abe sau đó nhiều lần tuyên bố hối tiếc không đến thăm đền Yasukuni trong nhiệm kỳ đầu tiên làm thủ tướng. Và do đó, không có gì ngạc nhiên khi vào cuối năm ngoái, ông đến thăm ngôi đền gây tranh cãi này đánh dấu kỷ niệm 1 năm nhiệm kỳ thứ hai.
Tuy nhiên, chuyến thăm mở đầu hàng loạt thất bại ngoại giao của ông Abe, cuối cùng buộc ông lại đổi hướng. Khi bắt đầu Hội nghị Thượng đỉnh 3 bên ở The Hague, hình ảnh Thủ tướng Abe mỉm cười nói chuyện với Tổng thống Park liên tục được truyền đi. Về phần mình, bà Park vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị. Sự thân thiện của ông Abe dường như nhắm mục tiêu chứng tỏ cho cả thế giới biết rằng, ông hoàn toàn nghiêm túc trong nỗ lực giảm căng thẳng với các nước láng giềng.
Trong tương lai, ông Abe có nhiều cơ hội gặp gỡ bà Park cũng như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các cuộc họp có khả năng diễn ra bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ tại New York vào giữa tháng 9, Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bắc Kinh, hay Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Brisbane (Australia) vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, cơ hội cho một bước đột phá rất mong manh.
Và có lẽ, người ta phải đợi đến năm 2015 khi Nhật Bản kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ với Hàn Quốc và 70 năm kết thúc Thế chiến II. Ông Abe chắc chắn sẽ có tuyên bố riêng trong hai dịp kỷ niệm nhạy cảm này. Nhưng trong các tuyên bố của mình, thông thường ông Abe rất hiếm khi nói về lịch sử trước chiến tranh của Nhật Bản.
Thay vào đó, ông có thể sẽ tập trung vào sự phát triển ấn tượng sau chiến tranh. Điều này một lần nữa khơi dậy tình cảm chống Nhật tại Seoul và Bắc Kinh. Và một lần nữa, 70 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, chương bi thảm của lịch sử sẽ thắp lên ngọn lửa căng thẳng ở Đông Bắc Á.
Và người ta tự hỏi, liệu có phải ông Abe đang thực hiện chính sách lùi một bước để tiến hai bước hay không?
Thanh Văn