Luồng gió mới cho tranh đồ họa Đà Nẵng

Thứ hai, 08/12/2014 09:09

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, nghệ thuật đồ họa tranh in tại Đà Nẵng dần lấy lại vị trí trong phong trào sáng tác tranh mỹ thuật của nhiều họa sĩ. Đó là một cuộc chơi nghệ thuật thị giác đầy màu sắc tươi tắn, hình khối đơn giản nhưng sống động, gần gũi với đời sống.

Nhiều năm trước, so với các chuyên ngành mỹ thuật khác như sơn dầu, sơn mài, điêu khắc thì tranh đồ họa từng là lĩnh vực xa lạ với nhiều người bởi sự phức tạp trong khâu thể hiện (bản in), cứng nhắc trong một khuôn khổ nhất định, chưa tiếp cận được xu hướng sáng tác mới trên thế giới. Theo anh Phan Tiến Dũng, hội viên CLB Đồ họa Đà Nẵng, đồ họa là một phần của mỹ thuật, ưu điểm của loại tranh này là có nhiều chất liệu sáng tác, áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau như in kẽm, in đồng, in mica, in hóa chất... tạo nên những sản phẩm phong phú và đa dạng, có thể nhân bản thành một dòng sản phẩm thị trường có chất lượng, hoặc sáng tác dưới dạng độc bản, mang dấu ấn cá nhân.

Họa sĩ Huỳnh Thị Thắng, Phan Thanh Hải (từ phải qua) cùng đồng nghiệp sáng tác tranh đồ họa trong Xưởng mỹ thuật tại Trường TH Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng.

Một bức tranh đồ họa đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc lên ý tưởng và kỹ thuật thực hiện nó. Người họa sĩ cần nắm bắt nguyên lý về chất hóa chất, về màu sắc và cách pha trộn để có được màu sắc ưng ý. Ở mức độ làm quen với dòng tranh đồ họa, bằng kỹ thuật đơn giản, mỗi người đều có thể tự sáng tác một bức tranh trong vòng vài phút, thậm chí vài giây. Tuy nhiên, với những bức tranh đồ họa có kỹ thuật phức tạp, đạt đến "yếu tố cá nhân" đòi hỏi tính tỉ mẩn, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức cũng như mua sắm trang thiết bị hỗ trợ. Nhiều họa sĩ ngại tiếp cận dòng tranh này, sinh viên chọn một lối đi khác đơn giản, ít phức tạp hơn. Đây là một thực tế khiến dòng tranh đồ họa thời gian qua ít được quan tâm sáng tác và trong các cuộc triển lãm mỹ thuật, nó ít xuất hiện ở vị trí trang trọng, bảo đảm yếu tố dễ "nhìn" và khó gặt hái giải thưởng.

Họa sĩ Lê Huy Hạnh, Chủ tịch CLB Đồ họa Đà Nẵng cho biết, các phương tiện, trang thiết bị in ấn chuyên ngành chỉ ở trường mỹ thuật mới có nên hầu hết họa sĩ đồ họa hiện nay vẫn khai thác phương tiện in thủ công để thực hiện tác phẩm. Hiện nay, Đà Nẵng chưa có một họa sĩ sáng tác tranh đồ họa đúng nghĩa. Để sống được với nghề, mỗi người đều phải bươn chải ở các lĩnh vực khác thuộc chuyên ngành mỹ thuật. Ngoài ra, người trong nghề ít thích dòng tranh này là một thực tế đáng buồn và người mua tranh ít chọn tranh đồ họa nên họa sĩ chuyển qua sáng tác các chất liệu dễ bán ra thị trường.

Tại Đà Nẵng, một số họa sĩ trẻ được đào tạo thạc sĩ Nghệ thuật thị giác tại Thái Lan như Phan Thanh Hải, Huỳnh Thị Thắng (cùng là giảng viên khoa Mỹ thuật, Trường Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng) khi trở về đã góp phần nâng cao chất lượng phong trào sáng tác tranh đồ họa của TP. Huỳnh Thị Thắng chọn cách sáng tác trên chất liệu mica-một chất liệu mới có sự kết hợp bố cục, đường nét, màu sắc hài hòa tạo nên dấu ấn riêng, được Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu tham gia giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trong 2 năm liên tiếp, đạt giải B tại Triển lãm khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên tại Đà Nẵng năm 2013.

Theo chị, thời gian 2 năm theo học tại Thái Lan giúp chị tiếp cận một số kỹ thuật mới như in mica, collograph, nghệ thuật sắp đặt kết hợp đồ họa trên máy tính... Để khơi dậy phong trào sáng tác tranh đồ họa ở Đà Nẵng, tháng 10-2014, CLB Đồ họa Đà Nẵng (thuộc Hội Mỹ thuật Đà Nẵng) được thành lập gồm 30 thành viên, xây dựng quy chế hoạt động tập trung vào các nội dung như phổ biến kỹ thuật đồ họa mới theo xu hướng mỹ thuật đương đại, tổ chức các wordshop (trại sáng tác), vận động kinh phí triển lãm với hy vọng tạo thành phong trào sáng tác mới trong giới họa sĩ, nhà điêu khắc tại Đà Nẵng. Theo họa sĩ Phan Thanh Hải, CLB sẽ từng bước trở thành cầu nối giữa thế hệ họa sĩ đàn anh với họa sĩ trẻ, học sinh, sinh viên ngành mỹ thuật.

Cách đây hơn nửa tháng, CLB Đồ họa Đà Nẵng tổ chức Workshop Đồ họa Đà Nẵng lần thứ nhất thu hút hơn 20 họa sĩ và 50 học sinh, sinh viên ngành mỹ thuật tham gia, dự kiến trung tuần tháng 12 - 2014 sẽ tổ chức Triển lãm đồ họa Đà Nẵng lần đầu tiên. Hy vọng phong trào này sẽ tiếp tục duy trì và phát triển trong thời gian đến nhằm góp phần xây dựng nền mỹ thuật Đà Nẵng ngày càng vững mạnh, khẳng định vai trò, vị trí của mỹ thuật nói chung, đồ họa nói riêng tại khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên.

Huỳnh Lê