Lý do Quảng Nam đề nghị bãi bỏ Chương trình Sữa học đường cho trẻ vùng cao
Lý giải cho vấn đề trên, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay Thông tư số 31/2019 ngày 5-12-2019 của Bộ Y tế đã bị bãi bỏ và chưa có văn bản pháp lý cụ thể nào hướng dẫn về quy định chất lượng dinh dưỡng cho sữa dùng để cung cấp cho chương trình sữa học đường; không có tiêu chuẩn cụ thể để đáp ứng quy định về đấu thầu. Do đó, việc thực hiện NQ 17 không có cơ sở để tiếp tục triển khai.
Tuy nhiên, để góp phần nâng cao hiệu quả, tiếp tục phát huy ý nghĩa nhân văn của chương trình sữa học đường, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở GD-ĐT lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh dự thảo trình HĐND tỉnh ban hành NQ hỗ trợ sữa tươi trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo và HS tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm học 2023-2024 đến hết năm học 2025-2026.
Trước đó, thực hiện NQ 17, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình Sữa học đường từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2025 – 2026 (tương đương 4 năm học). Tổng kinh phí để thực hiện chương trình này hơn 151,9 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua sữa khoảng 150 tỷ đồng. Đối tượng áp dụng là trẻ em mẫu giáo từ 3 - 6 tuổi và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn Quảng Nam.
Theo đó, từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025-2026, mỗi ngày trẻ sẽ được uống 1 hộp sữa 180ml, uống 5 lần/tuần trong thời gian đủ 9 tháng/năm học. Thế nhưng trong năm học 2022-2023 vừa qua, học sinh miền núi Quảng Nam không được uống sữa do không tìm ra quy chuẩn về chất lượng sữa học đường, do đó Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam không triển khai như kế hoạch đã thông qua. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là năm học bắt đầu từ tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau, nhưng giao ngân sách cho sữa học đường giao theo năm tài chính, từ tháng 1 đến tháng 12 hàng năm. Vì vậy, khi triển khai chương trình sữa học đường gặp vướng mắc...
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, chương trình sữa học đường là chính sách nhân văn đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các huyện miền núi cao; có nhiều ý nghĩa quan trọng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vì vậy, cần thiết tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm tăng thêm nguồn dinh dưỡng hợp lý, an toàn, lành mạnh, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ. Tuy nhiên, chương trình trên chưa đảm bảo các quy định nên phải bãi bỏ để thay thế bằng NQ mới.
Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở GD-ĐT rà soát lại địa bàn thụ hưởng, khẩn trương lấy ý kiến của Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Tư pháp, các Sở, ngành và địa phương liên quan về dự thảo Đề án để trình HĐND tỉnh ban hành NQ “Hỗ trợ sữa tươi trong bữa ăn học đường cho trẻ em” từ năm học 2023-2024 đến hết năm học 2025-2026.
Lê Hải