Ly hôn kiểu Philippines

Thứ bảy, 11/10/2014 10:55

(Cadn.com.vn) - Philippines là quốc gia duy nhất trên thế giới, ngoại trừ Vatican, không có luật ly hôn. Việc này đang kéo theo nhiều hệ lụy dở khóc dở cười ở quốc gia Đông Nam Á này.

Khi rời khỏi công sở, Rowena Festin trở về nhà với chồng và 3 con ở thủ đô Manila. Nhưng cuộc hôn nhân của bà chỉ tồn tại trên danh nghĩa. "Chúng tôi ở một nhà nhưng quyết định cuộc sống riêng", bà Festin cho biết. Mặc dù từ lâu cả hai muốn kết thúc cuộc hôn nhân một cách hợp pháp, nhưng chính phủ không cho phép.

"Mắc kẹt" trong hôn nhân thất bại

Một dự luật vừa được Quốc hội Philippines bàn bạc mở ra hy vọng cho hàng ngàn cặp vợ chồng bị "mắc kẹt" trong hôn nhân thất bại. Dự luật được đưa ra vào thời điểm các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo khắp nơi trên thế giới tổ chức "Thượng Hội Đồng" ở Rome theo yêu cầu của Giáo hoàng Francis bàn bạc về vị trí của Giáo hội trong các vấn đề như hôn nhân và ly hôn.

Ly hôn không phải là khái niệm mới ở Philippines. Đây là điều hợp pháp trong thời kỳ thuộc địa Mỹ và thời Nhật Bản chiếm đóng trong nửa đầu thế kỷ XX, nhưng đã bị cấm sau khi Bộ luật Dân sự được ban hành năm 1949. Pháp luật hiện hành cho phép ly thân hợp pháp, để các cặp vợ chồng có thể sống xa nhau và tách biệt tài sản, nhưng không cho phép họ được tái hôn. Trên thực tế, họ phải đối mặt cáo buộc ngoại tình nếu bị bắt có quan hệ với người khác.

Cặp đôi tổ chức đám cưới ở Manila, Philippines trong ngày Valentine năm 2013.

Quá trình tốn kém

Với người Công giáo La Mã chiếm 83% dân số, tôn giáo cũng đóng vai trò lớn trong cuộc chiến về quyền được ly hôn ở Philippines.

Hầu hết các giáo dân đều muốn kết hôn trong nhà thờ, và trước đó, họ phải xin giấy kết hôn từ chính quyền dân sự. Để thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc một cách hợp pháp và có thể kết hôn trong nhà thờ lần nữa, họ sẽ phải được nhà thờ đồng ý và chính quyền chấp nhận. Quá trình này không chỉ  mất nhiều năm mà còn rất tốn kém. Tại đất nước mà 2/5 dân số có mức sống dưới 2 USD/ngày, việc bỏ ra tối thiểu 4.000 USD để kết thúc cuộc hôn nhân là "nhiệm vụ bất khả thi".

Nữ nghị sĩ Luzviminda Ilagan, đại diện của Đảng Phụ nữ Gabriella và là đồng tác giả của dự luật ly hôn mới cho biết, "chúng tôi thấy nhiều người nổi tiếng hay giàu có được hủy hôn trong khi đó những người có mức thu nhập thấp thì không thể",  bà Ilagan nói. Bà Ilagan gọi quá trình này là "ly hôn kiểu Philippines" bởi nó bao gồm các điều kiện nghiêm ngặt. Các cặp vợ chồng phải sống riêng tối thiểu 5 năm không có hy vọng hòa giải, hoặc ly thân hợp pháp ít nhất 2 năm.

Dự luật mới hứa hẹn sẽ làm cho toàn bộ quá trình nhanh hơn và ít tốn kém. Theo ông Monsod, dự luật mới "sẽ trao quyền cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo". Tuy nhiên, dự luật đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ. Nghị sĩ Elpidio Barzaga Jr cho rằng, cho phép ly hôn sẽ làm suy yếu xương sống xã hội. "Để quốc gia mạnh, chúng ta phải có xã hội mạnh, mà điều đó phụ thuộc vào gia đình mạnh", ông nói.

Giáo hội Công giáo cũng mạnh mẽ chống lại dự luật. "Chúng tôi phản đối luật pháp cho phép phá vỡ sự ràng buộc hôn nhân để các cặp vợ chồng có thể tái hôn", Giám mục Teodoro C. Bacani Jr giải thích. Ông Bacani lập luận, ly hôn gây nhiều tổn thương cho trẻ em".

An Bình
(Theo CNN)