Ly kỳ chuyện người mất năng lực hành vi dân sự lập di chúc tặng nhà cho... người ở nhờ
Những hành vi đáng ngờ
(Cadn.com.vn) - Theo trình bày của ông Lê Mạnh Hùng (1961), do chị ruột của ông là bà Lê Thị Tâm (1959, trú 218-Huỳnh Thúc Kháng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị dị tật từ nhỏ nên sức khỏe rất yếu, không thể lao động. Tháng 5-2005, gia đình họp lại, ông Lê Hoàng và bà Nguyễn Thị Tuyên (cha mẹ bà Tâm, ông Hùng) quyết định giao ngôi nhà 218-Huỳnh Thúc Kháng và tiền dành dụm được cho bà Tâm quản lý, sử dụng và sau này làm nơi thờ tự. Trường hợp bà Tâm sử dụng không hết mới đến phần ông Hùng. Năm 2008, thương cháu gọi bằng cô ruột khó khăn nên bà Tuyên cho bà Nguyễn Thị Xuân mượn 36m2 phần đất thừa ở cạnh nhà 218-Huỳnh Thúc Kháng dựng lò bánh mì.
Năm 2010, ông Hoàng qua đời và đến năm 2013, bà Tuyên qua đời. Thực hiện di nguyện của cha mẹ, vợ chồng ông Hùng làm nhà, ở riêng tại xã Tam Đàn (H. Phú Ninh, Quảng Nam) giao ngôi nhà 218-Huỳnh Thúc Kháng cho bà Tâm quản lý, sử dụng. Sau khi cha mẹ qua đời, hai chị em ông Hùng cho ông Nguyễn Ty (bà con với bà Tuyên, trú Tam Mỹ Tây, H. Núi Thành, Quảng Nam) vào ở tại nhà 218-Huỳnh Thúc Kháng (không thu tiền thuê nhà) để buôn bán.
Ông Lê Mạnh Hùng. |
Ông Hùng nhờ lại bà Xuân, ông Ty chăm sóc giúp bà Tâm trong những ngày đau ốm. Ngày 22-4-2014, nhận tin báo chị Tâm bị ốm nặng, đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng nhưng do chủ quan nên ông Hùng không ra Đà Nẵng chăm sóc. Ngày 27-4-2014, nhận tin bà Tâm bị bệnh trở nặng, đã từ trần nên đưa về Tam Kỳ hỏa táng. Sau đám tang gần 2 tháng, gia đình nhận được tin báo bà Xuân, ông Ty đang làm thủ tục thừa kế ngôi nhà 218-Huỳnh Thúc Kháng và tài sản theo di chúc bà Tâm để lại. Bất ngờ trước thông tin này, gia đình ông Hùng tìm hiểu và được biết, trước lúc lâm chung, bà Tâm có để lại di chúc đang được Văn phòng Công chứng Duy Xuyên niêm yết tại UBND P. An Xuân (TP Tam Kỳ).
Bản di chúc được lập lúc 18 giờ 45, ngày 26-4-2014 tại Bệnh viện Đà Nẵng, có nội dung: Tôi Lê Thị Tâm là chủ sở hữu khối tài sản, gồm: Quyền sử dụng đất tại thửa đất số 171, tờ bản đồ số 10, diện tích 146,5m2; đất có nhà ở được Nhà nước cấp GCNQSDĐ số V 779430, cấp ngày 18-7-2003 và 6 cây vàng SJC gửi tại Ngân hàng Đông Á. Nay tôi lập di chúc để định đoạt tài sản, như sau: Bà Nguyễn Thị Xuân được hưởng 1/2 diện tích đất và nhà, hưởng toàn bộ tiền, vàng mà tôi đang sở hữu; Xuân có nhiệm vụ thờ cúng khi cô mất. Ông Nguyễn Ty được hưởng 1/2 diện tích đất và nhà tôi đang sở hữu; Xuân, Ty có nhiệm vụ thờ cúng khi cô mất; nguyện vọng hỏa táng sau khi tôi mất. Di chúc lập xong lúc 20 giờ, ngày 26-4-2014 và có 2 nhân chứng ký tên gồm: bà Đỗ Thị Thu Nga (1992) - hộ lý khoa Hồi sức cấp cứu tích cực Bệnh viện Đà Nẵng và ông Trần Văn Đức (1979, trú P. Hòa An, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Trang cuối của di chúc có dấu vân tay của bà Tâm và xác nhận của ông Đức. |
Bản di chúc mờ ám
Trong di chúc nêu trên, ông Đức xác nhận: Tôi là người viết, dựa vào lời nói, tin nhắn của cô Tâm, có đọc lại cho cô Tâm nghe và cô đã chấp nhận điểm chỉ như trên. Tại di chúc, bà Tâm để lại 3 dấu vân tay của ngón trỏ trái và trỏ phải.
Nghi ngờ di chúc này là giả mạo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, tháng 7-2014 ông Hùng làm đơn gửi Tòa án TP Tam Kỳ, yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn việc chuyển dịch chủ sở hữu ngôi nhà 218-Huỳnh Thúc Kháng... Xem xét những tình tiết do nguyên đơn cung cấp và nội dung bản di chúc, TAND TP Tam Kỳ đã áp dụng biện pháp ngăn chặn khẩn cấp. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bản di chúc của bà Lê Thị Tâm được lập ngày 26-4-2014 có nhiều vấn đề mờ ám. Theo trình bày của bà Đỗ Thị Thu Nga - người làm chứng: Tối ngày 26-4-2014, khi đang thực tập tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đà Nẵng), tôi thấy 2 người (1 nam, 1 nữ) khoảng 30 tuổi xin phép Điều dưỡng viên tên Thêu vào làm thủ tục lập di chúc. Do bệnh nhân Tâm đang đặt ống nối khí quản nên không thể nói được. Tôi không rõ bệnh nhân có minh mẫn hay không, một lúc sau anh thanh niên nhờ tôi ký, làm chứng di chúc. Đồng ý thực hiện nhưng tôi không biết cụ thể nội dung, không chứng kiến bệnh nhân lăn tay vào di chúc. Còn Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hồng Thêu, trình bày: Chiều 26-4-2014, đang trực tại khoa, có một số người xin gặp, xưng là người thân của bệnh nhân Lê Thị Tâm đang điều trị tại phòng 106 khoa Hồi sức tích cực chống độc xin gặp bệnh nhân làm các thủ tục giấy tờ. Lúc đó, bệnh nhân Tâm đang thở máy qua ống nội khí quản. Như vậy, bệnh nhân đang thở bằng máy, làm sao có thể nói như xác nhận của ông Đức. Hơn nữa, bản thân bà Tâm có trình độ văn hóa 10/10, khi còn minh mẫn tại sao không tự ký mà phải lăn tay(!?).
Ngoài ra, theo Kết luận giám định pháp y tâm thần số 50, ngày 16-2-2017 của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung: "Tại thời điểm trước và sau 18 giờ 45, ngày 26-4-2014, đối tượng Lê Thị Tâm bị rối loạn tâm thần không biệt định do tổn thương não, rối loạn chức năng não và bệnh lý cơ thể; xét về pháp luật: Mất hoàn toàn năng lực hành vi dân sự". Với những chứng cứ nêu trên, có thể xác định Bản di chúc được lập lúc 18 giờ 45, ngày 26-4-2014 của bà Lê Thị Tâm có những dấu hiệu không minh bạch.
Trao đổi cùng chúng tôi về vụ việc, ông Đinh Tấn Long - Phó Chánh án TAND TP Tam Kỳ, cho biết: Trong thời gian nhận đơn của ông Lê Mạnh Hùng, Tòa án Tam Kỳ đã giải quyết theo đúng thủ tục chung. Tuy nhiên, vụ việc có phát sinh một số tình tiết mới, như: Kết luận giám định của Trung tâm Pháp y tâm thần... Vì vậy, thời gian đến chúng tôi sẽ Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT điều tra theo thẩm quyền.
Như vậy, việc lợi dụng người mất hoàn toàn năng lực hành vi dân sự để lập di chúc là hành vi trái pháp luật. Mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vai trò của từng cá nhân liên quan đến vụ án nhằm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
M.T