Lý Sơn ngày em đến
(Cadn.com.vn) - Tôi may mắn được tham gia chuyến đi tác nghiệp, giao lưu các Câu lạc bộ Nhà báo nữ Nam Trung Bộ tại huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi nhằm tăng cường mối quan hệ giữa những nhà báo nữ nói riêng, giới báo chí nói chung với chị em phụ nữ và các chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên đảo tiền tiêu Lý Sơn từ ngày 25-27-4 vừa qua, do Hội Nhà báo Quảng Ngãi đăng cai tổ chức .
Đêm đầu tiên dừng chân ở thành phố Quảng Ngãi, tại Cẩm Thành Hotel, số 01 đường Phạm Văn Đồng vừa mới khai trương đón khách, chúng tôi được dự buổi gặp mặt với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, các anh chị ở Ban Tuyên giáo, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Thông tin- Truyền thông, các báo đài của tỉnh Quảng Ngãi... 5 giờ hôm sau, đoàn chuẩn bị hành trang ra đảo. Sóng không to, gió không lớn nhưng cũng đủ để chị em thấm thía những cơn say chao đảo. Bến cảng Sa Kỳ dần hiện ra. Chúng tôi bồi hồi lần đầu tiên đặt chân lên đất đảo Lý Sơn-một miền quê nổi tiếng với "tước hiệu" mà khi ở đất liền chúng tôi thường nghe ca tụng: Vương quốc tỏi. Hình ảnh đi vào thơ ca: Sóng vui sóng vỗ mạn thuyền/ Nắng đùa chân đảo ghẹo triền nước xanh/ Gió xe mùi tỏi mùi hành/ Nên duyên chồng vợ bên gành đá rêu. Cái sự bén duyên này càng làm cho chúng tôi tò mò. Trong bữa cơm trưa do UBND H. Lý Sơn mời tại nhà hàng sát chân biển, mùi hành mùi tỏi cứ quyện vào nhau bịn rịn.
Đoàn nhà báo đến Lý Sơn. |
Ngay sau khi đặt chân lên đảo, chúng tôi đến thăm huyện ủy, UBND H. Lý Sơn. Đặc biệt là sự có mặt của những em học sinh nghèo hiếu học của đảo, những gia đình có người thân "ở lại với biển khơi" trong cuộc mưu sinh vì phong ba bão táp, của người lính giữ biển có hoàn cảnh khó khăn, để đón nhận những món quà dù nhỏ nhưng đầy ý nghĩa của các Câu lạc bộ Nhà báo nữ mang từ đất liền ra. Cả ngày hôm ấy chúng tôi đi rất nhiều nơi. Nơi nào cũng để lại trong mỗi chúng tôi những ấn tượng đặc biệt, nhiều cảm xúc đẹp và tự hào về hòn đảo nhỏ chủ quyền trước hình ảnh Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Thới Lới, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Âm Linh Tự, Chùa Hang, Chùa Đục, Miệng Núi Lửa, Cổng Tò Vò, Gành đá cheo leo, xanh rêu lớp lớp thời gian.
Ai đó đã khắc họa mấy vần thơ xao động: Đảo nhỏ mà biết bao đèo/ Để vương mấy sợi dây neo chân cầu/ Còi tàu mắc cạn rau câu/ Mái chèo khua dội làng nhau Tò Vò - Leo lên tới đỉnh nam mô/ Chùa Hang nương náu sư cô nhớ nhà/ Bước xuống mắt chạm cà sa/ Hai hòn núi lửa đã già lời kinh - Thời gian cuộn hết thân mình/ Vào trong vỏ ốc lặng thinh biển đời/ Một ngày em đến dạo chơi/ Bỗng nhiên ốc nói những lời tình yêu. Lý Sơn còn rất nhiều điểm hẹn chờ đợi du khách ở Suối Chình, Xóm Ốc, các dấu vết Chămpa, 24 chùa, am; Đình làng An Hải, các ngôi nhà cổ.
Đường vào Lý Sơn. |
Tạm biệt đất liền du khách lại tiếp tục bồng bềnh với sóng gió để đến với đảo Lớn - Cù Lao Ré, đảo Bé - Cù lao Bờ Bãi, hòn Mù Cu... Hiện nay, Lý Sơn có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đó là Đình làng An Hải, Đình làng An Vĩnh,Chùa Hang, Âm Linh Tự; Một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hằng năm được tổ chức long trọng, mang đậm dấu ấn tâm linh, truyền thống, có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng, biên giới Tổ quốc nói chung cho các thế hệ người Việt Nam; 9 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; hơn 50 di tích lịch sử có kiến trúc mỹ thuật đa dạng, trong đó có dấu ấn của các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa. Lý Sơn không chỉ là một hòn đảo hiện thân của dấu vết còn lại từ một ngọn núi lửa đã tắt thời tiền sử mà còn là vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, đồng thời đã và đang sở hữu một tài sản quý giá của tạo hóa và cha ông để lại.
Lý Sơn còn có tên trong bản đồ du lịch Việt Nam sau khi Thủ tướng Chính phủ đưa Lý Sơn vào trong mục tiêu phát triển của Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam. Đó chính là cơ sở pháp lý, điểm nhấn quan trọng để tỉnh Quảng Ngãi lập Đề án phát triển KT-XH huyện đảo Lý Sơn thành đảo du lịch gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng. Trước mắt khai trương tuyến du lịch "Biển đảo Lý Sơn" vào ngày 28-4-2007. Từ đó đường về Lý Sơn từ thành phố Quảng Ngãi theo quốc lộ 24B đến Cảng Sa Kỳ vượt biển xanh không có ngày nào vắng bóng du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là những ngày lễ, tết thật sự quá tải, làm cho Lý Sơn vừa mừng vừa lo...
Giao lưu văn nghệ với lính đảo tại Huyện đội Lý Sơn. |
Đêm xuống chúng tôi lại về với những người lính giữ đảo ở huyện đội Lý Sơn. Thời khắc quan trọng và thiêng liêng là khi được đến với Cột cờ Tổ quốc, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngạo nghễ trên đỉnh núi Thới Lới bên bờ biển Đông-Lý Sơn. Vuông sân nhỏ nhắn nhưng tràn đầy giai điệu quê hương. Thiếu tá Đặng Văn Hạ, Chính trị viên phó, Chủ nhiệm chính trị Huyện đội Lý Sơn mong muốn được nghe tất cả những giai điệu của mỗi vùng miền như Quảng Nam yêu thương, Tiếng hát bên sông Hàn Đà Nẵng, Quảng Ngãi quê mình, Bình Định quê ta, Phú Yên nghĩa tình, Khánh Hòa nỗi nhớ, Ninh Thuận trữ tình...
Đây thực sự là lời đề nghị thú vị được các đoàn văn công báo chí hưởng ứng nhiệt thành. Ngày mai chúng tôi lại về đất liền mang theo nỗi nhớ Lý Sơn. Nhà báo Huỳnh Tiểu Yến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ Hội Nhà báo Đà Nẵng xúc động khi tâm sự với tôi rằng cuộc gặp gỡ nào cũng là đêm giã bạn, khắc sâu vào tâm khảm mỗi nhà báo cái tình cái nghĩa của biển đảo quê hương mà báo chí là nhịp cầu vững chắc để biển và bờ không còn xa cách.
Hành trang mỗi nhà báo đều có tỏi, làm quà cho người thân, bạn bè ở đất liền; mang cả hương vị của biển đã được gọi tên là gỏi tỏi, gỏi cá cơm, đồn đột. Buổi giã bạn diễn ra sau khi thăm khu chứng tích Sơn Mỹ. Con sóng Lý Sơn cứ vỗ vào bờ cát. Những cái nắm tay thật chặt, những cái nhìn ánh lên hy vọng, chờ đợi thêm một lần nữa gặp nhau ở Lý Sơn.
Huỳnh Trương Phát