“Ma trận” hàng giả, hàng nhái (2)
Bài 2: Mua sắm trực tuyến, “thiên đường hàng dỏm”
(Cadn.com.vn) - Không ít người tiêu dùng đang lạc vào “ma trận” hàng giả, hàng nhái khi thực hiện mua bán trực tuyến trên mạng. Hàng loạt trang web bán hàng trực tuyến theo mô hình mua rẻ, bán rẻ, mua chung, bán chung... thường sử dụng các thương hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng, nhất là trong lĩnh vực thời trang.
Thời buổi hiện đại, mua bán hàng trực tuyến cũng là một kênh kinh doanh tiện lợi và hữu ích. Nhiều trang mua sắm trực tuyến phát triển mạnh trong thời gian gần đây, cung cấp các mặt hàng áo quần, điện tử, hàng tiêu dùng, đồ chơi trẻ em, dịch vụ làm đẹp, mỹ phẩm làm đẹp, giảm cân, tăng cân...
Khách hàng chỉ cần một vòng lướt net, nếu ưng ý dịch vụ nào, người tiêu dùng chỉ cần nhấp chuột và làm theo hướng dẫn trong trang web, hoặc gọi điện thoại hàng hóa muốn mua sẽ được giao tận tay. Các trang kinh doanh theo mạng đều tìm mọi cách lấy địa chỉ email hoặc địa chỉ facebook cá nhân của khách hàng để mail các mặt hàng, chính sách giảm giá để lôi kéo khách hàng.
Hàng hóa trên các trang mua sắm trực tuyến đa số không có hóa đơn chứng từ. |
Nhưng đây cũng là nơi để... hàng giả, hàng nhái tung hoành một cách công khai. Từ các mặt hàng như điện thoại iPhone, Samsung, Nokia... đến túi xách, nước hoa, đồng hồ giả các thương hiệu nổi tiếng như Polo, Adidas, Tissot, Louis Vuitton, Salvatore Ferragamo... tràn ngập. Trên một trang mạng, nước hoa Lancôme Rose (Pháp) 75ml được báo giá chỉ còn 285.000 đồng, hay mắt kính Cartier Paris giá chỉ có 650.000 đồng, các loại giày da, túi xách, ví da, giả da, tất cả đều là hàng nhái, giả các nhãn hiệu L.V, Gucci, Giovanni, Levis, Versace, Adidas, Polo... giá chỉ vài trăm ngàn đồng/sản phẩm.
* Ông Nguyễn Nho Hậu, Chi cục phó Chi cục Quản lý Thị trường Đà Nẵng cho biết, trong thời gian gần đây, tận dụng sự bùng nổ của công nghệ thông tin các trang bán hàng trên mạng đã phát triển rất nhanh chóng, với ưu thế nhanh, giảm chi phí, rất nhiều cá nhân, DN đã lập trang thông tin điện tử để bán hàng. Cơ quan quản lý thị trường Đà Nẵng đến nay vẫn chưa nhận được đơn từ của khách hàng nào tố cáo xuất xứ hàng hóa. Cũng theo ông Hậu lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra một số thì địa chỉ trên website không có thật, hoặc có thật thì hàng hóa không có hoặc rất ít. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý vi phạm về các website bán hàng giả hiện là buộc chủ sở hữu trang web gỡ bỏ hình ảnh hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, đối với hình thức chủ sở hữu trang mạng xã hội như facebook hoặc các trang cho thuê lại chỗ trên website thì chủ sở hữu mạng chỉ chịu trách nhiệm gỡ bỏ, không chịu về các hậu quả pháp lý. Do đó người kinh doanh hàng giả khi bị gỡ bỏ ở mạng này thì chuyển sang mạng khác hoặc tạo trang web khác. |
Với mức giá này, có thể hiểu được giá trị của mặt hàng bởi cùng sản phẩm và thương hiệu trên tại các trung tâm thương mại như Vĩnh Trung Plaza, Indochina Đà Nẵng được bày bán với giá cao hơn từ 5-10 lần. Chẳng hạn, đồng hồ Tissot thấp nhất giá phải trên 10 triệu đồng, nước hoa Lancôme Rose với dung tích 30ml thì giá đã gần 1 triệu đồng một chai, giày Giovanni giá từ 2,5 đến 5 triệu đồng/đôi...
Lướt hàng loạt các trang web bán hàng trực tuyến như: Vatgia.vn, enbac.com, muare.vn, chodientu.vn, muaban.vn, raovat.vn... có thể thấy hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái diễn ra rất sôi nổi, khách có thể dễ dàng tìm thấy đủ loại hàng hiệu... dỏm với những mức giá quá rẻ. Nổi bật nhất là các “bộ sưu tập” điện thoại, đồng hồ nhái, giả. Thậm chí, hàng nhái còn “nổ” dữ dội hơn cả hàng xịn và công khai thừa nhận nào là “Giống chính hãng 100%”, bảo hành 3 tháng đến 1 năm...!
Chỉ riêng iPhone đã có đủ các loại, các đời, như iPhone 4, iPhone 5, iPhone 6 Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan rồi đến các dòng sản phẩm mới nhất của Nokia, Samsung, Sony, Oppo,... Đặc biệt, với điện thoại chính hãng siêu đắt như Vertu có giá hàng trăm triệu đồng nhưng khi các website mua sắm trực tuyến lại rao bán Vertu Trung Quốc, Đài Loan, Singapore mẫu mã y hệt giá chỉ từ hơn 1 triệu đồng/chiếc.
Tương tự, các loại đồng hồ Rolex nhái cũng tìm thấy ở các trang web này và tất nhiên giá cả cũng chỉ bằng 20% so với hàng chính hãng. Các trang mạng này quảng cáo giá hàng hóa rất hấp dẫn nhưng hầu hết hàng hóa đều có hàng chữ “Made in China”, không có ghi đơn vị nhập khẩu...
Thực tế, các mặt hàng bán trên mạng đều có giá rẻ hơn một chút so với giá bán tại các cửa hàng do không phải tốn tiền thuê mặt bằng, hàng hóa nhập về chủ yếu là trốn thuế. Đa số, các trang mạng đều dùng chiêu thức giảm giá cực sốc để đánh vào tâm lý khách hàng, thậm chí nhiều trang còn quảng bá bán sản phẩm thời trang “kiểu dáng” hàng hiệu như Gucci, Chanel, Levis, Versace... với giá rẻ nhưng không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa với giá chỉ vài chục hoặc vài trăm ngàn đồng làm nhiều người tiêu dùng bị móc túi “oan”.
(còn nữa)
Xuân Đương