“Ma trận” hàng giả, hàng nhái
Bài 1: Hàng lậu, hàng giả tung hoành
(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua kém, nhiều doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng còn bị “bủa vây” bởi “ma trận” hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng... ngày càng tăng cao và diễn biến khó lường. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các DN làm ăn chân chính, làm suy yếu sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Lực lượng Quản lý Thị trường Đà Nẵng bắt giữ thuốc lá lậu... |
Theo Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) Đà Nẵng, trong 11 tháng qua, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 6.151 vụ buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, phát hiện và xử lý gần 5.000 vụ vi phạm, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2013. Chủ yếu là các hành vi vi phạm như: kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, vi phạm về nhãn hàng hóa, chất lượng hàng hóa;...
Cơ quan QLTT đã xử phạt vi phạm hành chính, thu hơn 16,5 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2013. Kết quả kiểm tra cũng cho thấy hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, các mặt hàng bị phát hiện giả mạo phổ biến là giày dép, túi xách, áo quần, kính mắt, máy tính, kem bôi da, bột trét tường, bột ngọt, rượu ngoại, điện thoại, phụ kiện điện thoại...
Cũng theo Cục QLTT Đà Nẵng, qua 5 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố phát hiện 22.711 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 19.418 vụ, thu nộp ngân sách gần 48 tỷ đồng...
...và bánh kẹo không có hóa đơn chứng từ. Ảnh:X.Đ |
Tình hình buôn lậu và buôn bán hàng nhập lậu đang diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như chia nhỏ, xé nhỏ lô hàng để chuyển về thị trường tiêu thụ; gia cố thêm các hầm, vách ngăn trên các loại phương tiện để chứa hàng lậu; sử dụng “quay vòng” hóa đơn để hợp pháp hóa hàng lậu, lợi dụng phương thức tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, gia công để buôn lậu hoặc làm các hợp đồng giả từ nước ngoài hợp thức hóa cho hàng nhập lậu.
Đối với các vụ việc số hàng lậu vận chuyển lớn, các chủ lậu đều có sự chuẩn bị rất kỹ, thậm chí sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”, do vậy việc tìm ra ai là chủ của những lô hàng này cũng không phải là việc làm đơn giản. Điển hình, ngày 31-7-2014, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Chi cục QLTT Đà Nẵng phối hợp với Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước, Đà Nẵng kiểm tra ô-tô BKS 51C-235.72 do ông Phạm Thúy Hòa (trú Diên Châu, Diên Khánh, Khánh Hòa) điều khiển, phát hiện trên xe có 12.500 bao (1.250 cây) thuốc lá điếu, trong đó có 11.500 bao thuốc lá Jet và 1.000 bao thuốc lá Hero, được đóng thành 25 thùng, tất cả hàng hóa trên đều không có hóa đơn, chứng từ nhưng ngụy trang cùng với nhiều loại hàng hóa khác.
Tương tự, ngày 12-11, đã tiến hành kiểm tra xe tải chở hàng BKS 29C–1365 do Lê Văn Lâm (quê Nghê An) điều khiển, tạm giữ 5.300 bao thuốc lá nhập lậu nhãn hiệu Zest, Esse, Mond...; ngày 19-11, qua kiểm tra xe tải chở xe máy BKS 34C - 07.055 do tài xế Nguyễn Văn Thê (Ninh Hòa, H.Ninh Giang, Hải Dương) điều khiển chở 344 điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ...
Đáng lưu ý, tình trạng hàng giả xuất xứ, giả nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường vẫn diễn biến phức tạp, phần lớn giả các nhãn hiệu nổi tiếng đều có xuất xứ Trung Quốc, bán giá rẻ, để lẫn với hàng thật tại các cửa hàng kinh doanh cố định, thậm chí có một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó thay đổi nhãn ghi là hàng xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là hàng thời trang.
Thực tế, hàng Trung Quốc có mặt hầu hết các ngóc ngách của thị trường, từ điện thoại di động, áo quần, giày dép, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, thực phẩm, trái cây, thậm chí cả tem chống hàng giả cũng bị làm giả... những loại sản phẩm hàng hóa, hàng thật – hàng giả đặt cạnh nhau, nhưng bằng mắt thường, người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Phó chi Cục QLTT Đà Nẵng thì phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi. Trong khi đó cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ, sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao, bản thân DN vẫn thờ ơ với việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí thiếu hợp tác với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái... đã dẫn đến tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái ngày càng phát triển.
Vì vậy, để đấu tranh trong công tác phòng và chống hàng giả, DN có vị trí quan trọng. Công tác chống hàng giả không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự tham một cách chủ động, tích cực của các DN sản xuất kinh doanh.
Xuân Đương