“Ma trận” thuốc trừ sâu, diệt cỏ…

Thứ ba, 24/07/2018 18:00

“Loạn” thuốc trừ sâu, diệt cỏ…

Vào một cửa hàng vật tư nông nghiệp tại xã Đại An, H. Đại Lộc, Quảng Nam hỏi mua thuốc diệt cỏ, khi được giới thiệu và chọn chai thuốc hiệu So-fit, chúng tôi phát hiện trong quầy còn nhiều loại thuốc khác có nhãn mác đàng hoàng và có tên na ná loại thuốc vừa mua. Thắc mắc về việc tên gần trùng, kiểu dáng giống nhau, bà chủ giải thích: tất cả đều có chung một công dụng, chỉ khác nơi sản xuất nên nhãn hiệu hàng hóa có khác đôi chút và một loại thuốc có hàng chục tên thương phẩm. Tham khảo ý kiến của những nhà chuyên môn về vấn đề này, chúng tôi được biết: Ngày 9-2-2018, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 03 về danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được phép sử dụng. Theo đó, thuốc trừ sâu: 785 hoạt chất với 1.682 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ: 234 hoạt chất, 713 tên thương phẩm; thuốc trừ bệnh: 617 hoạt chất với 1.280 tên thương phẩm… Lý giải việc cùng một hoạt chất nhưng có hàng chục tên thương phẩm, ông Lê Thanh Hạ-Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế Chi cục Trồng trọt BVTV TP Đà Nẵng, cho biết, cả nước hiện có hàng trăm công ty có chức năng sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV. Vì thế, việc cùng một loại thuốc nhưng có nhiều tên khác nhau là điều dễ hiểu nhưng để nhớ từng tên và công dụng của mỗi loại thuốc quả là vô cùng khó khăn. Điều kiện để kinh doanh thuốc BVTV, chủ cửa hàng phải có bằng tốt nghiệp Trung cấp Nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt hoặc sinh học. Nếu không có, chủ cửa hàng phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc BVTV do Chi cục BVTV cấp và hàng năm phải được bồi dưỡng thêm. Trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 23 cửa hành kinh doanh thuốc BVTV theo dạng bán lẻ và được Thanh tra Chi cục BVTV kiểm tra thường xuyên nên không có trường hợp bán thuốc ngoài danh mục, kém chất lượng xảy ra. Tuy nhiên, tại Quảng Nam, Quảng Ngãi…, việc quản lý đối với mặt hàng thuốc BVTV vô cùng khó khăn. Ông Nguyễn Thế H.-nông dân, trú Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam trao đổi: Việc mua phải thuốc đảm bảo chất lượng hay không tùy thuộc vào sự may rủi. Trong vụ hè thu năm nay, một số nông dân mua phải thuốc diệt cỏ kém chất lượng nên khi phun xong, cỏ vẫn mọc ào ào. Hoặc câu chuyện thuốc đã được phun nhưng sâu rầy vẫn sinh sôi, nảy nở vẫn là câu chuyện thường ngày xảy ra. Thuốc BVTV đang được bán nhan nhản trên thị trường với nhiều chủng loại khác nhau nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ nên tình trạng hàng nhái, hàng giả vẫn được tiêu thụ gây không ít thiệt hại cho nông dân.

Dù đã bị cấm nhưng loại thuốc diệt cỏ  này vẫn được bày bán trên thị trường. 

... Đến lạm dụng thuốc…

Ông Trương Văn Hùng, trú Tân An, Hội An, cho biết: đến quầy thuốc, muốn mua loại thuốc nào cũng có (kể cả thuốc đã bị cấm). Tuy nhiên mức độ độc hại như thế nào đối với môi trường, con người thì không ai am hiểu. Nếu sử dụng không đạt hiệu quả thì ngày mai mua loại khác. Theo tìm hiểu, tại một số địa phương, nông dân đang sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kích thích tăng trưởng… một cách vô tội vạ. Việc lạm dụng thái quá thuốc BVTV này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là việc thiếu hiểu biết, người dân hiện nay chỉ thấy được điểm mạnh của từng loại thuốc là diệt được sâu rầy, kích thích tăng trưởng… nhưng chưa nhận thức được tác hại của từng loại thuốc đối với môi trường và chính sức khỏe của người sử dụng. Bên cạnh đó là vấn đề lợi nhuận, khi rau màu được sử dụng thuốc tăng trưởng sẽ cho mẫu mã đẹp, năng suất cao… nên nhiều người bất chấp. Vì thế, câu chuyện mỗi gia đình có 2 ruộng rau (1 sử dụng cho gia đình, 1 để bán ra thị trường) đã trở nên phổ biến tại một số vùng quê. Ngoài ra, tại nông thôn hiện nay tình trạng khan hiếm lao động đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Cuộc sống ở các vùng quê còn nhiều khó khăn nên nhiều thanh niên lên thành phố mưu sinh. Do đó, những công việc đồng áng nặng nhọc trước đây được thay thế bằng cơ giới hoặc hóa chất. Vì lạm dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu nên môi trường nước, không khí… tại một số vùng quê bị ô nhiễm. Theo thống kê của những nhà chuyên môn, tỷ lệ người mắc các chứng bệnh nan y, như: ung thư, phổi… ở nông thôn tăng cao do thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại. Cụ thể, thuốc diệt cỏ hủy diệt các sinh vật có lợi lẫn có hại trong đất, gây một số vùng đất bị nhiễm bệnh, bạc màu, khô cằn, không có chất dinh dưỡng tạo mầm bệnh trong đất, gây ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại hệ sinh thái dưới nước đồng thời ảnh hưởng tới mạch nước ngầm… Đối với con người, việc lạm dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khỏe.

Để hạn chế tình trạng trên, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát kỹ nguồn gốc, xuất xứ các loại hóa chất, tránh việc cho phép nhiều công ty cùng sản xuất một loại thuốc nhưng có nhiều tên khác nhau, tạo ra “ma trận” thuốc BVTV như hiện nay đã gây “khó” cho người tiêu dùng. Ngoài ra dẫn đến những hệ lụy khác, như: người dân sử dụng không đúng công dụng, lạm dụng thuốc… làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe con người.

M.T