Ma túy - mối nguy rình rập! (Kỳ cuối: Giải pháp nào để ngăn chặn?)

Thứ hai, 13/07/2020 16:51

Tình trạng giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh - sinh viên (HSSV) sử dụng các loại ma túy tổng hợp (MTTH) đang rất báo động. Hệ quả là nhiều gia đình phải hứng chịu nỗi đau mất con, nhiều thanh niên phải dang dở con đường học vấn, khiến tình hình ANTT trở nên phức tạp hơn... và gánh nặng cho xã hội, cộng đồng vì thế cũng ngày càng tăng. Làm thế nào để hạn chế thấp nhất các thiệt hại, nguy hiểm do ma túy gây ra là vấn đề đang cần lời giải...

Do nhận thức lệch lạc, cho rằng ma túy có nguồn gốc từ tự nhiên không gây nghiện nên nhiều TTN, HSSV đã rơi vào “bẫy” của bọn tội phạm.

Quan điểm của các ngành chức năng cho rằng, để ngăn chặn sự xâm nhập của các loại ma túy mới, cần nâng cao nhận thức cho giới trẻ, mà điều này phải bắt đầu từ công tác tuyên truyền, giáo dục chính ngay từ trong gia đình và nhà trường.

Trung tá Huỳnh Trọng Nghĩa cho biết, qua công tác tuyên truyền, đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy cho thấy, nhận thức của không ít bạn trẻ, nhất là HSSV hiện nay còn rất mơ hồ, chủ quan, không thấy được những hậu quả và tác hại ghê gớm của ma túy đối với bản thân người sử dụng. Phần lớn trong số họ đều nghĩ rằng chỉ có các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, heroin… mới gây nghiện, còn các loại MTTH như ma túy đá, thuốc lắc, ketamine, đặc biệt là cần sa, cỏ Mỹ không gây nghiện.

Thực tế, theo các chuyên gia, các loại MTTH đều gây nghiện và có thể nghiện ngay từ lần đầu tiên sử dụng. Đặc biệt, khi sử dụng các loại MTTH đều rất dễ dẫn đến chứng rối loạn tâm thần và hành vi; thường xuyên bị ảo giác, hoang tưởng, giảm trí nhớ; khi nghiện các loại MTTH này thì rất dễ tái nghiện sau cai nghiện; nhiều trường hợp cai nghiện tới 3-4 lần cũng chưa thành công.

Do nhận thức không đầy đủ về hậu quả và tác hại của MTTH dẫn đến đa số HSSV hiện nay đều không có những kỹ năng cần thiết để phòng tránh. Qua các vụ án, vụ việc mà lực lượng CSMT CATP Đà Nẵng xử lý thời gian qua liên quan đến đối tượng là HSSV cho thấy, đối tượng phạm tội hay sử dụng ma túy thường là con, em trong gia đình có điều kiện, nhưng thiếu quan tâm hoặc là những trường hợp có hoàn cảnh gia đình trắc trở như bố mẹ ly hôn, chỉ còn bố hoặc mẹ, bố mẹ bất hòa...

“Sự buông lỏng quản lý của gia đình cộng với việc nhận thức lệch lạc, không đầy đủ đã khiến các em bị lôi kéo, dụ dỗ sử dụng ma túy vào những dịp sinh nhật, hội họp, tụ tập hay bất cứ lúc nào nếu có người khởi xướng”, Trung tá Nghĩa cho biết.

Ngoài lý do trên, việc cha mẹ thiếu các kiến thức cần thiết về các loại ma túy mới; cộng với công tác giáo dục, trang bị kỹ năng giúp HSSV có thể chủ động tránh xa các cạm bẫy ma túy cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng các loại ma túy trong HSSV không còn là điều xa lạ. Ngoài ra, trong một chừng mực nào đó, có một số trường học còn tìm cách né tránh khi đề cập đến việc có học sinh của trường sử dụng các loại ma túy đã bị cơ quan Công an xử phạt vi phạm hành chính vì e ngại ảnh hưởng đến thành tích, uy tín và danh tiếng của nhà trường...

Đại tá Nguyễn Xuân Cường- Trưởng phòng CSMT CATP nhìn nhận, hiện nay, phần lớn người sử dụng  ma túy có độ tuổi dưới 30. Vì vậy, giải pháp tốt nhất để phòng, chống ma túy xâm nhập vào thanh thiếu niên, nhất là HSSV hiện nay chính là giảm cung và giảm cầu. “Để giảm cung, lực lượng Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống, đấu tranh với tội phạm ma túy, nhưng để nâng cao hiệu quả hơn rất cần sự tiếp tục vào cuộc trong đấu tranh, tố giác tội phạm của người dân. Để giảm cầu thì công tác tuyên truyền là vô cùng quan trọng”, Đại tá Cường nêu vấn đề.

Tuyên truyền trực tiếp là giải pháp mang lại hiệu quả trong nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về tác hại của ma túy để góp phần ngăn chặn ma túy xâm nhập.

Từ trước đến nay, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy tuy đã được chú trọng, song mới thực hiện một cách đại trà, chưa gắn với từng đối tượng cụ thể, từng vùng cụ thể. Cần thành lập đội ngũ tình nguyện viên chuyên làm công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy để đến tuyên truyền tại các trường học, khu phố trên địa bàn. Qua đó, giúp HSSV, người dân được nghe, truyền tải thông tin trực tiếp, được bày tỏ quan điểm, đưa ra các câu hỏi, đáp rõ ràng hơn...

“Với đối tượng là HSSV tốt nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các em ngay từ trong trường học. Điều này sẽ giúp các em có kiến thức vững chắc trong nhận biết tác hại của ma túy, những quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy để khi rời ghế nhà trường, chuyển sang môi trường mới, va chạm với nhiều đối tượng, thành phần, các em vẫn có kiến thức, kỹ năng để phòng tránh cho mình. Có như vậy, cuộc chiến phòng, chống ma túy mới mang lại hiệu quả cao”, Đại tá Cường khẳng định.

Ông Lương Vĩnh Thái- Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) cho hay, để giúp người nghiện ma túy cai nghiện, Chi cục đã tham mưu cho lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đề xuất với thành phố các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời chủ động phối hợp các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy theo nhiều hình thức, đặc biệt là tư vấn về các phương pháp, biện pháp điều trị cho người nghiện và gia đình của họ...

D.N.H

>> Ma túy - mối nguy rình rập!

>> Ma túy - mối nguy rình rập! (Kỳ 1: Án mạng đau lòng vì... ngáo đá!)