Mai Hạ-nét độc đáo của làng Thanh Quýt
(Cadn.com.vn) - Thời điểm này, những lộc non đã điểm xuyết, những thân cây xù xì đã chuẩn bị khoác trên mình những tấm áo rạng rỡ nhất để chào đón nàng Xuân yêu kiều. Thế nhưng nó vẫn giữ cho mình một dáng vẻ xù xì thô kệch, tấm thân gầy gộc, khắc khổ hiên ngang đứng giữa đất trời; cứ như vậy cây tiếp tục “ngủ đông” cho đến tháng 4 âm lịch thì trổ hoa, hòa mình vào mạch sống của đất trời. Người làng gọi cây là Mai Hạ, cây “trấn làng”; cây còn báo hiệu sự xung khắc, thuận hòa của đất trời qua mỗi độ ra hoa.
Vào những ngày giáp Tết Tân Mão, về thăm xã Điện Thắng Trung- Điện Bàn-Quảng Nam khi cây Mai Hạ đang còn “ngủ đông”, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Tủng và các bô lão trong làng kể cho về sự tích của loại mai quý này. “Ngày trước ở làng Thanh Quýt có tất cả 6 cây Mai Hạ được trồng theo thứ tự phong vị ngũ hành của miếu xóm, tại nơi đây có Văn Thánh, nơi các sĩ tử của Tổng Thanh Quýt trước khi đi thi hoặc đỗ đạt đều làm lễ tế. Hai cây khác được trồng trong khuôn viên của đình làng Thanh Quýt, đây chính là hai cây lớn nhất trong 6 cây của làng; một cây khác được trồng trong nhà của tôi và cây còn lại trồng ở phía dưới đường QL1A bây giờ”. Thời gian dần trôi, bao nhiêu thế hệ của làng đều được ngắm nhìn và chiêm ngưỡng mai làng vào mỗi dịp xuân về nhưng đến nay duy nhất cây mai trồng ở miếu xóm là còn sống và được người làng chăm sóc, gìn giữ. Miếu làng ngày xưa nhường đất cho UBND Điện Thắng Trung nên giờ cây nằm ngay trong khuôn viên của UBND xã. Cây Mai Hạ cao khoảng 6m, thế cây rất đẹp, đường kính cây hơn 40 cm.
Ông Nguyễn Hữu Bì -75 tuổi, thôn Thanh Quýt 4- nguyên Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Điện Thắng kể: “Năm 1979, người dân địa phương tiến hành cải tạo ruộng đất tại địa điểm trên đã phát hiện ra cây mai này và ông đã yêu cầu giữ lại chăm sóc. Ông Bì đem lá cây mai trên ra nhờ các cán bộ kỹ thuật của Công viên 29-3 (Đà Nẵng) xác định là loại cây gì. Sau khi đi thực tế tìm hiểu các cán bộ kỹ thuật nhận định rằng đây là loài cây rất lạ, hiếm và nhắc nhở địa phương nên chăm trồng, bảo tồn để sau này nghiên cứu cụ thể”.
![]() |
Cây Mai Hạ trong sân UBND xã Điện Thắng Trung. |
Ông Nguyễn Hữu Khanh- Phó Ban quản lý di tích lịch sử địa phương, cũng là một người nghiên cứu và hiểu khá rõ lịch sử của làng Thanh Quýt cho hay: “Cả vùng Điện Bàn ngày trước chỉ có duy nhất làng Thanh Quýt là trồng cây Mai Hạ và trồng 6 cây theo thứ tự phong vị ngũ hành (làng thờ lục vị Tiên Nương- ứng với con số 6 cây). Không có người làng hay tài liệu nào liên quan xác định được “tên cây”, trồng từ năm nào, đến nay đã được bao nhiêu năm tuổi, chỉ biết đời ông cố, ông nội sinh ra đã nghe các tiền nhân của làng nhắc đến 6 cây mai với tất cả sự tâm linh thành kính. Cây mang cốt cách của mai lại ra hoa vào mùa hạ nên được người làng gọi tên là Mai Hạ”.
Ông Khanh cho biết rằng đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đến địa phương để tìm hiểu về cây Mai Hạ còn lại này, có ý kiến cho rằng đây là cây Bún (có rất nhiều ở Huế), nhưng đa phần khác đều có ý kiến phản bác cho rằng cây Bún chỉ là một loài cây tương cận với cây này và thống nhất với tên gọi Mai Hạ của làng. “Vài năm trước nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Tùng về nghiên cứu và nói với người làng đây là loài cây quý hiếm, cần được chăm sóc, bảo tồn bởi đây không chỉ là loài cây quý đơn thuần mà nó còn là một phần hồn cốt của quê hương”- ông Khanh nói. Xác định đây là loài cây quý, giới chơi cây kiểng săn hàng “độc” từ Bắc chí Nam cũng đổ xô về chiêm bái, xin hạt, chiết cành đem về giâm trồng nhưng đều không có kết quả; nhiều người trong số đó quay lại gạ mua cây với giá cao nhưng người làng nhất quyết bảo tồn không bán.
Sau bao ngày “ngủ đông” tích góp mạch nguồn sự sống, sang cái nắng hạ tháng 4 hoa bắt đầu nở rộ, năm cánh hoa bé xinh màu trắng sữa, nhụy xanh lấm tấm vàng mỏng manh, lặng lẽ đung đưa trong gió như đang hát khúc tình ca về một thuở cha ông đến khai đất lập làng. Cũng theo lời các bô lão của làng, mỗi năm cây chỉ ra hoa vào tháng 4 âm lịch với một mùa hoa đẹp rộ báo hiệu đất trời thuận hòa, mùa màng tốt tươi, no ấm; ngược lại nếu cũng trong năm đó cây lại ra thêm mùa hoa (khoảng vào tháng 8 âm lịch) thì nhất định trong năm sẽ có thiên tai bão lụt lớn. Vì thế, người làng coi cây Mai Hạ là cây dự báo thời tiết.
Ông Nguyễn Hữu Khanh cho biết thêm: Để bảo tồn cây mai quý này ngoài việc chăm trồng, Chi hội Người cao tuổi của thôn Thanh Quýt 3 cũng đã đưa việc bảo vệ cây Mai Hạ vào kế hoạch của làng. Không biết từ bao giờ cây mai hạ đã gắn bó mật thiết với người dân nơi đây, để đến bây giờ chỉ cần nhìn thấy Mai Hạ là những người con xa quê của Thanh Quýt nói riêng và Điện Thắng Trung nói chung như tìm được về với hồn của quê hương, xứ sở.
Bài, ảnh: Ngọc Loan