Mãi mãi một tình yêu Đà Nẵng

Thứ bảy, 29/03/2014 10:32

(Cadn.com.vn) - Vậy là gần 25 năm sống ở thành phố bên bờ sông Hàn này, từ hồi tôi mới rời Trường Đại học Tổng hợp Huế, chân ướt chân ráo xin vào làm  cộng tác viên Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng (bây giờ là Báo Công an TP Đà Nẵng) vào năm 1990. Đà Nẵng đối với tôi hồi đó sao mà lạ lẫm và cao sang đến vậy. Tôi trú nhờ nhà dì ruột tại P. Bắc Mỹ An, Q. 3, Đà Nẵng (bây giờ là P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn) để đi làm báo. Nói là tiếng một phường thuộc Q. 3 của thành phố nhưng chẳng khác gì nhà quê; phố không đèn, đường không điện, chỉ có một con đường đất đá ngoằn ngoèo, chật chội, lởm chởm ổ gà của Mỹ xây dựng phục vụ chiến tranh, còn lại gần như là con số không! Hàng ngày, tôi đạp chiếc xe đạp cọc cạch gần 10 cây số để đến nơi làm việc; nhiều lúc quá mệt, phải  cho xe  xuống phà Hà Thân để qua tòa soạn báo ban đầu ở 14- Ba Đình.

 

Đà Nẵng, trong mắt tôi ngày ấy là những con đường chật hẹp, bụi bặm. Những đường Phan Châu Trinh, Trần Phú, Bạch Đằng, Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo,... chật chội, nhỏ bé, ô nhiễm bởi bụi, rác, nước thải; là những làng trong phố, những ao tù nước đọng, những bàu rau muống, cỏ lùng cỏ lác chạy dọc theo con đường 2- 9 bây giờ, ở bàu Thạc Gián Vĩnh Trung, Khuê Trung,  Hòa Cường, làng thuốc lá Cẩm Lệ heo hút, tối tăm ngọn đèn dầu tù mù... Hình ảnh những chuyến phà lặng lẽ bên bến Hà Thân chở những người dân Q. 3 qua phố. Những chiếc thuyền nan neo đậu bến sông Hàn của những người mẹ, người chị tần tảo sớm hôm. Xóm nhà chồ xiêu vẹo ở Nại Hiên Đông, Vũng Thùng heo hút theo những cơn bấc cuối mùa.

Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hàn nước xanh như tàu lá. Đứng bên tê Hàn ngó qua bên ni Hàn phố xá thênh thang...

Câu ca xưa như một chứng nhân hùng hồn cho sự cách biệt giữa đôi bờ đông- tây của Đà Nẵng một thời, mà bây giờ mỗi lần nhắc lại, lòng bỗng nghe rưng rưng, cay cay đôi mắt. Đà Nẵng 39 năm qua đã thay da đổi thịt từng ngày. Những khu phố mới, những con đường thênh thang như ô bàn cờ; những resort, khách sạn, cao ốc mọc lên. Những tòa nhà chọc trời, trung tâm hành chính, công viên, siêu thị Metro,  BigC, Lotte Mart, Co.op.Mart..., những cây cầu nối đôi bờ đông- tây: Sông Hàn, Tiên Sơn, Thuận Phước, cầu Rồng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Nguyễn Tri Phương, Khuê Đông và nhiều cây cầu khác nữa sẽ mọc lên nối nhịp đôi bờ giữa quận Ba-quận Nhất một thời đò ngang cách trở...

Tôi thả bộ dọc sông Hàn. Nắng, gió từ đỉnh Sơn Trà lồng lộng thổi về cùng bao thanh âm của biển trời, non nước ùa đến, cho tôi những giây phút ngây ngất, cho tôi sống những giai điệu lãng mạn nhất với đất trời Đà Nẵng, nơi  gia đình tôi được sống, làm việc, học hành và góp một phần nhỏ bé công sức của mình với bao buồn vui, vất vả. Từ bên này hầm đường bộ đèo Hải Vân, tôi phóng xe về đường Nguyễn Tất Thành, qua cầu Thuận Phước, rồi men theo con đường ven biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa về với Mỹ An, Khuê Mỹ, Non Nước, Hòa Hải, quê hương của bao huyền thoại, của chiến công buổi đầu đánh Mỹ mang tên người anh hùng Phan Hành Sơn gan góc, dạn dày.

Cảm giác lâng lâng, gió  mang theo vị mặn mòi của biển khơi lồng lộng. Những resort, khách sạn, nhà hàng sang trọng, những khu dân cư với những ngôi nhà cao tầng, biệt thự đầy đủ tiện ích sang trọng mọc lên. Con đường như dải lụa mềm sáng loáng dưới ánh đèn neon, với thảm cỏ, hàng dừa, cây cảnh mướt xanh, chạy dọc theo biển bờ cát trắng bao năm ngủ yên với lông chông và rau muống biển xao xác theo những cơn bấc cuối mùa, trong sự hờ hững của con người. Và khu du lịch văn hóa tâm linh  Ngũ Hành Sơn đang bắt đầu khởi động xây dựng, hứa hẹn tề tựu du khách thập phương đến chiêm ngưỡng, làm việc thiện, tham quan du lịch.

Tôi lang thang từ cầu Tiên Sơn qua giao lộ 2- 9, rẽ về phía tả ngạn sông Cẩm Lệ, rồi men theo con đường ven sông với những khu nhà cao tầng, chung cư, biệt thự sang trọng để đến với vùng đất Túy Loan, nơi có đình làng Bồ Bản, tuyến du lịch văn hóa về nguồn của Đà Nẵng; qua cầu Cẩm Lệ, về với những làng quê Hòa Xuân bốn bề mênh mông sông nước, một thời lênh đênh đời vạn chài, mai này sẽ hình thành khu đô thị sinh thái, có cả sân vận động quy mô, hoành tráng; chạy xe máy chầm chậm qua cầu Nguyễn Tri Phương và đường Võ Chí Công rộng thênh thang để về với quê hương cách mạng Hòa Hải, Hòa Quý đang đổi thay từng ngày với tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt; những con đường mới mở, những khu phố văn minh, hiện đại với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh.

Sông Hàn mùa này nước trong xanh, tiết trời tháng 3 vẫn se se lạnh, nhưng nắng đã lên, vàng ươm, xôn xao phía Tiên Sa, nhìn lên Sơn Trà uy nghi, hùng vĩ, mây trắng bay, không gian như rộng hơn, thoáng đãng hơn. Sơn Trà như ai đó đã ví như bức bình phong che chắn bão giông cho Đà Nẵng, lòng bỗng thấy xôn xao cảm xúc. Bỗng dưng, tự trong sâu thẳm trái tim mình, tôi lại muốn ôm Đà Nẵng vào lòng, thì thầm với Đà Nẵng như thì thầm với người mình yêu: Đà Nẵng ơi, vẫn mãi một tình yêu trong tôi!

Đinh Văn Dũng