Mãi mãi... những bài ca tung cánh!
(Cadn.com.vn) - Trong biên niên sử bằng âm thanh của dòng âm nhạc cách mạng lấp lánh nhiều ca khúc của nhiều thế hệ nhạc sĩ đã phản ánh đầy đủ tính hiện thực, tính thẩm mỹ và tính nhân văn khi ngợi ca đất nước, con người Việt Nam anh hùng qua từng chặng đường vinh quang của lịch sử dân tộc.
Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
Đất nước Việt Nam thân yêu, anh hùng, được phản ánh trong nhiều bài ca: Đường chúng ta đi (Huy Du, thơ: Xuân Sách), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận), Nắng ấm về trên Tổ quốc (Trần Khánh), Tổ quốc thiêng liêng (Xuân Giao), Tổ quốc chưa đẹp thế bao giờ (Nguyễn Văn Thương), Đất nước ta đẹp lắm (Lê Lôi)... Nhiều nhạc sĩ viết về đất nước thông qua một miền quê: Làng tôi (Văn Cao), Quê em (Nguyễn Đức Toàn), Con kênh xanh xanh (Ngô Huỳnh), Dòng sông tuổi thơ (Hoàng Hiệp)... hoặc về một địa phương: Hà Tây quê lụa (Nhật Lai), Quảng Nam yêu thương (Phan Huỳnh Điểu), Thành phố hoa phượng đỏ (Lương Vĩnh, thơ: Hải Như), Quảng Bình quê ta ơi! (Hoàng Vân). Có nhạc sĩ viết với hình tượng của một sự gắn bó "Đất nước-quê hương-người yêu", như: Gửi em ở cuối sông Hồng (Thuận Yến, thơ: Dương Soái), Em ơi Hà Nội phố (Phú Quang, thơ: Phan Vũ), Anh ở đầu sông, em cuối sông (Phan Huỳnh Điểu, thơ: Hoài Vũ)....
Có nhạc sĩ viết về một giai đoạn lịch sử của đất nước: Cả cuộc đời về ta (Lưu Hữu Phớc), Ca mừng đời ta tươi đẹp (La Thăng), Em có nghe âm thanh ngày mới (Nguyễn An), hoặc ở bước ngoặt quan trọng của lịch sử: Quê tôi giải phóng (Văn Chung), Hòa Bình trên đất nước ta (Nguyễn Mạnh Thường), Đất nước trọn niềm tin (Hoàng Hà)....
Nhạc sĩ Phạm Tuyên-một trong những nhạc sĩ góp phần |
Theo phương thức trữ tình cái tôi, cái tôi-tác giả, về đề tài Tổ quốc, một số nhạc sĩ hướng cảm hứng vào truyền thống của dân tộc, với những bài ca về lịch sử. Ở từng nhạc sĩ, tính chất giai điệu - cái tôi, với nhiều màu, nhiều vẻ của tính chất trữ tình trong Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam! (Chu Minh, thơ: Hoàng Trung Thông), Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn (Hồng Đăng, thơ: Nguyễn Liệu), Bài ca đất nước anh hùng (Lưu Cầu), Đất nước (Phạm Minh Tuấn, thơ: Tạ Hữu Yên)...
Qua những ca khúc theo hai hướng nêu trên, hướng cảm hứng vào cái bao la, cái hùng vĩ về mặt không gian của Tổ quốc, hướng vào cái bản chất trường tồn của lịch sử, các nhạc sĩ đã nhận thức quá khứ là ngọn nguồn sức mạnh của hiện tại, và hiện tại vẫn được nuôi dưỡng bằng dòng sữa của quá khứ. Do đó, hiện tại của lịch sử hiện lên trong các tác phẩm thường được gắn bó với tương lai. Vào bài ca, không gian, thiên nhiên và lịch sử của Tổ quốc được thể hiện bằng hình tượng âm nhạc diễn cảm, với giai điệu yêu thương, nồng hậu của nhạc sĩ.
Vầng trời Đông ánh hồng soi sáng bừng lên
Khi toàn dân ta đánh thực dân Pháp xâm lược, vào đầu những năm 50, cùng với ca khúc kháng chiến, đã ra đời ca khúc về Đảng. Từ chiến khu Việt Bắc, bài hát Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam của Đỗ Minh bay vào đất Quảng Nam. Rồi nối tiếp những ca khúc ca ngợi Đảng với tính chất trang trọng, nghiêm chỉnh: Dưới cờ Đảng vẻ vang (Lưu Hữu Phước), Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng (Phạm Tuyên), Đảng ở bên ta (Tô Hải), Tiến bước dưới cờ Đảng (Văn Ký), Miền Nam nguyện theo Đảng (Phan Huỳnh Điểu)...
Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ và đấu tranh thống nhất đất nước, bài ca về Đảng vẫn đi theo hướng ca ngợi. Song song với hướng này, nhiều nhạc sĩ mở rộng đề tài, thể hiện tấm lòng, tâm trạng của con người, của những lớp người hướng về Đảng. Đó là các bài ca: Tiếng hát mùa Xuân (Xuân Giao), Như hoa hướng dương (Tô Vũ, thơ: Hải Như), Đảng đã cho ta mùa xuân (Phạm Tuyên)... Theo dòng thời gian, với trái tim nhạc sĩ- công dân, giai điệu và hình tượng âm nhạc dần dần thắm đượm tính chất dân tộc, đi vào tâm hồn công chúng: Lúa mới (Nguyễn Đức Toàn), Tiếng hát sông Lam (Văn Tuyền), Nghe tiếng trống quê hương (Thái Cơ)... Có nhạc sĩ khai thác chất liệu cho giai điệu từ dân ca của các dân tộc anh em ít người: Suối Mường Hum còn chảy mãi (Nguyễn Tài Tuệ), Đảng, người mẹ quang vinh (Đỗ Minh - Nông Viết Toại), Người Mèo ơn Đảng (Thanh Phúc)...
Sau khi đất nước thống nhất, mở ra một chặng đường mới của ca khúc về Đảng. Có thể nhận thấy, nhiều ca khúc viết trong hai cuộc kháng chiến thể hiện tình cảm lớn, cái ta, cái chung. Ở ca khúc viết từ sau tháng 5-1975, đã có cái tôi tâm tình của nhạc sĩ, trong Những cánh buồm theo gió Đảng (Tô Vũ), Dâng lên Đảng niềm tin (Trọng Loan), Tiếng hát dâng Đảng (Lưu Hữu Phước), Đảng là cuộc sống của tôi (Nguyễn Đức Toàn)... Đến những năm 80 của thế kỷ trước, vẫn trên đường tìm cái mới, nhạc sĩ thực nghiệm đưa giai điệu hòa nhập vào phong cách nhạc trẻ. Đó là: Màu cờ tôi yêu (Phạm Tuyên, thơ: Diệp Minh Tuyền), Hát về những năm 30 (Cát Vận), Sắc nắng một ngọn cờ (Hồng Đăng), Giai điệu Tổ quốc (Trần Tiến)... Từ Chào mừng Đảng lao động Việt Nam (Đỗ Minh) đến Bài ca dâng Đảng (Thuận Yến), ca khúc về Đảng đã trải qua những chặng đường gian khổ và quang vinh của dân tộc, xứng đáng là những "nhiệt kế tinh thần" của thời đại cách mạng.
Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người
Trong hơn nửa thế kỷ, đề tài về Bác Hồ đã được các nhạc sĩ chú trọng, ngay sau cách mạng tháng Tám, từ bài hát Hồ Chí Minh muôn năm của Minh Tâm và Phạm Văn Xung. Sau đó, là những chính ca cách mạng dành riêng cho "Cụ Hồ- anh hùng dân tộc" đều mang tính chất hồn nhiên, thành kính... trong tác phẩm của Lưu Bách Thụ, Văn Cao, Phong Nhã, Văn Đông, Mai Khanh, Phạm Văn Chừng... Theo thời gian, trong những chuyển biến của đất nước ta, với cuộc chiến đấu và xây dựng của dân tộc, viết về Bác Hồ, các ca khúc của Hồ Bắc, Vũ Thế Khanh, Tô Vũ, Hoàng Hòa, Lê Yên, Kpa Púi, Tường Vi, Hồng Đăng, Phan Chí Thanh... thể hiện rõ với dân tộc, với nhạc sĩ, cái khoảng cách về tình cảm "Cụ Hồ - lãnh tụ cao quý" đã chuyển hóa thành "Bác Hồ thân yêu".
Bên cạnh chính ca, ca khúc trữ tình, ca khúc nghệ thuật về Bác dần dần đi vào đời sống xã hội, đất nước. Đã có sự thay đổi trong cấu trúc, tính chất dân tộc trong giai điệu lấy chất liệu từ âm điệu dân gian, dân tộc như với Lê Yên, Tô Vũ, Lư Nhất Vũ-Lê Giang, Nguyễn Đồng Nai, Dân Huyền..., chọn lọc một nét giai điệu đặc trưng của dân ca ruột vùng đất, để tạo hình tượng Bác Hồ. Mãi mãi tung cánh những bài ca Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó (Nguyễn Tài Tuệ) và Hồ Chí Minh, đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường). Sau khi Bác mất, hàng loạt bài ca đã ra đời với niềm tiếc thương vô hạn và biến đau thương thành sức mạnh. Cái tôi-tư duy, cái tôi - trí tuệ của nhạc sĩ, được bộc lộ và có dấu ấn vào nhạc phẩm: Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục), Lời thề sắt son (Nguyễn Đình Tấn), Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh).
Nhạc sĩ tìm đến cái giản dị, cái bình dị trong đời sống của Bác. Một đôi dép, một hàng cây... và tấm lòng của cháu với Bác, lúc ra suối, lúc ru con..., ở ca khúc của Văn An, Nguyễn Đức Chính, Tân Huyền, Đỗ Nhuận, Xuân Giao, Hà Té, Hoàng Đạm và Trần Văn Loa)... Từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước đến nay, vẫn liên tục dòng cảm xúc về Bác đã đi xa. Chúng ta tiếp nhận một niềm thương nhớ đầy tự tin vào con đường mà Bác đã chỉ lối: Vào lăng viếng Bác (Hoàng Hiệp và Viễn Phương), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm (Trần Hoàn và Quý Doãn), Những bông hoa trong vườn Bác (Văn Dung), Bác Hồ, một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình, Miền Trung nhớ Bác (Thuận Yến)...
Bác Hồ vẫn là một đề tài vĩnh cửu trong trái tim nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Trương Đình Quang