Mai này còn ai hát sử thi Tây Nguyên?

Thứ hai, 09/05/2016 09:12

(Cadn.com.vn) - Ít có vùng đất nào mà người dân có một đời sống tinh thần phong phú như vùng đất Tây Nguyên. Vùng đất của những lễ hội truyền thống đặc sắc và kho sử thi đồ sộ. Tuy nhiên, trong vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, việc bảo tồn sử thi Tây Nguyên còn nhiều điều trăn trở.

Tây Nguyên được biết đến như là miền đất huyền thoại, là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số: Ê Đê, Mơ Nông, Gia Rai, Ba Na... Trong kho tàng văn hóa phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô giá như cồng chiêng, rượu cần, đàn Tơrưng..., thì không thể không nhắc đến giá trị của sử thi. Theo một số nhà nghiên cứu, sử thi Tây Nguyên có thể ra đời vào khoảng thế kỷ XVI - khi xã hội Tây Nguyên có những thay đổi to lớn do các cuộc chiến tranh của các buôn làng.

Hơn 800 tác phẩm đã được phát hiện, sưu tầm, trong đó có hàng chục bộ sử thi đã được xuất bản và hàng ngàn bản băng ghi âm đã được tìm và lưu giữ.  Đã tìm thấy ít nhất 3 bộ sử thi liên hoàn đồ sộ như các sử thi Ót N'drong của người Mơ Nông, Dông của người Ba Na và Dăm Diông của người Xơ Đăng. Mỗi bộ sử thi liên hoàn này gồm khoảng 100 tác phẩm có sự liên kết khá hoàn chỉnh và được các chuyên gia đánh giá là những sử thi có độ dài nhất của thế giới, sánh ngang với những tác phẩm sử thi hoành tráng của nước ngoài như Ramayana, Kalêvala. Đó là số liệu được công bố từ Dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ngành chức năng triển khai từ những năm 2007-2010. Cho đến nay đã có hàng chục bộ sử thi được xuất bản dưới hình thức song ngữ để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận, trong đó có những bộ sử thi dày cả hàng ngàn trang.

Nghệ nhân Điểu Kơl là một trong 12 nghệ nhân còn có thể hát tốt sử thi
tại Đắc Nông. Ảnh: Đức Hùng

Trong chuyến lên Đắc Nông gần đây, một người bạn làm ở báo Đắc Nông tự hào giới thiệu với chúng tôi về sử thi của người Mơ Nông - Ót N'drong đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cuối năm 2014. Hùng nói say sưa như thể cậu ta là người con của dân tộc Mơ Nông vậy. Ót N'drong là pho sử thi đồ sộ vào loại bậc nhất Tây Nguyên. Đây là một thể loại tự sự dân gian truyền miệng, được lưu giữ trong trí nhớ của người dân và thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt cộng đồng. 75 tác phẩm sách sử thi đã được biên dịch và xuất bản thông qua việc sưu tầm các sử thi đang được các nghệ nhân lưu giữ trong trí nhớ và truyền miệng dưới hình thức song ngữ tiếng dân tộc và tiếng phổ thông. Việc bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên dưới dạng băng tiếng, băng hình, văn bản... cũng được thực hiện.

Ót N'drong được tạo nên từ hàng nghìn câu văn có vần điệu, một thể loại văn học truyền miệng với những câu chuyện mang đậm nét thần thoại về các hiện tượng tự nhiên, nhân vật lịch sử tiêu biểu của dân tộc... Cũng như các bộ sử thi của các dân tộc khác trên vùng đất Tây Nguyên, sử thi Ót N'drong còn được xem là cuốn bách khoa tri thức của người Mơ Nông. Trong đó chứa đựng từng hơi thở về cuộc sống phong tục, tập quán, luật tục, văn hóa truyền thống...

Đồ sộ đấy, đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đấy, các nhà làm văn hóa đã rất nỗ lực để khôi phục và bảo tồn đấy, nhưng Ót N'drong cũng không nằm ngoài vòng xoáy và nỗi lo trở thành "sử thi chết" như là nỗi lo chung của sử thi Tây Nguyên. Như lời anh bạn Phòng Văn hóa huyện than thở: "Hơi thở cuộc sống hiện đại đang phả vào và làm khô héo dần sử thi Tây Nguyên. Rồi khi những người ít ỏi còn lại còn biết hát sử thi nằm xuống với đất mẹ Bazan thì có lẽ chúng ta chỉ còn được nghe sử thi qua băng thu âm thôi, mấy ai còn hát được sử thi?" ....

Mai này còn ai hát sử thi.

Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh thuộc Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam, khác với sử thi của một số dân tộc trên thế giới chỉ đang tồn tại ở dạng văn bản thì hiện sử thi Tây Nguyên đang "sống" bởi còn nhiều nghệ nhân sống vẫn xướng hát lên các khúc sử thi hàng ngày bên bếp lửa nhà sàn hay trong một số lễ hội. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo rằng hiện tại sử thi Tây Nguyên đang được các nghệ nhân lớn tuổi nắm giữ. Và cũng chính vì thế nhiều nghệ nhân lo lắng, đến một lúc nào đó họ trở về với "zàng" mà chưa tìm được ai kế thừa thì coi như di sản văn hóa quý báu này khó tránh được sự đứt gãy.

Và một khi không còn ai có thể hát được nữa thì sử thi Tây Nguyên cũng sẽ cùng chung số phận như sử thi của một số dân tộc khác trên thế giới chỉ tồn tại dưới dạng văn bản. Lo lắng đó không phải là không có cơ sở khi mà hơi thở hiện đại đang tấn công vào tận từng ngôi nhà của những bản nhỏ xa xôi nhất trên vùng đất Tây Nguyên này. Và rồi, khi mà nhà Rông đã ít đi những lần lửa sáng, cồng chiêng dần dần chỉ được bảo tồn trong các nhà văn hóa hay bảo tàng và chỉ được đưa ra đánh vào dịp lễ hội. Hoặc như một góc bản nào đó, đám thanh niên không mặn mà gì với các lễ hội được phục dựng đang diễn ra ngoài phố huyện mà túm tụm nhau xem một bộ phim ngay trên chiếc điện thoại thông minh. Rồi những nghệ nhân có thể hát, hiểu và sống cùng những âm điệu của sử thi thì không còn lại nhiều... Những lý do đó khiến sử thi Tây Nguyên đang đứng trước một nỗi lo và những thách thức lớn cho những người làm công tác văn hóa.

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắc Nông cho biết, ngay cả sử thi Ót N'drong của dân tộc Mơ Nông là sử thi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhưng số người biết hát sử thi này chỉ hơn chục người, trong đó có rất nhiều người đã nhiều tuổi như nghệ nhân Điểu Kơl. Ông Quang cũng không khỏi lo ngại về sự mai một của sử thi Ót N'drong nói riêng và sử thi Tây Nguyên nói chung.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đang đặt niềm tin vào sự bảo tồn sử thi, hay nói cách khác là bảo tồn chính "hồn cốt" của họ vào các nhà làm văn hóa. Trong khi đó họ không biết rằng, để bảo tồn được và để sử thi Tây Nguyên "sống mãi" thì chính họ mới là nhân tố quan trọng. Hy vọng rằng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên kịp hiểu ra điều này trước khi quá muộn.

Nha Dư