Mali: Các binh sĩ nổi loạn, đồn đoán đảo chính
Tiếng súng nổ đã được nghe thấy tại một căn cứ quân sự bên ngoài thủ đô Bamako của Mail, nơi Đại sứ quán Na Uy và một nguồn tin an ninh cho biết có thể đang xảy ra một cuộc đảo chính quân sự.
Binh sĩ trên đường phố Mali. Ảnh: AFP |
AFP dẫn một nguồn tin an ninh ngày 18-8 xác nhận, các binh sĩ Mali đã nổi loạn, nổ súng tại căn cứ ở Kati ở vùng ngoại ô cách thủ đô Bamako khoảng 15 km, buộc quân đội phải triển khai lực lượng trấn áp. Người phát ngôn quân đội xác nhận đã xảy ra nổ súng tại căn cứ ở Kati, vùng ngoại ô cách thủ đô Bamako khoảng 15 km nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết: “Vâng, cuộc binh biến. Quân đội đang đảo chính”.
Tình hình vẫn chưa rõ ràng, nhưng tin tức về các vụ nổ súng nhanh chóng làm dấy lên lo ngại về một âm mưu đảo chính có thể xảy ra. Các nguồn tin nói với DW rằng, người đứng đầu cuộc đảo chính có thể là Đại tá Sadio Camara. DW cũng được biết, một số chính trị gia và quan chức cấp cao đã bị bắt giữ, bao gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính Abdoulaye Daffe và Tham mưu trưởng Vệ binh Quốc gia. Trong khi đó, những binh sĩ đã cầm vũ khí ở Kati và bắt đầu bắt giữ các sĩ quan quân đội cấp cao. Đài phát thanh quốc gia ORTM đã được sơ tán. Đại sứ quán Pháp tại quốc gia Tây Phi đã nhanh chóng phản ứng, kêu gọi mọi người ở trong nhà.
Reuters dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Na Uy tại Mali và nguồn tin an ninh sở tại cho biết, trong một cảnh báo tới công dân, Đại sứ quán Na Uy nêu rõ: “Đại sứ quán đã được thông báo về một cuộc binh biến trong các lực lượng vũ trang và các binh sĩ đang trên đường tới Bamako. Công dân Na Uy cần thận trọng và tốt hơn hết nên ở nhà cho tới khi tình hình được đảm bảo”.
Mali từng chứng kiến một cuộc binh biến ở căn cứ tại Kati dẫn đến một cuộc đảo chính năm 2012 lật đổ Tổng thống Toumani Toure. Đây là một trong những nguyên nhân khiến miền Bắc Mali rơi vào tay các phần tử phiến quân. Trong khi đó, từ tháng 6 tới nay, những người phản đối chính quyền hiện nay của Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita đã biểu tình đòi ông từ chức, cho rằng chính quyền đương nhiệm đã thất bại trong việc khôi phục an ninh và chống tham nhũng.
T.N