Mâm cúng Giao thừa

Thứ năm, 10/02/2022 16:29

Đã hàng nghìn năm qua, trong trái tim người Việt Nam, cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, lòng không thể không xốn xang, chờ đợi thời khắc Giao thừa, để được sum vầy bên căn bếp nhỏ, sửa soạn mâm cơm tươm tất nhất, dâng lên cúng tổ tiên, ông bà. Theo vùng miền, những món ăn dâng cúng trong đêm Giao thừa có những đặc trưng khác nhau. Nhưng, đều hội tụ sự chăm chút, tỉ mẩn, tươm tất và lòng thành.

 

Mâm cỗ ngày Tết. 

Ở miền Bắc, mâm cúng đêm Giao thừa thường tuân theo một nguyên tắc truyền thống với 4 bát, 4 đĩa (không kể xôi, nước chấm, dưa hành) tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương, nếu mâm cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài... Một đặc biệt là trong mâm cúng thường có móng giò hầm măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến lòng gà, mọc. Dĩa thường là xôi, bánh chưng, thịt luộc, gà, thịt đông, giò lụa, giò xào, nộm, dưa hành muối.

Ở miền Trung, có sự giao thoa văn hóa vùng miền, trên mâm cúng Giao thừa của người miền Trung có bánh chưng, bánh tét, bánh ngào, bánh trụng, bánh tổ, xôi, chè, thịt luộc, gà, dưa món, chả lụa, thịt đông, cá chiên, chả ram, canh khổ qua…

Mâm cúng Giao thừa ở miền Nam nếu là mâm mặn đầy đủ sẽ có thịt heo luộc, gà luộc, xôi, thịt kho tàu, bánh chưng, chè… Ngoài những món mặn, thì mỗi gia đình đều chuẩn bị chu toàn mâm ngũ quả, bình hoa tươi. Trong đó mâm ngũ quả với năm loại quả khác nhau, mỗi loại sẽ tượng trưng cho ước nguyện của gia đình thông qua tên gọi và màu sắc của loại quả đó. 

Tôi nhớ đến vô cùng những mùa Giao thừa được cùng em và chị em gái tất bật chuẩn bị cho mâm cúng Giao thừa. Từ trưa 30 Tết, cha tôi đã nhóm bếp, mẹ tôi ngâm nếp, đậu, luộc thịt và chuẩn bị lá dong riềng để gói bánh chưng, cha tôi chọn những bó củi tốt, khô cong trên gác bếp để mang xuống, nhóm lò nấu bánh chưng. Nhà tôi thường gói tầm 20 cặp bánh chưng, hồi ấy, ông bà nội tôi còn, thường nấu xong, trước Giao thừa cha tôi lúc nào cũng mang hai cặp bánh chưng xuống nhà nội. Lúc từ nhà nội về, thường thì bà nội đưa cha tôi một túi hoa quả, phần lớn là quả chín trong vườn. Cha tôi cũng hái thêm ít hoa bưởi, hoa chanh, những cành lá xanh đầy lộc trong vườn nội để mang về nhà tôi, bày biện lên mâm ngũ quả.

Là người miền Trung, mẹ tôi, như bao người mẹ, người vợ bình thường khác, cả năm làm lụng, dành dụm để chăm lo cho cả nhà, đặc biệt lo tươm tất mọi thứ ba ngày Tết và trữ gạo, đồ ăn khô cho mùa giáp hạt mấy tháng sau Tết… Một đời mẹ, bàn tay vẫn lấm lem cả ba ngày Tết, cứ quay ra quay vào với căn bếp nhỏ.

Với những món ẩm thực Tết đặc trưng mà chị em tôi đặc biệt rất thích và háu ăn. Đó là chén bánh ngào, dĩa bánh trụng nhân thịt ba chỉ và đậu xanh. Là chén canh miến gà nóng rắc thêm tí hạt tiêu, vài cọng ngò thơm lựng, là dĩa ram vàng giòn và những chén chè nếp nấu với mật mía, ngọt lịm… Khi bưng mâm cỗ Giao thừa đặt lên bàn thờ tổ tiên, cha tôi thường cẩn trọng từng chi tiết, không quên bảo với mẹ tôi kiểm tra kỹ lại từng món ăn, từng chi tiết. Cha thường dạy chị em tôi, mâm cỗ cốt ở tấm lòng, không phải cứ mâm cao cỗ đầy là sang, mà khi chuẩn bị, nấu nướng từng món ẩm thực đặt lên cúng Giao thừa, phải làm với tâm thế an yên và để hết tâm huyết vào đó.

Với những món ẩm thực Tết đặc trưng mà chị em tôi đặc biệt rất thích và háu ăn. Đó là chén bánh ngào, dĩa bánh trụng nhân thịt ba chỉ và đậu xanh. Là chén canh miến gà nóng rắc thêm tí hạt tiêu, vài cọng ngò thơm lựng, là dĩa ram vàng giòn và những chén chè nếp nấu với mật mía, ngọt lịm… Khi bưng mâm cỗ Giao thừa đặt lên bàn thờ tổ tiên, cha tôi thường cẩn trọng từng chi tiết, không quên bảo với mẹ tôi kiểm tra kỹ lại từng món ăn, từng chi tiết. Cha thường dạy chị em tôi, mâm cỗ cốt ở tấm lòng, không phải cứ mâm cao cỗ đầy là sang, mà khi chuẩn bị, nấu nướng từng món ẩm thực đặt lên cúng Giao thừa, phải làm với tâm thế an yên và để hết tâm huyết vào đó.

NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO