Mạn đàm về “nơi chốn” của đô thị

Chủ nhật, 11/03/2018 21:00

TÔ HÙNG - NGHI THẢO

Khái niệm “nơi chốn” hàm chứa ý nghĩa vượt lên trên một địa điểm bình thường. Nó không những được thể hiện qua đặc trưng của những yếu tố biểu hình trong không gian mà còn được thể hiện bởi tính chất của không gian đó. Cũng có thể hiểu nôm na rằng, nơi chốn là những gì thuộc về, những chứa đựng bên trong, mang giá trị tinh thần. Và giá trị tinh thần chính là những cốt lõi, yếu tố cần và đủ cho việc xây dựng một lối sống văn hóa, văn minh Đà Nẵng.

Lễ hội cầu ngư.

Nhìn lại yếu tố nơi chốn

Đà Nẵng đang từng ngày nỗ lực với nhiều giải pháp để xây dựng lối sống văn hóa, văn minh đô thị. Điều này được thể hiện ngay từ chủ trương, chính sách đường lối cho đến thực tiễn cuộc sống. Chúng ta có cả Bộ tiêu chuẩn chấm điểm các mô hình của Đề án xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Việc xây dựng “nếp sống”, đã góp phần hình thành thói quen nhất định, nếp sống từ anh cán bộ công chức nơi công sở, cho đến chị buôn bán tiểu thương, nếp sống từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra phố phường. Và nếp sống đó đã thực sự có những chuyển biến sâu, rộng. Cùng với đó, những yếu tố vật chất ẩn chứa bên trong một giá trị tinh thần có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục, gìn giữ, phát huy và tạo dựng một lối sống vừa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng thời hình thành nên những ứng xử văn minh phù hợp với quá trình hội nhập với thế giới.

Đô thị được hình dung là một không gian vật thể, một không gian kinh tế và một không gian văn hóa - xã hội. Nếu như kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra của cải vật chất đồng nghĩa với việc mang lại điều kiện để có thể tạo dựng một không gian vật thể tương xứng. Nhưng chưa hẳn bất kỳ một không gian vật thể nào cũng có thể hình thành và nuôi dưỡng giá trị văn hóa. Việc tạo ra thật nhiều tòa nhà cao tầng, lắm những con đường lớn không đồng nghĩa với việc định hình một lối sống văn minh. Thực tế chúng ta đang ra sức tạo dựng thật nhiều tiện ích đô thị thông qua việc tạo ra nhiều địa điểm chứa đựng chức năng nhưng chưa quan tâm nhiều đến cảm xúc và tinh thần mà con người thấy được từ nơi chốn đó. Nếu như các địa điểm trong đô thị, thị giác là yếu tố quan trọng nhất để giúp thu nhận hình ảnh thì để có chiều sâu cảm xúc hơn, con người phải cảm nhận đô thị đồng thời bởi tất cả các giác quan. Đó là trong khi ngắm những con phố sầm uất, ta chợt nhớ về tuổi thơ êm ả nếu bắt gặp một mái ngói lô xô nhuốm màu rêu phong; là trong nhịp sống của thời công nghiệp, bất chợt nghe tiếng rao hàng lạc lõng giữa muôn sắc màu và âm thanh hối hả ta chợt thèm ăn một chiếc cà rem thuở bé; là khi rảo bước qua những khu khách sạn sang trọng ven biển, đâu đó vị tanh nồng của biển thoảng theo gió vậy là hình ảnh những ngôi làng chài của cái thuở xây thành lập xứ hiện ra... Một điều còn thiếu sót trong thiết kế đô thị hiện nay là người ta chưa chú trọng nhiều tới việc đánh thức cảm xúc của người dân bằng các giác quan khác ngoài thị giác.

Với Đà Nẵng, thời kỳ đổi mới và hội nhập sâu rộng, với những gì đạt được trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng đô thị, chúng ta rất đỗi tự hào. Nhưng khi tĩnh tâm “nhìn lại”, không ít người trong chúng ta không khỏi chạnh lòng. Không chạnh lòng sao được, khi mà Đà Nẵng phát triển nhanh, nhanh đến nỗi như vô tình lãng quên đi việc tạo ra không gian văn hóa tương xứng, nhiều giá trị nơi chốn mang tính lịch sử, chứa đựng bề dày văn hóa bị xóa bỏ với công cuộc tái thiết đô thị và làn sóng đô thị hóa ồ ạt. Nhiều địa danh đã đi vào tiềm thức như bến ngang Đò Xu, sân vận động Chi Lăng, dốc Cầu Vồng, làng đá Non Nước, làng chài Nại Hiên... Một số công trình xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc vốn dĩ ít ỏi nay càng mờ nhạt. Những không gian lễ hội truyền thống lại trở thành một phần cơ cấu đất đai được các nhà quy hoạch cân đo đong đếm và đánh giá không cần thiết? Trong khi, có thể nói, Văn hóa dân gian Đà Nẵng với những Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội mục đồng Làng Phong Lệ, với những độc đáo của làng nghề truyền thống, với làn điệu dân ca, bài chòi, lý, hò vè, những kinh điển của nghệ thuật Tuồng... theo thời gian đã thực sự là linh hồn của Đà Nẵng.

 

Gìn giữ và phát huy

Nhìn lại là vậy, để chúng ta thêm khẳng định vai trò nhất định của yếu tố nơi chốn. Để thấy rằng tiếp tục gìn giữ và phát huy yếu tố nơi chốn là một việc làm thực sự cấp bách và cần thiết. Chúng ta rất cần một chủ trương cho việc khảo sát, nghiên cứu, đề xuất việc gìn giữ và phát huy giá trị những di sản kiến trúc khá hiếm hoi còn sót lại. Kế tiếp là sự vào cuộc của các nhà quản lý quy hoạch, cải tạo chỉnh trang các công trình có giá trị văn hóa, tâm linh truyền thống của người dân Đà Nẵng, các đền thờ, miếu mạo, không gian lễ hội phải được ứng xử với một thái độ trân trọng. Câu hỏi đặt ra cho mỗi chúng ta hôm nay và cả thế hệ tương lai, liệu thành phố này đã thực sự là một ngôi nhà chung, thực sự dành cho mọi người, lấy con người làm nhân tố trung tâm trong quá trình kiến tạo và hướng đến mục tiêu thành phố đáng sống? Chúng ta cần lắm kiến trúc cộng đồng để định hình cho một lối sống văn minh, lối sống luôn lấy lợi ích chung làm yếu tố quan trọng trong kiến tạo đời sống đô thị. Cần lắm sự thay đổi nếp nghĩ và cách làm, sự giàu có của một đô thị hiện đại không phải là sở hữu bao nhiêu siêu thị, nhiều nhà hàng, nhà cao tầng mà chính là thành phố có bao nhiêu công viên, bao nhiêu quảng trường, bao nhiêu nhà văn hóa, người dân được chăm lo đời sống tinh thần, rèn luyện thể chất ra sao... Cần lắm một khoảng sân nhỏ, một khuôn viên xanh cho người già tản bộ trò chuyện, cho trẻ con chạy nhảy vui đùa thay vì những tính toán chi ly cho việc đảm bảo bao nhiêu mét vuông cho một người theo đúng tiêu chuẩn. 

Cuối cùng, cần lắm những “của để dành”. Như đã nói ở trên, một lối sống văn minh nhất thiết phải có nhận thức hãy để dành cho thế hệ mai sau, trong đó việc chúng ta khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức, để thỏa mãn với những nhu cầu phát triển của hiện tại và tưởng rằng chúng ta đang tạo dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai, nhưng hậu quả chúng ta để lại là những ngọn đồi nham nhở, những con sông biến dạng hình hài, những hệ sinh thái tự nhiên ngày càng suy kiệt, chúng ta đang phạm một sai lầm rất lớn. Khi chúng ta chưa có một cách làm hay, một giải pháp bền vững thì hãy dành lại cho thế hệ mai sau, con cháu sẽ làm tốt hơn chúng ta rất nhiều, chỉ cần thế hệ hôm nay để lại cơ hội gì cho mai sau. Bên cạnh đó, chúng ta cần duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, văn hóa phi vật thể, bởi đây thực sự là nguồn lực, là tài nguyên vô giá, là sự trường tồn đầy ý nghĩa của thời gian.

Có thể nói, Đà Nẵng của ngày hôm nay đã đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức để chào đón tương lai. Song, cũng có thể nói đã đến lúc chúng ta nên đặt trọng tâm việc phát triển thành phố đi vào chiều sâu, tức là ngay từ bây giờ bắt tay tái thiết đô thị, gìn giữ không gian văn hóa truyền thống, phát huy di sản đô thị, kiện toàn kiến trúc và cảnh quan những con đường, những khu phố mới, cải thiện vun đắp những giá trị tinh thần và nơi chốn cũng chính là chúng ta đang tạo dựng một lối sống văn hóa, văn minh đậm chất Người Đà Nẵng. Để mỗi ngày, chúng ta luôn cảm thấy được tự hào, được yêu thương, được nâng niu trên chính mảnh đất “tình người” này.

T.H - N.T