Marseille và cuộc chiến lấy lại hình ảnh
(Cadn.com.vn) - Marseille, thành phố lớn thứ hai nước Pháp, nổi tiếng với nạn bạo lực liên quan đến ma túy trong những năm qua. Giờ đây, các chính trị gia địa phương đang đấu tranh để tìm lại hình ảnh năm xưa.
Giết người tăng vọt
Giữa các nhà cao tầng màu xám ở các quận phía Bắc, cứ vài phút lại có một chuyến xe lửa chạy ngang qua. Tuyến đường sắt cao tốc chia cắt các khu dân cư nghèo, nằm dưới những cây cầu và đường hầm, nơi các băng nhóm thanh niên có nguy cơ trở thành nạn nhân của các băng nhóm ma túy.
Tại đường ray này, hồi tháng 3 năm nay, Nabil Badreddine, 19 tuổi bị sát hại. Cậu bé là một trong số 15 người bị giết trong khu vực từ đầu năm đến nay. Từ căn hộ nhìn ra, bà Baya Seddik, mẹ cậu bé nhớ lại những gì xảy ra: "Chúng bắn hai phát ở lưng, đổ xăng lên người con tôi và đốt chiếc xe. Nabil bị cháy đen, nên cảnh sát phải thử nghiệm DNA để xác định danh tính". Vụ sát hại đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo số liệu của cảnh sát, 1/3 tất cả các vụ giết người ở Pháp vào năm 2012 diễn ra ở Marseille. Nạn nhân thường ở tuổi thiếu niên và tuổi đôi mươi. Nhiều người trong số họ được cho là có liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức. Bà Seddik cho rằng con trai mình vô tội. Nhưng tại một quán cà-phê, nơi một nhóm thanh niên đang xem đấm bốc trên truyền hình, một thanh niên thất nghiệp có một cái nhìn khác. "Khi một người bị giết, chắc chắn là phải có chuyện gì đó. Có lẽ anh ấy là kẻ cắp vặt".
Nhưng hiện tại, mức độ tội phạm không cao như trước đây. Ít nhất 24 người bị giết trong năm 2012.
Phần lớn bạo lực xảy ra ở các vùng ngoại ô phía bắc thành phố. Ảnh: BBC |
Sự khác biệt Nam-Bắc
Vào đầu những năm 1960, khi cuộc chiến tranh giành độc lập của Algeria kết thúc, hàng trăm ngàn người Pháp trở về nước từ các thuộc địa cũ ở Bắc Phi. Nhiều người đến định cư ở Marseille, các tòa nhà cao tầng mới được xây dựng. Trong những năm tiếp theo, thành phố nổi tiếng về nền văn hóa đa dạng và sôi động. Tuy nhiên, Marseille cũng trở thành điểm kết nối mà thông qua đó các băng nhóm buôn lậu ma túy từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Châu Âu và Mỹ.
"Vị trí địa lý của thành phố cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này", nhà xã hội học Laurent Mucchielli tại Đại học Aix-Marseille nói, ám chỉ sự phân biệt xã hội giữa khu vực phía Bắc nghèo nàn và phía Nam giàu có. Một trong những vấn đề lớn trong các quận phía Bắc là tỷ lệ bỏ học cao.
Trong năm 2011, trường trung học - Cao đẳng Vallon des Pins có đến 15% học sinh không tham dự kỳ thi cuối cấp. Sau khi một chiến dịch phối hợp do hiệu trưởng Rania Moussaoui phát động, tỷ lệ này chỉ còn hơn 3%. Bà Moussaoui cho biết, một số học sinh có cảm giác, họ đang sống trong một khu ổ chuột, không có bằng lái xe và họ không thể đi xung quanh thị trấn một cách dễ dàng.
Trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử Thị trưởng Marseille vào năm tới, các đảng đối lập đang tập trung tranh cử nhằm vào các vấn đề xã hội đang tồn tại. Thượng nghị sĩ và ứng cử viên thị trưởng của đảng Xã hội Samia Ghali đang vận động để có thêm các hoạt động ngoại khóa cho trẻ em trong trường học nhằm giúp họ tránh xa các băng đảng đường phố. Mặt trận Quốc gia cực hữu (FN) cũng tập trung vào vấn đề này. Lãnh đạo FN, Marine Le Pen, mô tả làn sóng tội phạm đang phá hủy khu vực.
Nhiều người đổ lỗi cho chính phủ đảng Xã hội Pháp không nhận ra gốc rễ của vấn đề. Nhưng Thị trưởng thành phố, ông Jean -Claude Gaudin, phủ nhận. "Khi tôi lên làm thị trưởng năm 1995, tỷ lệ thất nghiệp của thành phố này là 21,6% . Hiện giờ là 13%". Bên ngoài văn phòng của ông, các bảo tàng và phòng trưng bày mới mở cửa. Năm nay, Marseille được chọn là Thủ đô Văn hóa Châu Âu. Nhưng phía Nam vẫn quá khác xa khu vực phía Bắc thành phố, một nơi thiếu đầu tư và tỷ lệ thất nghiệp cao.
An Bình
(Theo BBC)