Massage thời “bão giá”

Chủ nhật, 15/06/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Nở rộ “như nấm sau mưa” lại đang trong thời điểm “cơn bão giá” hoành hành đã đẩy các cơ sở dịch vụ massage trên địa bàn TP Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung lao vào cuộc cạnh tranh quyết liệt. Để có được chỗ đứng, các cơ sở massage cũng quyết liệt tuyển chọn nhân viên (chủ yếu là nữ) hành nghề với các chỉ tiêu ngày càng  khắt khe hơn trước. Cũng vì thế, ngoài nhan sắc trời cho, massage viên muốn tồn tại phải học, trổ hết “ngón nghề”...

Loạn dịch vụ massage

Dạo một vòng quanh TP Đà Nẵng, không khó để nhận ra sự phát triển với tốc độ chóng mặt của các cơ sở massage. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng có hơn 30-40 điểm có hành nghề dịch vụ massage đang hoạt động. Hầu hết các cơ sở massage đều nằm trong các khách sạn. Đáng chú ý là hầu như khách sạn nào ra đời thời gian gần đây cũng có dịch vụ massage đi kèm. Từ khách sạn lớn mới mọc lên ở các vị trí trung tâm, các tuyến đường du lịch như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tất Thành đến khách sạn mini mới mọc tại các khu vực bến xe mới Đà Nẵng, vùng ven thành phố đều có dịch vụ massage ra đời. Nhiều ông chủ lớn ở TPHCM, Hà Nội và các nơi khác cũng nhảy vào kinh doanh dịch vụ béo bở này.

Để kéo khách hàng, họ không ngần ngại bỏ hàng đống tiền để đầu tư khách sạn, phòng ốc, thuê nhân viên quản lý chuyên nghiệp cũng như tổ chức khâu tuyển chọn nhân viên massage kỹ hơn, chuyên nghiệp hơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù cơ sở dịch vụ massage nào cũng treo bảng quy định massage lành mạnh, nhưng thực chất đều “xé rào” với khoản dịch vụ massage “trá hình”, vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động loại hình dịch vụ khá nhạy cảm này là hết sức khó khăn đối với nhà chức trách địa phương.

Theo quy định của Thông tư 16 của Bộ Y tế, các khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 sao trở lên đều được phép mở dịch vụ massage, nhưng phải qua kiểm tra của Sở Y tế về các tiêu chuẩn như: giường, nệm, bằng cấp hành nghề của chủ đứng tên, nhân viên phải qua lớp đào tạo đạt tiêu chuẩn... Trong khi các cơ sở massage ở Đà Nẵng đủ các loại, sang trọng có, bình dân có, thậm chí xập xệ, mất vệ sinh cũng có. Hầu hết nhân viên hành nghề massage cũng hiếm khi được học qua một lớp đào tạo bài bản nào. Khách đến, họ cứ... “đấm”, “bóp” lung tung mà không theo phương pháp nào bởi mục đích chính của khách hàng hầu hết đều lấy “vui vẻ” là chính...

Gần 3 tháng trở lại đây, khi giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm leo thang chóng mặt, các cơ sở dịch vụ massage cũng đồng loạt tăng giá vé từ 10.000 - 50.000 đồng/vé vì “các chi phí tăng cao”. Nhiều cơ sở massage như: Cơ sở V. (đường Nguyễn Thị Minh Khai), Đ. (đường Phan Đình Phùng), T. (khu Xuân Thiều) đều tăng giá vé từ 50.000 - 60.000 đồng/vé. Các điểm massage ở các khách sạn lớn R. (Quang Trung) S. (Hoàng Diệu) giá vé được đẩy lên cao ngất ngưởng từ 80.000 đồng lên 150.000 đồng/vé.

Theo tiết lộ của một ông chủ dịch vụ massage trên địa bàn TP Đà Nẵng, thông thường cứ đến cuối tháng là các ông chủ dịch vụ massage trên địa bàn tổ chức cuộc họp bàn tròn để trao đổi thông tin, như giá cả tại các điểm massage lên, xuống ra sao, nên tăng giá vé lên bao nhiêu cho phù hợp và động tĩnh của các ngành chức năng thế nào. Đặc biệt, các ông chủ còn hợp tác trao đổi nhân viên nữ lẫn nhau giữa các điểm massage nhằm tạo ra “sản phẩm mới”. Cũng theo ông chủ cơ sở này, có sự thay đổi rất lớn trong đội ngũ nhân viên massage. Nếu như cách đây 2 năm hầu hết  massage viên đều từ các tỉnh miền Tây như Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang ra Đà Nẵng hành nghề, thì thời gian gần đây lại thu hút thêm nhiều thôn nữ  ở các tỉnh phía Bắc và một số ít ở miền Trung...

Dập dìu “thượng đế” ra vào cơ sở massage ở Đà Nẵng.

Nước mắt  massage viên

Khi các dịch vụ massage mở ra rầm rộ thì việc cạnh tranh thu hút khách trở nên quyết liệt hơn, việc tuyển chọn massage viên cũng kỹ lưỡng và khắt khe hơn trước. N. nhân viên massage khách sạn Y- tâm sự: “Ngày trước, nhân viên massage rất có giá. Chỉ cần có ý định làm là các ông chủ săn đón rất dữ, thậm chí họ còn năn nỉ vào làm với thu nhập rất cao. Nhưng bây giờ rất khó chen chân vào cơ sở massage lớn, uy tín, đông khách. Nữ nhân viên massage ngoài tiếng thị phi, còn phải chịu rất nhiều áp lực. Đâu phải ai đi làm cũng hư hỏng, hầu hết do số phận, hoàn cảnh  đẩy đưa họ đến với cái nghề chẳng mấy được xã hội coi trọng này”. N. xót xa: “Đó là chưa kể chuyện chồng con là nỗi khổ đeo đẳng. Phụ nữ hành nghề massage phải nói dối gia đình, hàng xóm là đến Đà Nẵng làm công nhân ở Cty X, Y nào đó để mà còn có thể kiếm được tấm chồng về sau. Nếu biết được mình làm nghề này, có ma nó lấy!”.
Cũng theo N., một số điểm massage nhỏ lẻ thì cuộc sát hạch tuyển chọn dễ dàng hơn. Riêng điểm massage lớn, muốn vào làm thì ngoài nhan sắc trời phú còn phải học thuộc lòng các “ngón nghề” chìu khách, làm cho họ hài lòng, thậm chí nhiều cơ sở còn “bật đèn xanh” cho nhân viên nữ phải chìu khách từ A tới Z. Tuy nhiên, số tiền boa, tiền “làm thêm” cũng bị các chủ cơ sở quản lý tận thu nên phần còn lại chẳng bao nhiêu. Đặc biệt, các điểm massage nằm trong khách sạn 2 sao trở lên thì nhân viên phải biết nói tiếng Anh mới được tuyển dụng. Vì vậy, thời gian gần đây hàng trăm massage viên đua nhau đi học tiếng Anh (chủ yếu là học nói tiếng bồi) để giữ  nghề.

Chưa nói đến việc tốn chi phí khá lớn cho việc học, chỉ riêng việc trình độ có hạn do thường thất học từ nhỏ, nên nhiều cô không thể “nuốt” được giáo án nên đành bỏ dở. Kể cả việc phải chấp nhận massage “tươi mát” cho khách, nếu không sẽ bị các ông chủ sa thải ngay lập tức. Buồn nhất là các cô gái kém nhan sắc, sự cạnh tranh khắc nghiệt trong nghề cũng dần đào thải, đẩy các cô trôi dạt từ thành thị về các vùng nông thôn, thậm chí các xã miền núi để phục vụ các khách hàng bình dân hơn. Như A.V, quê Cần Thơ, bố qua đời để lại 4 em nhỏ, mẹ thường xuyên đau ốm nên cô phải nhắm mắt theo nghề kiếm cơm nuôi mình và em. Thời gian đầu A.V hành nghề tại TPHCM.

Khổ nổi, vì không được trời phú cho nhan sắc nên A.V không thể trụ lâu được tại TPHCM mà trôi dần ra Đà Nẵng. Đến xin việc nhưng không có điểm massage nào nhận, cô đành cuốn gói về các huyện tỉnh lẻ để kiếm tiền. Một kiều nữ massage tâm sự, trường hợp như A.V không hiếm, cũng bởi quy luật đào thải ấy mà chỉ 2 tháng lại đây đã có hơn 30 người phải khăn gói rời Đà Nẵng vào các huyện nghèo thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, nơi có các công trình có số lượng công nhân sống xa nhà đông như Dung Quất, Thủy điện A Vương, sông Tranh...  Đa số đều có hoàn cảnh khó khăn nên phải chấp nhận để kiếm tiền gửi về cho gia đình. Tuy cũng có một số ít đua đòi theo bạn bè trở nên hư hỏng rồi nhảy vào nghề massage để kiếm tiền ăn chơi nhưng số này không nhiều...

Vì miếng cơm manh áo cuộc sống, nhiều cô gái nông thôn nghèo đã phải tìm đến với nghề massage dù biết rằng cái giá phải trả là rất đắt, có khi bằng cả cuộc đời với các căn bệnh nan y, HIV/AIDS. Làm sao để những cô gái đang phải đối mặt với những hiểm họa, bị lợi dụng thân xác, sức lao động ấy thoát khỏi thân phận buồn đeo đẳng suốt cuộc đời họ? Đáng tiếc, vấn đề nhức nhối ấy vẫn còn là nỗi trăn trở lớn của cộng đồng xã hội.

Quang Thanh