Mất đất sản xuất vì nạn khai thác cát

Thứ hai, 27/02/2017 10:02

(Cadn.com.vn) - Ông Võ Văn Sơn, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình (thôn 2, xã Cư Kty, H. Krông Bông, Đắc Lắc) cho biết: "Hơn 10 năm nay, ngày nào trên dòng sông Krông Ana (đoạn chạy qua cánh đồng số 8, thôn 2, xã Cư Kty) cũng có hàng chục chiếc tàu tự do hút cát. Những vị trí bồi sau lũ lại càng được các doanh nghiệp khai thác triệt để hơn. Hậu quả là, kể từ khi tình trạng khai thác cát trên sông diễn ra ồ ạt đã gây ra tình trạng sạt lở khiến cho đường vành đai hai bên bờ sông dần biến mất". Theo ông Sơn, trước đây hai bên bờ sông Krông Ana rất kiên cố. Không chỉ chân bồi, con lươn, mà bờ kè tự nhiên đã giúp cho hai bờ sông chống chịu trước sự tàn phá của nhiều đợt lũ lụt kéo dài. Tuy nhiên, những năm gần đây, bờ sông ở khu vực này liên tục bị sạt lở, có những năm sạt lở tới 10m chiều ngang. Không chỉ làm mất đường vành đai, tình trạng sạt lở còn khiến cho nhiều hộ dân mất toàn bộ đất sản xuất ven sông. Giải thích về điều này, anh Dương Văn Long (1986, ngụ thôn 2, xã Cư Kty) chia sẻ: "Trước khi mất, cha mẹ để lại cho vợ chồng tôi 2 sào đất nông nghiệp tại cánh đồng số 8. Thế nhưng, cách đây khoảng 5 năm việc khai thác, hút cát hết công suất khiến không chỉ hai bờ sông Krông Ana mà diện tích đất sản xuất của gia đình tôi cuốn trôi theo dòng nước. Nhiều khi ra ruộng đi làm, chúng tôi không khỏi sợ hãi khi chứng kiến từng khối đất lớn trên bờ đổ xuống sông như động đất. Cách đây 2 năm, mảnh đất biến mất hoàn toàn dù vẫn còn giấy tờ, sổ đỏ. Tình trạng sạt lở vẫn không ngừng diễn ra và tiếp tục lấy đi nhiều diện tích đất canh tác của người dân". Từ năm 2009 đến nay có khoảng 30m (chiều ngang) đất nông nghiệp sát bờ sông của người dân tại cánh đồng số 8 bị sạt lở. "Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã cắm bảng cấm hút cát nhưng hàng ngày vẫn có khoảng 5-6 tàu vào hút trộm. Những ngày nước dâng, mưa lớn, tàu thuyền hút cát lại xuất hiện nhiều hơn. Gia đình tôi chỉ có vài sào đất mía ở cánh số 8 sát bờ sông nhưng nay cũng đang sạt lở dần", ông Nguyễn Văn Dũng, trú  thôn 2, xã Cư Kty, bức xúc.

Người dân khai thác gỗ, củi tại khúc sông bị sạt lở nặng. Ảnh: N.T

Người dân mất dần đất sản xuất do sạt lở. Ảnh: N.T

Trên cơ sở những phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế, chiều 23-2, P.V đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Cư Kty. Trả lời câu hỏi của P.V, ông Minh cho biết: "Việc khai thác cát trên sông, ban đầu là do người dân địa phương tự tổ chức hút bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, HTX Đoàn Kết ra đời đã tổ chức cho 6 tàu thường xuyên khai thác cát trên sông. Mặc dù chưa được cấp phép khai thác cát nhưng từ năm 2015 trở về trước, HTX Đoàn Kết vẫn đóng thuế cho địa phương. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, xét thấy việc thu thuế này là không hợp lí nên chính quyền không tổ chức thu nữa". Cũng theo ông Minh, trước tình trạng sạt lở sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thất thoát diện tích đất sản xuất của nông dân nên chính quyền đã cắm bảng cấm hút cát tại cánh đồng số 8 và các vị trí bị sạt lở nặng. Tuy nhiên, vào khoảng 5-7 giờ đêm hoặc 4-5 giờ sáng hàng ngày vẫn có nhiều tàu vào khu vực này hút cát trộm. UBND huyện cùng các ban ngành có thẩm quyền và UBND xã nhiều lần làm việc, yêu cầu HTX Đoàn Kết dừng khai thác cát. Thế nhưng, HTX này không những không chấp hành mà còn cho các xã viên lên UBND xã, UBND huyện phản đối và đề nghị được tiếp tục khai thác cát. "Thời gian qua, UBND xã đã khảo sát dọc sông Krông Ana chạy qua địa bàn. Kết quả cho thấy, có tới gần 2ha đất nông nghiệp của người dân bị sạt lở do khai thác gỗ, củi, cát trên sông. Vì vậy, UBND xã đã nhiều lần báo cáo đề nghị các ban ngành của huyện vào cuộc giải quyết nhưng cho đến nay vẫn chưa có bất kì chuyển biến gì" - ông Minh nói thêm.

Nguyên Trịnh