Mật độ trạm thu phí dày đặc

Thứ sáu, 16/09/2016 07:33

(Cadn.com.vn) - Sáng 15-9, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.

Ông Lê Quốc Đạt, Phó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Những năm qua sự bùng nổ về đầu tư dưới hình thức hợp đồng BOT trong lĩnh vực giao thông, góp phần rất lớn thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư nhằm tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, đi kèm với làn sóng đầu tư đó là một loạt các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc; mức thu phí mỗi nơi một khác; một số nơi mức thu phí chưa tương xứng với khả năng chi trả của người dân, gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí. Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua.

Ông Đạt cho biết, hiện nay, tính trên hệ thống các tuyến quốc lộ, có tới 32 trên tổng số 88 trạm thu phí (tương đương 36%) không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km. Mặc dù theo quy định của Thông tư 159/2013/TT-BTC, có thể bố trí khoảng cách giữa các trạm nhỏ hơn 70km nếu Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính, việc có quá nhiều trường hợp đặc biệt như vậy được chấp thuận đang khiến mật độ trạm thu phí trở nên dày đặc và ngột ngạt. Cá biệt, có trường hợp khoảng cách giữa các trạm thu phí chỉ trên dưới 15km như: Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang đặt tại Km 590 trên Quốc lộ 1 chỉ cách Trạm thu phí của dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Km 597+549-Km 604+700 trên Quốc lộ 1 gần 15km...

Trạm thu phí đèo Ngang chỉ cách Trạm thu phí của một dự án BOT khác khoảng 15km.

Ông Đạt cũng cho rằng, hầu hết các dự án BOT không phải xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều giao cắt đồng mức. Do đó, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường thực đi). Hình thức thu phí hở này vừa không đảm bảo kiểm soát được lưu lượng thực tế, vừa gây khó khăn cho địa phương nơi trạm thu phí được lắp đặt. Trên thực tế, người dân sống gần trạm thu phí là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do họ có xu hướng bị nộp phí nhiều hơn và gánh chịu chi phí hành hóa đắt đỏ hơn. Vì vậy, cần có giải pháp đối với người dân địa phương sống gần trạm thu phí để tránh những bức xúc hiện nay.

Lãnh đạo Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Kiểm toán Nhà nước với chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo luật định. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ kiểm toán các dự án BOT để qua đó góp phần tăng cường tính minh bạch, hạn chế thất thoát, giảm bớt gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm giải trình trong việc thực hiện các dự án BOT đối với cơ quan nhà nước và chủ đầu tư, tạo niềm tin cho nhân dân.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật, qua thực tiễn triển khai các dự án BOT cho thấy cần thiết phải rà soát, đánh giá và hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi trong triển khai các dự án; đồng thời, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân khi thực hiện dự án đối tác công tư.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Phạm Thị Vân Anh cho rằng, trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước cần tập trung kiểm tra đối với khâu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu cho dự án; đồng thời xác định tổng mức đầu tư, phương án tài chính của dự án, giá trị quyết toán công trình, việc thực hiện thu phí và quản lý nguồn thu... nhằm chấn chỉnh các dự án BOT giao thông.

Nguyễn Cường