"Mắt sáng, lòng trong, bút sắc"
(Cadn.com.vn) - Với người làm báo, chủ đề “Đạo đức nhà báo” được xem là bài nhập môn và được rèn giũa liên tục trong quá trình tác nghiệp.
Chuyện ngỡ như đã quen thuộc, vậy mà khi tham dự Hội thảo “Đạo đức nhà báo trong bối cảnh truyền thông hiện nay” vừa diễn ra tại Đà Nẵng, nhiều vấn đề vẫn tươi mới cuốn hút lạ thường. Vai trò báo chí được mổ xẻ nhiều chiều, trong đó ghi nhận đóng góp của báo chí đối với sự phát triển xã hội không nhỏ, song những vi phạm cũng không hề nhẹ.
Đánh giá về “Những điều cần chú ý về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong kỷ nguyên truyền thông số”, PGS, TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo VN) cho rằng, khi mạng Internet và thông tin đa phương tiện phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì hoạt động báo chí bị ảnh hưởng do có một số lệch lạc trong hoạt động nghề nghiệp. Bà cho rằng, nhiều bài báo với những câu từ, hình ảnh, tít bài chỉ nhằm mục đích câu view hơn là đưa ra các giá trị thông tin tới công chúng. Bà còn chỉ rõ một số lỗi thường gặp như “treo đầu dê bán thịt chó” (tít đề và hình ảnh không liên quan trực tiếp đến nội dung bài); chụp mũ (nội dung đúng nhưng đưa trong bối cảnh sai); điều khiển nội dung (thông tin hình ảnh đúng nhưng bị điều khiển để nhằm mục đích dối trá); xoay lệch bản chất sự việc (trọng tâm sự việc bị phóng đại hoặc lờ đi các sự kiện khác). Bà Hằng cũng đề cập đến thuật ngữ mới “hậu sự thật” xuất hiện trong khoảng một năm nay. Thuật ngữ này được sử dụng trong trường hợp câu chuyện được đưa ra đánh vào cảm xúc hơn là dữ kiện thật, sử dụng ngôn ngữ cảm tính thiếu khách quan nhằm đánh lạc hướng công chúng khỏi sự thật...
Còn trong tham luận của mình, PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, TBT Tạp chí Người làm báo thậm chí còn cho rằng ở một số trường hợp, báo chí cung cấp “giáo trình tội phạm”. Theo ông, gần đây một số tờ báo vì muốn câu view nên đã miêu tả chi tiết hành vi man rợ, quá trình gây án, bỏ trốn, thậm chí tiết lộ một số biện pháp điều tra của cơ quan CA. Những hành vi thiếu trách nhiệm này đã cung cấp cho những tội phạm tiềm ẩn “giáo trình tội phạm” sinh động, “chỉ đường dẫn lối cho các hoạt động của nghi phạm...
Chúng ta không khỏi xót xa trước những biểu hiện lệch lạc được chính chúng ta – những người làm báo tự nhận diện.
Cũng tại hội thảo, có một gợi ý được đại biểu tham dự tâm đắc, đó là ý kiến của ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng. Ông trăn trở rằng có vẻ như hiện nay, cái ác cái xấu trên báo có thời lượng áp đảo. Và ông đặt câu hỏi: như vậy liệu có công bằng không? có cần thiết không? Theo ông, khi phản ánh về điều tốt, điều thiện, nếu nhà báo không có cảm xúc thì đó cũng chỉ là bài liệt kê, kể lể thông thường. Khi nhà báo thao thức cùng sự kiện, khi trái tim nhà báo cùng nhịp đập với cuộc sống, chắc chắn sự rung cảm đó sẽ truyền sang cho người đọc, từ đó sẽ mang thông điệp nhân văn, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy những chia sẻ của ông Võ Công Trí thật tâm huyết và đáng suy ngẫm. Tôi thoáng nghĩ, phải chăng có lúc nhà báo cũng chưa thật sự thấu hiểu bạn đọc cần thông điệp gì từ ngòi bút của mình. Những mặt trái được cố tình ùa lên trang báo có thể câu được view, thậm chí ở thời điểm nhất định có thể tạo ra “cơn bão thông tin”, lợi trước mắt có thể mang đến lượng độc giả tăng để góp phần tăng doanh thu ở thời buổi khó khăn, song về lâu dài ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của tờ báo và tác giả đó. Không ít tờ báo chuyên khai thác chuyện giật gân, chuyện rùng rợn chỉ ồn ào một thời gian rồi lụi tàn. Những tác giả chuyên bày ra những sản phẩm này, ít nhiều cũng bị đồng nghiệp và mọi người dần dần xa lánh. Đó là cái giá phải trả cho cách nghĩ, cách làm báo bất chấp đạo lý. Dĩ nhiên, khi một tác phẩm báo chí ra mắt công chúng, hay hay dở, được hay mất... ngoài vai trò của người cầm bút, còn phải nói đến vai trò của lãnh đạo cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản... Ngược lại, những bài báo được viết ra từ những nhà báo dấn thân, có lòng tự trọng, tha thiết với nghề, luôn đau đáu được góp sức mình cho sự phát triển xã hội, hướng tới chân - thiện - mỹ, luôn là những giá trị vĩnh hằng làm nên thương hiệu tờ báo và để lại ấn tượng tốt đẹp với công chúng.
Người cầm bút hiểu rằng vì sự dấn thân của báo chí, xã hội luôn đánh giá đúng mức về những cống hiến, thậm chí có phần thiên vị và nể sợ. Có những tác phẩm có những hạt sạn, có vấp váp chỗ này chỗ khác vẫn được bạn đọc châm chước cảm thông, bỏ qua. Tuy vậy, hơn ai hết mỗi nhà báo phải biết mình làm tin, viết bài, chụp bức hình đó, quay thước phim đó... là vô tình hay hữu ý và nhằm mục đích gì? Có những điều không ai biết, nhưng khi đối diện với chính mình, nhà báo không thể “chạy trốn” được những xúc cảm, sự hân hoan hay dằn vặt về những gì mình đã làm và chứng kiến hậu quả từ ngòi bút của chính mình.
Trong dòng chảy mải miết của cuộc sống, nhà báo rất cần sự thức tỉnh đúng lúc để ngòi bút của mình luôn đồng hành với mấy chữ tưởng như giản đơn mà không phải ai cũng làm được: “mắt sáng – lòng trong – bút sắc” mà nhà báo Hữu Thọ - nguyên TBT Báo Nhân dân đã căn dặn, nhắc nhở đồng nghiệp.
Nguyễn Đức Nam