Mặt tiền đô thị - cần một sự đồng bộ

Thứ sáu, 29/09/2017 16:00

Nói tới bất kỳ đô thị nào người ta vẫn hay nhắc đến cái diện mạo xấu hay đẹp, khang trang hay lộn xộn, nhếch nhác, nôm na là cái “mặt tiền” của đô thị ấy ra sao, sau đó mới đi vào chi tiết bên trong lòng đô thị. Không phải là mắc “bệnh hình thức” nhưng dù sao cái diện mạo bên ngoài luôn là thước đo quan trọng để đánh giá sự phát triển, nét văn minh, hiện đại của đô thị và Đà Nẵng không phải là ngoại lệ.

Cần nhiều thêm những tuyến đường như Bạch Đằng (trong ảnh) để tô điểm đô thị Đà Nẵng. 

Đà Nẵng, nhất là từ sau khi trực thuộc Trung ương đã có sự thay đổi đến chóng mặt về hạ tầng đô thị, diện mạo thành phố khang trang, sạch đẹp  là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu nói về sự đồng bộ, hài hòa ở cái “mặt tiền” của mình thì Đà Nẵng vẫn còn nhiều điều phải làm. Cái đồng bộ ở đây trước hết là sự đồng bộ trong chủ trương của cả hệ thống chính trị, sự đồng bộ trong việc triển khai thực hiện các chủ trương đó của mỗi địa phương, mỗi người dân. Không thể để một đô thị mà “mặt tiền” của quận này khác quận kia, phường này không giống phường nọ, thậm chí là tổ dân phố, đường phố này không giống với tổ dân phố đường phố kia... Thử đi vào đánh giá cái diện mạo sẽ thấy sự thiếu đồng bộ đó.

Trước tiên là cái vỉa hè. Một thực tế rất dễ bắt  gặp là vỉa hè ở Đà Nẵng chưa có sự đồng bộ trong việc thiết kế, xây dựng, quản lý sử dụng. Từ cái bó vỉa nơi quá cao, nơi quá thấp, đến loại gạch lát vỉa hè, nơi thì bê-tông tự chèn (gạch con sâu), nơi thì lát gạch hình chữ nhật, đây đó có nơi người ta còn lát cả đá granite,... thậm chí có nơi chỉ tráng xi- măng. Ngay cả những con phố chính như Lê Lợi, Trần Phú nay cũng đã xuống cấp trầm trọng, nói chung là “muôn hình vạn trạng”. Tiếp đến là chuyện cây xanh trên vỉa hè. Nói đến cây trồng trên vỉa hè  Đà Nẵng thì quả cả một câu chuyện dài, đó là sự lộn xộn về chủng loại, độ cao thấp và cả các vị trí trồng ở nhiều tuyến đường. Đó là chưa kể cái bồn bao gốc cây, nơi thì xây cao, nơi thì dựng thêm cả hàng rào nhỏ, nơi thì hạ âm bồn cây… Việc quản lý và sử dụng vỉa hè cũng là một vấn đề, nơi thì kẻ vạch phân định khu vực buôn bán, khu vực dành cho người đi bộ, khu vực để xe máy, nơi thì không; việc kinh doanh buôn bán trên vỉa hè  còn phổ biến và thiếu sự ngăn nắp…

Cái mặt tiền ở Đà Nẵng chưa đồng bộ còn ở chuyện trang trí nó vào dịp lễ, tết, điển hình nhất là việc treo (cắm cờ). Trước đây có quy định cắm đồng loạt trước nhà nhưng do độ cao thấp, vị trí cắm thiếu trang nghiêm, chưa đồng bộ, gây phản cảm và làm mất mỹ quan đô thị. Trước thực trạng đó, tháng 8-2016, Sở Văn hóa - Thể thao có văn bản hướng dẫn việc treo cờ Tổ quốc trên địa bàn thành phố. Cách mới này quốc kỳ trông trang nghiêm và đẹp hơn. Tuy nhiên đến nay việc triển khai vẫn chưa đồng bộ, có nơi vẫn thực hiện theo kiểu cũ, trong một phường cũng đã có mấy kiểu treo cờ khác nhau, cũ có, mới có, chưa nói đến giữa quận này với quận kia…

Mặt tiền đô thị còn thể hiện ở việc bố trí, trang trí các bảng hiệu, bảng quảng cáo, mái che, mái hiên, màu sơn của mỗi căn nhà mặt phố, các đường dây điện, điện thoại, truyền hình cáp… Để đồng bộ tất cả chắc chắn là bài toán rất nan giải và rất tốn kém. Đơn cử nhưng chuyện “đồng bộ” cái mái hiên di động đã từng được HĐND thành phố có Nghị quyết để triển khai ở những con đường lớn của thành phố nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra được một mẫu hình phù hợp. Đó là minh chứng rõ nhất cho “bài toán khó” đó.

Tuy nhiên, vẫn có thể hạn chế đến mức thấp nhất sự thiếu đồng bộ bằng những chủ trương, quy định thống nhất, khả thi và mang tính thực tế từ thành phố đến cơ sở. Bên cạnh đó, cần tranh thủ những ý kiến đóng góp, hiến kế của cộng đồng, những người yêu quý Đà Nẵng cũng  như phát huy vai trò của Tổ dân phố các tổ chức đoàn thể trong việc phát động các phong trào mang tính bền vững để làm đẹp đô thị, chẳng hạn như phong trào “chủ nhật xanh, sạch, đẹp”. Việc chỉnh trang đô thị có thể thực hiện từ những hoạt động của các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nhà mặt phố trên các tuyến phố chính như quét vôi, quét sơn, tháo dỡ, thay mới và sửa chữa các mái hiên, bục bệ, bậc lên xuống tự tạo, những biển quảng cáo tự do, công trình vật kiến trúc tạm bợ gây mất mỹ quan đô thị…

Chỉnh trang không chỉ có ý nghĩa ở việc làm đẹp cho đô thị bằng hạ tầng đồng bộ mà còn đem lại nhiều tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, nó cũng góp phần không nhỏ trong việc cải thiện môi trường du lịch, thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phát triển. Một khi giao thông thuận tiện, vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp, ngăn nắp hơn, cây xanh đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu không những của cư dân đô thị mà còn của cả du khách. Và trên hết là sự khang trang văn minh của phố phường.

Công tác chỉnh trang đô thị ở Đà Nẵng đang được triển khai đồng bộ ở một số tuyến đường lớn để “đón đầu” Tuần lễ cấp cao APEC, từ lát mới vỉa hè đến thay mới cây xanh... Đó là công việc trước mắt và được đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương nhưng cũng chỉ bó hẹp ở một vài tuyến đường chính. Về lâu dài cần có những giải pháp mang tính bền vững, có sự đồng bộ phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các quận, phường, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, nhà trường… Làm thế nào để có một chủ trương thống nhất, xuyên suốt, đồng bộ từ thành phố xuống đến tổ dân phố trong công tác chỉnh trang và quản lý mặt tiền đô thị là một vấn đề cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Để mặt tiền đô thị xứng tầm với quy mô của một thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng, không những chỉ là chuyện của các nhà hoạch định mà còn là của cả hệ thống chính trị. Một đô thị văn minh không thể để lộn xộn, chắp vá ở cái mà người ta rất dễ nhìn thấy. Thành phố chỉ văn minh, khang trang hơn khi có sự đồng bộ trong cả chủ trương và hành động. Sự đồng thuận vốn là “thương hiệu” của Đà Nẵng. Điều đó cần được phát huy hơn nữa để tạo dựng một diện mạo mới cho Đà Nẵng ngay từ hôm nay.

Dân Hùng