Mất tiền tỷ vì cả tin “bạn ảo”
Mặc dù các thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới, song thực tế vẫn rất nhiều người sập “bẫy” do nhẹ dạ, cả tin. Tại Quảng Bình, thời gian gần đây, nhiều người dân phần lớn là phụ nữ ở vùng nông thôn vì cả tin đã dễ dàng trở thành “con mồi” cho các đối tượng lừa đảo. Theo số liệu thống kê ban đầu của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình, số tiền mà các bị hại trên địa bàn chuyển vào tài khoản cho các đối tượng người nước ngoài là hơn 5 tỷ đồng.
Các đối tượng Châu Thị Bích Hồng và Trần Thị Thùy Hương bị CA tỉnh Quảng Bình khởi tố về hành vi lừa đảo. |
Chị Hoàng Thị Thủy (trú TT Nông trường Việt Trung, H. Bố Trạch, Quảng Bình), một nạn nhân bị lừa đảo qua mạng xã hội, cho biết: Chị tình cờ quen biết với một người đàn ông gốc Phi qua mạng xã hội facebook. Sau 2 tháng nói chuyện trên facebook, người đàn ông này ngỏ lời vay tiền chị để giải quyết thủ tục dự án ở nước ngoài và hứa hẹn sẽ trả gấp đôi, gấp ba lần số tiền chị cho vay. Tin lời, chỉ trong vòng một tháng, chị Thủy đã chuyển vào tài khoản của người này số tiền gần 2 tỷ đồng. Đây là số tiền mà chị tích cóp được sau 14 năm đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và tiền vay nóng người quen trên địa bàn. Sau thời gian chuyển tiền, chị Thủy chờ đợi để được người này chuyển trả như đã hẹn. Tuy nhiên, khi chưa kịp đòi lại tiền thì mọi liên lạc với người bạn này đã bị cắt đứt.
Cũng với thủ đoạn tương tự, trước Tết Kỷ Hợi 2019, chị N. (ở xã Cảnh Dương, H. Quảng Trạch) quen một đối tượng nam giới người nước ngoài qua facebook. “Bạn trai” chị N. nói sẽ chuyển một số quà tặng cùng 5 tỷ đồng cho chị, trong đó 2 tỷ đồng để chị mua căn hộ, số còn lại để làm từ thiện. Nhưng để nhận được số tiền ấy, chị N. phải chuyển tiền nhiều lần với lý do đóng các loại thuế, phí. Tin lời “bạn trai”, chị N. đã dùng hết tiền tích lũy của mình và vay mượn của người thân với số tiền gần 500 triệu đồng chuyển cho “bạn ảo”. Sau khi chuyển tiền, “bạn trai” ngoại quốc của chị N. bỗng dưng mất hút, không còn liên lạc được. Khi biết mình bị lừa đảo, chị N. lo lắng, quẫn bách với món nợ hàng trăm triệu đồng nên tìm đến cái chết.
Qua tìm hiểu được biết, sau khi đến du lịch tại Việt Nam, các đối tượng người nước ngoài đã câu kết với một số đối tượng người Việt và dùng mạng xã hội như facebook, zalo để kết bạn, làm quen chủ yếu với phụ nữ trẻ rồi đặt vấn đề nhờ những người bạn nữ mới quen trong nước nhận giúp gói hàng có giá trị hàng triệu đô-la Mỹ từ nước ngoài gửi về. Thù lao cho mỗi lần nhận giúp là 30% giá trị gói hàng, sau đó những đối tượng khác trong nhóm (là người Việt Nam) giả danh là nhân viên các đơn vị chuyển hàng quốc tế gọi điện thoại cho những người phụ nữ thông báo về cách thức nhận hàng và để nhận được hàng, thì phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng để trả các loại thuế, phí sân bay. Thường là từ 5.000 đến 10.000 USD, thậm chí có trường hợp lên tới hàng trăm ngàn USD...
Trong thời gian chờ chuyển tiền, các đối tượng nước ngoài liên tục trò chuyện, tâm sự bằng tiếng Anh được dịch qua Google, hai bên hẹn hò gặp mặt hoặc đối tượng hứa hẹn tặng cho người phụ nữ những món quà đắt tiền, những chuyến du lịch hấp dẫn để tạo thêm lòng tin. Vì thế, nhiều người phụ nữ không ngần ngại chuyển tiền vào các tài khoản mà chúng đã lập sẵn, ít thì vài chục, nhiều thì hàng trăm triệu đồng, thậm chí có người đã mất hàng tỷ đồng. Sau khi biết mình bị lừa thì nhiều nạn nhân trắng tay và lâm vào cảnh nợ nần, nhưng không ít người đành ngậm bồ hòn làm ngọt vì biết mình dại dột, cả tin. Có người tìm đến cái chết như chị N.
Trước sự việc trên, cơ quan CSĐT CA tỉnh Quảng Bình đã xác lập chuyên án để đấu tranh làm rõ. Quá trình vào cuộc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, chỉ trong một thời gian ngắn, Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Bình đã bắt giữ 2 đối tượng: Châu Thị Bích Hồng (1980, trú P. Bình San, TP Hà Tiên, Kiên Giang) và Trần Thị Thùy Hương (1985, trú P. 9, Q. 8, TPHCM) để đấu tranh làm rõ các hành vi liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đấu tranh, Hương và Hồng thừa nhận được các đối tượng người nước ngoài đến Việt Nam du lịch quen biết qua facebook và zalo đặt vấn đề đứng tên để mở thẻ ATM tại các ngân hàng của Việt Nam. Theo đó, Trần Thị Thùy Hương đã mở cho một đối tượng 7 thẻ ATM, Châu Thị Bích Hồng mở 13 thẻ ATM. Sau khi dụ dỗ các nạn nhân là phụ nữ người Việt Nam chuyển tiền để cho mượn, nhận quà hoặc trả phí thì các đối tượng người nước ngoài cung cấp số tài khoản và Hương, Hồng đi rút tiền từ ngân hàng và các cây ATM tự động để hưởng chênh lệch từ 3 đến 5% số tiền rút được.
Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội không mới nhưng do người dùng thiếu tỉnh táo, dễ bị hấp dẫn bởi lời hứa đường mật của các đối tượng xấu. Hiện, cơ quan điều tra vẫn đang thụ lý một số vụ lừa đảo và bước đầu làm rõ một số phụ nữ ở các tỉnh phía Nam tiếp tay cho các đối tượng người nước ngoài là thủ phạm lừa đảo qua mạng xã hội. Hiện, đơn tố giác tội phạm vẫn đang được các bị hại gửi đến cơ quan CA tố giác hành vi lừa đảo qua mạng xã hội.
D.N