Máy bay AirAsia của Malaysia mất tích
162 người trên khoang
Máy bay có thể rơi ở biển Java
(Cadn.com.vn) - Công tác tìm kiếm, cứu nạn đang được triển khai tích cực để vụ mất tích máy bay AirAsia của Malaysia vào sáng 28-12 không trở thành “vụ MH370 thứ hai”.
Khi chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2014, Malaysia lại hứng chịu thêm thảm họa hàng không mới: máy bay chở khách của hãng hàng không AirAsia bất ngờ mất tích vào sáng 28-12, đánh dấu năm thảm họa quá lớn đối với ngành hàng không nước này.
Tuy nhiên, thông tin về thời điểm chính xác máy bay Airbus A320-200 mang số hiệu QZ 8501 mất liên lạc với trung tâm kiểm soát không lưu lại khá mâu thuẫn. CNN dẫn nguồn tin từ AirAsia tại Indonesia - một Cty con của AirAsia - cho biết, QZ 8501 mất liên lạc vào khoảng 7 giờ 24 khi trên đường từ Surabaya ở Indonesia đến Singapore. Theo giới chức hàng không Indonesia, vụ việc xảy ra sớm hơn, vào lúc 6 giờ 17.
Người thân chờ đợi tin tức tại sân bay Juanda. Ảnh: AFP |
Nguyên nhân do thời tiết?
Trước khi mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Indonesia, máy bay bất ngờ yêu cầu di chuyển theo lộ trình bất thường. Quan chức Bộ Giao thông Indonesia Hadi Mustafa cho biết, máy bay mất liên lạc trong điều kiện thời tiết xấu.
Từ các trang mạng theo dõi chuyến bay, gần như toàn bộ các lộ trình của QZ 8501 là đi qua biển. Theo giới phân tích, máy bay có thể gặp nạn do thay đổi không khí bất thường và cố gắng chuyển hành trình nhưng bị rơi. “Thời tiết trong khu vực lúc đó khá xấu. Hãy nhớ, sự nhiễu loạn không khí có thể làm máy bay rơi”, nhà khí tượng học Derek Van Dam nhận định.
Tuy nhiên, chuyên gia Mary Schiavo cũng đặt nhiều nghi vấn về khả năng máy bay gặp nạn do thời tiết. “Thông thường, các phi công sẽ cập nhật thông tin thời tiết từ trạm kiểm soát không lưu và tất nhiên cả trên radar của họ. Vì vậy, việc thời tiết ở khu vực này có xấu hay không, không có gì quá bí ẩn”, ông Schiavo nói. Trong khi đó, hành khách trên các chuyến bay khác, vốn cũng xuất phát từ Surabaya, cho biết, thời tiết lúc máy bay AirAsia mất tích không có gì bất thường.
Một điều lạ là không có bất kỳ tín hiệu cầu cứu nào được gửi đi, ông Joko Muryo Atmodjo, Giám đốc vận tải hàng không tại Bộ Giao thông Indonesia cho biết. Giới phân tích cho rằng, thông thường, đèn hiệu vô tuyến sẽ gửi đi tín hiệu nếu máy bay chịu các tác động từ bên ngoài.
Tích cực tìm kiếm
Hiện, các bên liên quan đang nỗ lực triển khai các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ khẩn cấp. Các tàu và máy bay từ các nước liên quan được điều động đến các khu vực tham gia tìm kiếm dưới sự chỉ đạo của Cơ quan Hàng không Dân dụng Indonesia (CAA).
Trong đó, chính quyền Jakarta điều 1 máy bay, 2 trực thăng và 6 tàu cứu nạn đến khu vực nghi là nơi máy bay gặp nạn gần các đảo Bangka và Belitung. Trước đó, Lực lượng Hải quân và Không quân Singapore cũng được huy động tham gia tìm kiếm cùng với 2 máy bay C-130.
Trong khi đó, Malaysia - nơi AirAsia đặt trụ sở - triển khai 3 tàu và 1 máy bay C130 Hercules hỗ trợ đội tìm kiếm. Nước này cũng thành lập Trung tâm Điều phối Cứu nạn (RCC) tại Trung tâm kiểm soát không lưu Kuala Lumpur (ATCC) ở Subang, nhằm hỗ trợ các nỗ lực phối hợp trong việc tìm kiếm máy bay mất tích QZ8501. Singapore cũng thiết lập trung tâm điều phối cứu nạn tại sân bay quốc tế Changi và đề xuất hỗ trợ thêm cho Indonesia.
Phát biểu sau khi máy bay mất liên lạc gần 1 ngày, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla bày tỏ quan ngại sâu sắc. “Có khả năng máy bay đã gặp nạn”, ông nói. Giám đốc điều hành AirAsia Tony Fernandes nói rằng, “đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất cuộc đời ông”.
Nỗi đau người ở lại
Hàng trăm người Indonesia đổ xô đến sân bay quốc tế Juanda ở Surabaya, chờ đợi tin tức về máy bay QZ8501.
Thông tin về 162 người trên khoang AirAsia cho biết, tại thời điểm gặp nạn, có 162 người trên khoang, gồm 155 hành khách (149 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Pháp, 1 công dân Malaysia và 1 người Singapore) và 7 thành viên phi hành đoàn ( 2 phi công, 4 tiếp viên và 1 kỹ sư thợ máy). Cũng theo AirAsia, cơ trưởng của máy bay này là người có kinh nghiệm với 6.100 giờ bay, và chiếc Airbus này mới được bảo dưỡng hôm 16-11. |
Bên trong Trung tâm Thông tin Khẩn cấp mới được thành lập tại sân bay, gia đình và bạn bè những người đi trên chuyến bay này gào khóc lần tìm tên của người thân trên những danh sách được dán vội. Trong khi đó, từng hàng dài người ngồi, đứng vật vã chờ đợi tin tức về máy bay QZ8501. Hàng chục người khác liên tục gọi điện thoại và khóc.
Sự lo lắng, thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người. Một phụ nữ 45 tuổi nói với AFP rằng, gia đình bà có đến 6 người đi trên máy bay. “Họ đến Singapore du lịch. Họ luôn đi bằng AirAsia - một hãng hàng không giá rẻ - và chưa gặp vấn đề gì. Tôi bị sốc khi nghe tin này, và tôi lo máy bay có thể đã bị rơi”, bà cho biết.
2014 có thể xem là năm thảm họa đối với ngành hàng không Malaysia. Trong khi chưa thể tìm ra máy bay MH370 mất tích bí ẩn trên Ấn Độ Dương, ngành hàng không nước này lại chứng kiến thảm họa MH17 bị bắn rơi ở đông Ukraine. Và giờ đây, hy vọng kết thúc năm 2014 đầy sóng gió không như mong đợi khi họ lại vướng vào vụ mất tích của QZ8501.
Khả Anh