“Mây đen” từ New Delhi đến Islamabad

Thứ bảy, 10/08/2013 12:33

(Cadn.com.vn) - Các cuộc tấn công nhằm vào người Ấn Độ đang khiến mối quan hệ đang ấm dần lên giữa New Delhi và Islamabad bất ngờ tụt dốc không phanh.

“Cuộc chiến” giữa hai cựu thù ở Nam Á, New Delhi và Islamabad vẫn âm ỉ cháy, nhất là sau các cuộc tấn công bên ngoài lãnh sự quán Ấn Độ tại Jalalabad, miền đông Afghanistan hôm 3-8.

Các quan chức Afghanistan và Ấn Độ nghi ngờ, những kẻ đánh bom tự sát cố xông vào lãnh sự quán Ấn Độ là người Pakistan hoặc được các cơ quan tình báo Pakistan tiếp tay. Tuy nhiên, tất cả không chỉ dừng lại ở đó. Trong sự cố nghiêm trọng nhất kể từ khi hai nước láng giềng ký thỏa thuận ngừng bắn hồi năm 2003, lính đặc công Pakistan bị cáo buộc phục kích tấn công một trạm kiểm soát của Ấn Độ ở dọc đường Ranh giới Kiểm soát (LoC) thuộc khu vực tranh chấp Kashmir hôm 6-8, giết hại 5 binh sĩ.

Ở Ấn Độ, vụ việc làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony nói rằng cuộc tấn công trên do khoảng 20 phần tử khủng bố và những kẻ mặc quân phục quân đội Pakistan được trang bị vũ khí hạng nặng tiến hành. Các nghị sĩ phe đối lập làm náo loạn tại nghị trường đòi Bộ trưởng Antony phải xin lỗi về phát ngôn này, khiến phiên họp buổi sáng 7-8 của Hạ viện phải lùi đến chiều cùng ngày mới nối lại.

Binh sĩ Ấn Độ tuần tra kiểm soát tại LoC. Ảnh: Reuters

Ở ngoài nước, mọi việc lên đến đỉnh điểm khi New Delhi hôm 8-8 lần đầu tiên trực tiếp cáo buộc quân đội Pakistan liên quan đến vụ phục kích đẫm máu này, đồng thời ám chỉ hành động đáp trả bằng quân sự tiềm tàng. Tuy nhiên, Islamabad phủ nhận mọi liên quan. Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif, vừa trở về nước sau chuyến công du Saudi Arabia, triệu tập cuộc họp khẩn, thảo luận căng thẳng leo thang nhanh chóng với quốc gia láng giềng Ấn Độ. Sau đó, hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân này tổ chức trao đổi qua “đường dây nóng” nhằm khôi phục thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực biên giới tranh chấp Kashmir.

Giới phân tích cho rằng, căng thẳng Ấn Độ-Pakistan tập trung vào những mối quan tâm trực tiếp song phương như tranh chấp lãnh thổ, chia sẻ nguồn nước, bạo lực xuyên biên giới và những khát vọng ly khai của người dân ở các vùng đất tranh chấp và Afghanistan. Về vấn đề Afghanistan, giới chuyên gia cho rằng, Ấn Độ và Pakistan không bị khóa trong bất kỳ cuộc đụng độ lợi ích nào. Thay vào đó, cả hai đều muốn nhìn thấy kết quả cuối cùng ở Afghanistan: đó là một quá trình hòa giải dân tộc và chấm dứt chiến tranh.

Tuy nhiên, khúc mắc ở chỗ cả hai đều muốn giành ảnh hưởng lớn hơn đối với Kabul. New Delhi cho biết, họ muốn phát triển hạt nhân các lãnh sự trên toàn Afghanistan nhằm chống lại và làm suy yếu sự hiện diện của Islamabad tại nước đó. Trong khi đó, Islamabad cũng cáo buộc New Delhi đang sử dụng cơ quan ngoại giao tại Afghanistan để tài trợ và vũ trang cho các phiến quân ly khai Balochistan chống Pakistan. Một thực tế không thể chối cãi rằng, Ấn Độ có một số “tài sản” quân sự và tình báo hoạt động ở Afghanistan. Và Islamabad luôn ám ảnh rằng, New Delhi được giao nhiệm vụ lớn hơn ở Afghanistan nhằm hình thành vị thế địa chính trị từ cả hai phía biên giới.

Lời giải thích của Ấn Độ về lý do tại sao Afghanistan trở thành nơi sinh sản cho những kẻ cực đoan Hồi giáo cũng gay cấn không kém. Đó là do quân đội Pakistan âm mưu củng cố “chiều sâu chiến lược”. Một Afghanistan hoàn toàn bị kiểm soát bởi Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) là kịch bản ác mộng đối với nhiều người ở New Delhi, vốn luôn hy vọng các lực lượng chiếm đóng của Mỹ ở Afghanistan mở rộng sự hiện diện để kiềm chế “bóng đen” từ Islamabad.

Rõ ràng, tương lai u ám đang đón chờ Afghanistan sau khi Mỹ rút quân năm 2014 tạo mối bất an sâu trong giới tinh hoa Ấn Độ và Pakistan. Ai cũng lo sợ, bên kia sẽ “điền vào chỗ trống” của Mỹ.

Khả Anh