Mẹ đã đoàn tụ với chồng con

Thứ hai, 27/04/2020 18:34

Dù biết những người thân sẽ không trở lại, nhưng dường như niềm hy vọng, chờ đợi sự trở về của họ vẫn chưa bao giờ tắt trong lòng của mẹ VNAH Lê Thị Qua (99 tuổi, thôn La Châu, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) suốt 45 năm qua. Tuy nhiên, sức già có hạn, 14 giờ ngày 23-4, trái tim của mẹ đã ngừng đập để đoàn tụ với chồng con.

Bà con thôn La Châu sẽ không còn bắt gặp hình ảnh mẹ VNAH Lê Thị Qua tựa cửa ngóng đợi người thân.

Mẹ Qua quê ở thôn Diệm Sơn (xã Điện Tiến, TX Điện Bàn, Quảng Nam) về làm dâu họ Trà thôn La Châu từ năm 19 tuổi. Trong 2 cuộc kháng chiến, những người đàn ông trong nhà mẹ cứ nối tiếp nhau ra đi, có những năm tháng dài một mình mẹ vò võ nuôi cha mẹ chồng, con nhỏ. Hòa bình lập lại, những người đàn ông trong gia đình mẹ vẫn biền biệt không về. Với mẹ, quá khứ chiến tranh là quãng thời gian vô cùng gian khổ, nó không chỉ cướp mất của mẹ tuổi thanh xuân và hạnh phúc, mà còn lấy đi nhiều tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc đời.

Chồng mẹ là ông Trà Văn Huynh hết tham gia đánh Pháp rồi lại đánh Mỹ, hết làm cán bộ xã rồi tập kết ra Bắc, về lại Nam công tác, ông sống ở bưng biền nhiều hơn bên cạnh mẹ. Khi những đứa con của mẹ ra đời và lớn lên trong bom đạn, chính mẹ là người động viên các con lên đường bảo vệ đất nước. Cuối năm 1968, các con của mẹ là chị Hai Huynh, anh Ba Đệ lần lượt nằm lại ở các chiến trường Duy Xuyên, Quế Sơn (Quảng Nam). Lúc chồng mẹ viết thư về hỏi thăm các con, mẹ chưa kịp trả lời thì nhận tiếp hung tin, ông lại hy sinh ở Quảng Ngãi. Cùng với tang cha chồng và 3 em trai chồng, trong hai năm 1968-1969, 7 cái tang lớn ập tới, mẹ không còn nước mắt để khóc.

Có lúc, mẹ Qua tưởng như mình đang mơ, chắc có sự nhầm lẫn gì đây, không lẽ tất cả những người đàn ông thân yêu nhất của mẹ lại ra đi gần như cùng một lúc, không thể có chuyện như thế được. Cho nên, mẹ vẫn trông chờ, thắp sáng ngọn đèn dầu từng đêm để làm tín hiệu cho các cơ sở cách mạng từ những cánh rừng xa xa...      

Thời đó, đàn ông thanh niên làng La Châu đều "nhảy núi" theo cách mạng, chỉ còn lại đàn bà con nít. Ban ngày thì mẹ cùng họ đi biểu tình, đấu tranh, dò la lịch tuần của Mỹ ngụy; đêm đêm chong đèn báo hiệu cho cách mạng qua sông, về làng nhận tiếp tế, họp với du kích, cơ sở nội thành. Bên kia sông Yên, trên núi Bồ Bồ nếu thấy đỏ đèn là an toàn, bộ đội có thể vượt sông về làng. Nếu những ngôi nhà ven sông tắt đèn thì ngược lại. Cái ám hiệu đơn giản, với ánh đèn dầu le lói ấy đã giúp thành công bao nhiêu cuộc họp quan trọng, đón người từ chiến khu xuống.

Sau ngày thống nhất đất nước, người con út của mẹ là chị Bốn Định lớn lên cũng không tha thiết chuyện lập gia đình để tập trung chăm sóc mẹ từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Chị bộc bạch, anh chị tôi không về, mẹ tôi kiên gan chờ đợi, có những đêm hôm khuya khoắt, chợt thức giấc, tôi thấy bóng mẹ im lìm tựa cửa, tóc bạc như mây trông lên bàn thờ, ngắm nhìn di ảnh người thân. Mỗi lần như vậy, tôi chỉ biết ôm mẹ khóc. "Tôi không hiểu bằng sức mạnh diệu kỳ nào mà mẹ tôi có thể sống và chịu đựng được trong nỗi cô đơn mất mát vô bờ bến ấy. Mỗi lần nghĩ về quá khứ chiến tranh, tôi thấy sự chịu đựng của mẹ quá lớn. Một sự chờ đợi dai dẵng, âm thầm và lặng lẽ", chị Định nghẹn lòng.

Cũng như bao người vợ, người mẹ khác, khi tiễn chồng con đi chiến đấu, mẹ Qua cứ thao thức chờ đợi từng đêm nhưng những người thân của mẹ cứ đi mãi không về. Tâm niệm của mẹ là được tự tay thắp lên mộ phần các con một nén hương thơm vẫn chưa trở thành hiện thực, dù mẹ biết rằng nơi đâu trên đất nước này cũng đều là quê hương, là Tổ quốc. Chúng tôi chợt nghĩ, nếu không có những bà mẹ anh hùng thì khó có những người con anh hùng. Chân lý đơn giản ấy mãi ngời sáng và trường tồn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay.

VY HẬU