Méo mặt vì “bitcoin”
(Cadn.com.vn) - Dưới sự giới thiệu, kêu gọi, lôi kéo của Đào Thị Thanh Thủy (1977, trú P. An Bình, TX An Khê, Gia Lai) đã có hàng trăm người tham gia vào trò “đồng tiền ảo bitcoin”. Chỉ sau 2 tháng, đường dây này “đứt gánh” và kẻ cầm đầu đã “ôm” hàng chục tỷ đồng lặn mất tăm.
Náo loạn vì “bitcoin”
Chiều 27-8, tại một quán cà-phê ở P. An Phú (TX An Khê), xảy ra vụ việc nhiều người dân tụ tập, trong đó có nhiều người quá khích gây sức ép đối với Đào Thị Thanh Thủy yêu cầu trả tiền. Nhận được tin báo, CATX An Khê kịp thời có mặt vận động số người trên không có các hành vi vi phạm pháp luật, giải tán tránh gây mất ANTT đồng thời mời Thủy và người liên quan là Lê Văn Tuấn (trú P. Ia Kring, TP Pleiku) về CATX An Khê để làm rõ vụ việc.
Tại CATX An Khê, Thủy và Tuấn đã trình báo về việc tham gia và “mời” nhiều người dân trên địa bàn TX An Khê tham gia vào huy động vốn theo mô hình đa cấp với tên gọi là “ngân hàng cộng đồng bitcoin”, hay gọi tắt là FXMT4. Theo đó, từ tháng 4-2016, Thủy tham gia vào tuyến dưới trực tiếp của Lê Văn Tuấn theo kiểu mô hình đa cấp trên. Đây là một kiểu ngân hàng cộng đồng sử dụng “đồng tiền ảo - bitcoin” để giao dịch trong hệ thống với nhau. Để tham gia vào hình thức này, đầu tiên người chơi phải tạo ví “bitcoin” và phải mua ít nhất 1 “bitcoin” vào trong ví từ các trang mạng hoặc mua của người khác. Trị giá 1 “bitcoin” thay đổi theo thị trường và hiện tại có giá khoảng 13 triệu đồng. Khi được tuyến trên giới thiệu tham gia, người chơi sẽ được cấp 1 mã ID trên trang mạng có địa chỉ “fxmt4.us” và chuyển số tiền từ ví “bitcoin” vào mã ID để lên “sàn giao dịch fxmt4.us” và lôi kéo người khác tham gia nhằm phát triển tuyến dưới của mình. Hệ thống “sàn giao dịch fxmt4.us” theo kiểu đa cấp này do Trần Thiện Lâm (trú 2/7-Quách Văn Tuấn, P. 12, Q. Tân Bình, TPHCM) đứng đầu.
Các đối tượng lôi kéo bằng chiêu đánh vào lòng tham của người dân với lợi nhuận khủng khi tham gia vào “sàn giao dịch fxmt4.us” này. Cứ sau 30 ngày lên “sàn”, người chơi sẽ nhận được lợi nhuận 24% “bitcoin” (tức lợi nhuận 24%/tháng) và cứ sau 5 ngày người chơi sẽ nhận được 24% “bitcoin”, cứ như vậy nhận được 6 lần trong 1 tháng (tức lợi nhuận từ ngày 31 trở đi là 24% x 6 = 144%/tháng). Bên cạnh đó, ngoài lợi nhuận có được từ tham gia “sàn ảo” trên, người tham gia còn được hưởng hoa hồng trực tiếp và gián tiếp khi giới thiệu được người tham gia. Cụ thể, khi người chơi giới thiệu được tuyến dưới trực tiếp tham gia thì sẽ nhận được 10% “bitcoin”, khi nhóm phát triển người chơi đạt cấp độ từ MT1 đến MT4 sẽ được hưởng hoa hồng đội nhóm từ 1-4% tổng doanh số “bitcoin” tổng nhóm (của 3 người tuyến dưới). Thế nên, Trần Thiện Lâm còn “khuyến khích” người tham gia nạp càng nhiều “bitcoin” càng thu nhiều lợi nhuận và lôi kéo càng nhiều người tham gia, người chơi càng thu nhiều lợi nhuận hơn.
Hai trang “sàn giao dịch fxmt14.us” và “helpingclub.us” bị “chết” cùng với hàng chục tỷ đồng biến mất theo Trần Thiện Lâm khiến người dân điêu đứng. |
Hàng chục tỷ đồng “biến mất”
Sau khi tham gia vào tuyến dưới của Lê Văn Tuấn, Đào Thị Thanh Thủy đã giới thiệu được 7 người chơi tuyến dưới trực tiếp và từ đó đã lôi kéo khoảng 300 người (trong địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận) tuyến dưới tham gia chơi nhiều mã ID. Dù chiêu thức không có gì mới bằng cách tạo niềm tin ban đầu để “con mồi” sập bẫy. “Sàn giao dịch fxmt4.us” cũng hoạt động cách thức tương tự. Thời gian đầu, “sàn giao dịch fxmt4.us” hoạt động bình thường, chi trả lợi nhuận đúng thời gian quy định. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6-2016, “sàn” này bắt đầu bị “lỗi” và chi trả tiền lợi nhuận trễ hơn so với cam kết. Đến cuối tháng 6-2016 thì “sàn giao dịch” dừng hẳn và đến đầu tháng 7, Trần Thiện Lâm thông báo người tham gia vào trang mạng có địa chỉ “helpingclub.us” để giao dịch. Tuy nhiên, đến ngày trả lãi, hoa hồng thì “sàn giao dịch” này cũng tắt ngóm. Đến ngày 23-8, Thủy, Tuấn cùng 20 người khác là tuyến dưới của Tuấn cùng vào TPHCM để gặp Trần Thiện Lâm hỏi lý do. Sau khi gặp, Lâm hứa 1 ngày sau sẽ mở lại “sàn giao dịch” nhưng sau đó Lâm lặn mất tăm, bỏ mặc những người tham gia bơ vơ giữa đất lạ. Cũng từ đó, những người tham gia tuyến dưới của Tuấn và Thủy cũng như người mất hồn khi hàng chục, hàng trăm triệu đồng tiền thật đã biến mất theo “đồng bitcoin”.
Theo kết quả xác minh ban đầu của CATX An Khê, ước tổng số mã ID tuyến dưới của Thủy tham gia khoảng 1.900ID tức 1.900 “bitcoin” - tương đương khoảng 22 tỷ đồng biến mất theo Trần Thiện Lâm. Trong đó, 1/3 số người chơi không biết cách tự mở ví “bitcoin”, không biết thực hiện các giao dịch nên đưa tiền trực tiếp cho Thủy thực hiện giao dịch trên “sàn giao dịch fxmt4.us”. Cho rằng Thủy, Tuấn đã lừa mình nên chiều 27-8, người dân đã vây Tuấn, Thủy lại để gây sức ép trả tiền, trong đó có nhiều người quá khích. Tuy nhiên, vụ việc đã được CATX An Khê phát hiện và ngăn chặn hành vi quá khích kịp thời.
Được biết, Lê Văn Tuấn và Đào Thị Thanh Thủy cùng nhiều người đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng, CATPHCM đề nghị giúp đỡ. Liên quan đến vụ việc này, CATX An Khê cho biết: Thời gian qua, CATX đã có nhiều thông báo về tình hình hoạt động của một số cá nhân, tổ chức kinh doanh theo mô hình đa cấp hoặc huy động vốn theo mô hình đa cấp đến các xã, phường để tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ và nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân vì hám lợi lôi kéo người khác tham gia vào các loại hình đa cấp khác nhau. Do người dân gửi đơn đến các cơ quan chức năng tại TPHCM nên CATX An Khê chỉ giải quyết về các vấn đề liên quan đến ANTT trên địa bàn và báo cáo CA tỉnh Gia Lai để có hướng giải quyết.
Qua tìm hiểu của phóng viên, số người liên quan tham gia vào “sàn giao dịch fxmt4.us” tại Gia Lai còn rất nhiều và số tiền biến mất còn cao hơn nhiều bởi có người mua nhiều hơn 1 ID để nhằm hưởng lợi nhuận nhiều hơn.
Minh Tân