MH370 - 5 năm tìm lời giải thảm họa bí ẩn

Thứ tư, 13/03/2019 10:27

5 năm sau thảm họa biến mất của chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines, ngành hàng không đang trên đà triển khai công nghệ để một thảm kịch tương tự như vậy không thể xảy ra.

Cho đến nay, không có dấu vết nào của MH370 được phát hiện, và thi thể của các nạn nhân cũng không được tìm thấy. Ảnh: Sputnik

Malaysia tuyên bố sẽ sớm quyết định số phận của Malaysia Airlines

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 12-3 cho biết, chính phủ nước này đang cân nhắc khả năng đóng cửa, bán hoặc tái cấp vốn hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines (MAB).

Ông Mahathir nêu rõ, chính phủ Malaysia đang nghiên cứu các phương án xử lý đối với hãng hàng không MAB và quyết định sẽ sớm được đưa ra. Phát biểu họp báo tại trụ sở Quốc hội, ông Mahathir nói: "Việc đóng cửa hãng hàng không này là vấn đề rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu xem phương án nào tối ưu nhất, đóng cửa hay bán hay tái cấp vốn. Tất cả những lựa chọn này đều được để ngỏ".

B.N

Thật khó để tin rằng, cho đến nay chúng ta vẫn không biết chính xác những gì đã xảy ra với chiếc Boeing 777, hoặc tại sao nó biến mất trên đường bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh vào ngày 8-3-2014.

"Thật không thể tin được là trong thời đại ngày nay, chúng ta mất một máy bay lớn mà không có dấu vết nào", chuyên gia Marin cho biết. Thảm kịch gây sốc cho ICAO và buộc cơ quan này phải nhanh chóng hoạt động.

Kết quả là một kế hoạch dài hạn được gọi là Hệ thống an toàn và hàng không toàn cầu (GADSS), sử dụng những đổi mới trong công nghệ và thông tin liên lạc để theo dõi tốt hơn các máy bay. Một phần của kế hoạch yêu cầu tất cả các máy bay lớn tự động hiện thông tin theo dõi vị trí chuyến bay sau mỗi 15 phút, trong khi một quy tắc mới khác tập trung vào những gì xảy ra khi một chuyến bay thương mại gặp nạn.

Giải pháp nào ngăn chặn thảm họa tương tự?

Lý do khiến thế giới mất dấu MH370 là vì các bộ tiếp sóng của nó đã ngừng truyền đi một cách bí ẩn vị trí của máy bay khoảng 3 phút sau cuộc gọi vô tuyến cuối cùng.

Hiện giờ, ICAO bắt buộc các hãng hàng không trên thế giới phải cung cấp cái gọi là "hệ thống theo dõi sự cố" trên máy bay vào năm 2021. Hệ thống sẽ tự động truyền đi vị trí của máy bay trong khoảng thời gian một phút bất cứ khi nào máy bay ở "vị trí - nếu không được giám sát - sẽ dẫn đến tai nạn", ông Marin cho biết. Hệ thống này có thể hoạt động "không phân biệt bất kỳ hành động nào của phi công", ông Marin nói thêm. Bộ tiếp sóng có thể truyền vị trí máy bay và ID duy nhất của máy bay cho các nhà chức trách, những người có thể tiến hành giải cứu.

Trong khi một số phi công phản đối ý tưởng này do lo ngại vấn đề an toàn, cho biết họ muốn có thể tắt bất kỳ hệ thống điện nào trên máy bay trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn hoặc khẩn cấp, thì Cty Aireon, Cty sở hữu công nghệ này, nói rằng nhiều khách hàng của họ - trong đó có Malaysia Airlines - đã đăng ký sử dụng hệ thống này, dự kiến sẽ có vào tháng tới.

Theo dõi toàn cầu dựa trên không gian

Cty sử dụng một chòm sao gồm 66 vệ tinh được kết nối với nhau để có thể theo dõi tất cả giao thông hàng không trong thời gian thực - ngay cả trên những vùng biển rộng lớn, nơi không thể phủ sóng radar như trên mặt đất.

Đây là cách nó hoạt động: Các máy bay được trang bị các thiết bị gọi là bộ tiếp sóng, chúng gửi tín hiệu được tiếp nhận bởi các trạm mặt đất và các vệ tinh quay quanh. Những tín hiệu này sau đó được truyền đến các hãng hàng không và kiểm soát viên không lưu. "Đây sẽ là lần đầu tiên tất cả các máy bay được theo dõi trên toàn thế giới trong thời gian thực", Don Thoma, CEO của Aireon, cho biết. "Khi bạn nói chuyện với những người khác trong ngành, họ thực sự xem đây là một hành động bổ sung cơ bản, thay đổi cơ sở hạ tầng kiểm soát không lưu và hàng không".

Theo dõi toàn cầu dựa trên không gian dự kiến sẽ loại bỏ các điểm mù lớn trong việc theo dõi máy bay vẫn còn tồn tại trên các đại dương, sa mạc, núi và các khu vực xa xôi khác trên thế giới. Đây là những lỗ hổng dẫn đến việc MH370 biến mất cũng như những câu hỏi dai dẳng về số phận của nó.

Tìm kiếm và thất vọng

Đã 5 năm trôi qua kể từ khi MH370 mất tích. Không có dấu vết nào của máy bay được phát hiện, và thi thể của các nạn nhân cũng không được tìm thấy. Lễ tưởng niệm được tổ chức mà không có bất kỳ sự chắc chắn nào về những gì đã xảy ra.

Tháng 1-2015, gần 1 năm sau khi máy bay biến mất, chính phủ Malaysia chính thức tuyên bố vụ mất tích là một "tai nạn" và tất cả những người trên máy bay được cho là đã chết. Nhưng 2 cuộc tìm kiếm ở Ấn Độ Dương vẫn tiếp tục cho đến năm 2018, tiêu tốn hàng chục triệu USD. Trong năm 2015 và 2016, các mảnh vỡ được khẳng định là của MH370 - trong đó có một đoạn cánh và một phần thân máy bay - dạt vào bờ biển ở Châu Phi và hòn đảo lân cận phía đông, cách vị trí máy bay biến mất hàng ngàn ki-lô-mét. Hồi năm ngoái, các quan chức của Cục An toàn Giao thông Australia cho rằng, máy bay có khả năng đã rơi xuống Ấn Độ Dương sau khi hết nhiên liệu. Tuy nhiên, hôm 3-3, Thủ tướng Malaysia hứa sẽ tiếp tục tìm kiếm.

AN BÌNH